|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cổ đông lao đao vì nhiều tập đoàn lớn ngừng trả cổ tức do khủng hoảng COVID-19

14:50 | 13/04/2020
Chia sẻ
Từng là một cổ phiếu mà giới đầu tư yêu thích vì trả cổ tức tiền mặt đều đặn, HSBC cũng vừa phải cáo lỗi với cổ đông vì COVID-19.

Sau ba lần tái cơ cấu lớn trong một thập niên qua cùng với đó là hàng loạt lùm xùm liên quan đến quản trị tuân thủ lỏng lẻo, thứ níu chân những nhà đầu tư ở lại với HSBC là những khoản trả cổ tức bằng tiền mặt ổn định.

Hôm 1/4, sau khi HSBC thông báo họ sẽ hoãn thanh toán khoản chi cổ tức cuối cùng của năm 2019 và chưa có kế hoạch cho các khoản chi trả tiếp theo, giá cổ phiếu HSBC đã lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009, thời điểm cao trào của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.

Cổ đông lao đao vì nhiều 'ông lớn' dừng trả cổ tức trong tâm bão COVID-19 - Ảnh 1.

HSBC dừng trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông vì đại dịch viêm phổi cấp COVID-19. Ảnh: SCMP

Cú sốc ngắn hạn đối với dòng tiền

Theo SCMP, trong quý 4/2019, số tiền các doanh nghiệp đại chúng trên thế giới bỏ ra để chi trả cổ tức cho cổ đông đã chạm mốc gần 300 tỉ USD. Dù vậy, nguồn thu nhập này đang "bốc hơi" khi hàng loạt công ty lớn như Boeing, Marriott International hay Volkswagen đều quyết định hủy hoặc hoãn chi trả cổ tức trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực từ COVID-19.

"Thực tế đang diễn ra là một cú sốc ngắn hạn lớn đối với dòng tiền của các công ty", Eli Lee, người đứng đầu mảng chiến lược đầu tư của Bank of Singapore, bình luận. "Mục tiêu ngắn hạn là không để các công ty phá sản và giúp họ nhanh chóng làm đẹp trở lại bảng cân đối kế toán trong trường hợp dịch bệnh kéo dài hơn kì vọng".

Đến thời điểm ngày 13/4, hơn 1,85 triệu người trên toàn thế giới đã dương tính với chủng mới của virus corona. COVID-19 đang khiến các hoạt động kinh tế thế giới chững lại khi chính phủ nhiều quốc gia phong tỏa hoặc thực hiện cách li xã hội để kiềm chế sự lây lan của bệnh dịch.

Lệnh hạn chế di chuyển quốc tế, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và đời sống thường nhật rất có khả năng sẽ đưa kinh tế thế giới vào một cuộc suy thoái mới.

Hồi tuần trước, Bank of America Securities nhận định những tác động tiêu cực của COVID-19 tại Châu Á sẽ tệ hơn cả tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008 hay khủng hoảng tài chính Châu Á 1998.

Bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), nhấn mạnh đại dịch đã làm gián đoạn trật tự kinh tế và xã hội "với tốc độ nhanh như chớp và trên một quy mô chúng ta chưa từng thấy". Bà nhấn mạnh IMF dự đoán "một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc suy thoái Đại khủng hoảng (The Great Depression)".

Sự lo lắng về triển vọng kinh tế và nhu cầu tiền mặt đã khiến nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp tăng mạnh. Bên cạnh đó, họ cũng giảm cổ tức với một tốc độ chưa từng có từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong một báo cáo tuần trước, Goldman Sachs ước tính các công ty đáng đầu tư nằm trong chỉ số Russell 3000 có thể phải vay tới 90 tỉ USD nếu dịch bệnh kéo dài trong 6 tháng.

2020 là năm thách thức đối với cổ tức trên thế giới

Giới nhà đầu tư từng chỉ trích doanh nghiệp Nhật Bản vì giữ quá nhiều tiền mặt để phòng bị những biến cố, song có lẽ ngày đó đã đến.

Các doanh nghiệp Mỹ và Châu Âu cũng giảm cổ tức khi vật lộn với lựa chọn phải tiếp tục trả lương cho nhân và trả tiền thuê cho đối tác, Benjamin Frost, giám đốc toàn cầu của công ty tư vấn Korn Ferry, nói. "Câu hỏi đặt ra là ai sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất", Frost chia sẻ.

Janet Tsang, chuyên gia đầu tư của quỹ JPMorgan Asset Management, dự báo năm nay sẽ là một "giai đoạn thách thức" cho cổ tức trên toàn cầu.

Đồng quan điểm, Steen Jakobsen, giám đốc đầu tư của Saxo Bank, nhận định tỉ lệ chi trả cổ tức sẽ giảm khi nhiều công ty dự báo doanh thu giảm và đánh giá lại xem liệu dòng tiền có đủ để chi trả cổ tức.

Ngoài ra, các nhà điều hành còn lo lắng về khả năng các ngân hàng không có đủ vốn để hỗ trợ nền kinh tế. Vì thế, họ đã yêu cầu các nhà băng dừng chi trả cổ tức.

HSBC và Standard Chartered đã dừng trả cổ tức và mua lại cổ phiếu vào hôm 1/4 sau khi nhận yêu cầu từ Ngân hàng trung ương Anh. BNP Paribas, Credit Suisse, ING và UBS cũng tiếp nhận yêu cầu tương tự từ nhà điều hành, theo SCMP.

Jamie Dimon, Tổng giám đốc JPMorgan, cảnh báo trong một thông điệp tới cổ đông tuần trước rằng tập đoàn có thể sẽ phải dừng trả cổ tức do phải đối mặt với những điều kiện hoạt động tiêu cực. JPMorgan là một trong tám ngân hàng lớn của Mỹ dừng mua lại cổ phiếu cho tới tháng 7.

Trong bài phỏng vấn với Financial Times, Tổng giám đốc công ty bảo hiểm AXA Thomas Buberl chỉ trích những rối rắm mà giới chức đang tạo ra. Trong khi Ngân hàng trung ương Châu Âu nói các công ty không nên trả cổ tức ở thời điểm hiện tại thì các nhà điều hành quốc gia lại có quan điểm ngược lại.

David Webb, một nhà đầu tư, nói Ngân hàng trung ương Anh đã quá đà khi yêu cầu HSBC và Standard Chartered không chi trả cổ tức, song giám đốc của các ngân hàng nói đây là một chỉ đạo đúng đắn. "Đây là một sự can thiệp đáng sợ", Webb chia sẻ.

Cơ quan Tiền tệ Hong Kong tin các ngân hàng không cần dừng trả cổ tức và họ có đủ vốn để tiếp tục lèo lái nền kinh tế.

Lai, một nữ cổ đông 67 tuổi của HSBC, cho tiết lộ bà sẽ nhận 2.113 USD cổ tức bằng tiền mặt nếu chương trình chi trả của HSBC không có gì thay đổi.

"Tôi không có việc làm và chồng đã qua đời. Tôi cần cổ tức của HSBC để duy trì cuộc sống", bà Lai nói. "Không có nhu nhập, tôi không biết phải sống thế nào".

Thái Sơn