|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngân hàng Nhật Bản ngừng sử dụng một 'công nghệ' từ những năm 1800

19:47 | 06/07/2019
Chia sẻ
Những con dấu hanko đang dần trở nên lỗi thời khi giao dịch tại các nhà băng lớn ở Nhật Bản.

Phải mất tới hơn một thế kỉ để các ngân hàng Nhật Bản cuối cùng cũng từ bỏ một "công nghệ" lỗi thời vẫn được duy trì từ thời những Mạc chúa (Shōgun) trị vị đất nước.

Hanko, con dấu cá nhân được yêu cầu cho cả những giao dịch đơn giản nhất ở Nhật Bản từ những năm 1800, đang được loại bỏ ở một số định chế tài chính lớn nhất nước này, theo Bloomberg.

hanko1

Hanko, con dấu dùng để đóng trên các chứng từ, tài liệu ở Nhật. (Ảnh: Bloomberg)

Các nhà băng theo đó đang bắt đầu cho phép khách hàng chuyển tiền hoặc đặt lệnh thanh toán qua smartphone hoặc điện thoại, thay cho việc sử dụng những con dấu gỗ và giấy tờ như trước. Tuy nhiên với những người trẻ ở Nhật Bản, thay đổi này đã đến quá  chậm.

"Mất quá nhiều công sức để mang theo hanko và làm giấy tờ chỉ để rút tiền tại các chi nhánh", Tomysuki Shiraishi, một công nhân xây dựng 24 tuổi ở Kurashiki, chia sẻ.

Bắt nhịp chậm với cuộc cách mạng fintech, các ngân hàng Nhật Bản đang nỗ lực để cắt giảm lượng giấy tờ của mình, từ đó tăng cường sự hiệu quả và thu hút khách hàng trẻ hơn.

Mitsubishi UFJ Financial Group Inc., nhà băng lớn nhất quốc gia mặt trời mọc, là một trong số đó.

Ngân hàng này đang triển khai các gói tài khoản không yêu cầu hanko hoặc sổ ngân hàng và thay thế giao dịch viên ở nhiều chi nhánh bằng máy tính và hệ thống giao tiếp thông qua video.

hanko2

Ông Hidehiko Mochiki đang khắc một con dấu hanko thủ công. (Ảnh: Bloomberg)

Mục tiêu là để giúp khách hàng làm quen với nền tảng số. Từ đó, họ sẽ quen với việc xử lý các giao dịch ngân hàng trên chính thiết bị của mình. 

Khoảng 100 trong số hơn 500 điểm giao dịch tại Nhật của MUFG sẽ thực hiện chuyển đổi nói trên cho tới năm 2024. Nhà băng có trụ sở chính ở Tokyo này cũng sẽ cắt giảm số lượng chi nhánh với các quầy giao dịch truyền thống cũng trong giai đoạn này.

Bên cạnh đó, Resona Holdings Inc cũng bắt đầu cho phép khách hàng mở tài khoản không cần hanko ở hơn 600 chi nhánh. Chuyển đổi sang ngân hàng số ở Nhật có sự hậu thuẫn từ thủ tướng Shinzo Abe, người trước đó đã soạn thảo một quy định yêu cầu các dịch vụ chính phủ cũng phải chuyển dịch sang trực tuyến.

Dù vậy, việc giành thắng lợi trước những quy tắc ở Nhật không dễ dàng. MUFG đã phải mất hai năm để thuyết phục 450 chính quyền địa phương bắt đầu xử lý các khoản thanh toán thuế điện tử, Takayuki Ogura, Giám đốc của ngân hàng này chia sẻ.

hanko3

Hanko được bán ở một cửa hàng tại Tokyo. (Ảnh: Bloomberg)

Ở các lĩnh vực khác của Nhật Bản, hanko vẫn có chỗ đứng vững chắc. Các doanh nghiệp nhỏ dùng nó khi kí kết hợp đồng và chúng được yêu cầu cho những thứ giấy tờ như hôn nhân hay quyền sở hữu nhà.

Các phụ huynh thường mua những con dấu hanko được làm thủ công cho con khi chúng đủ tuổi; trong khi đó khách du lịch thường mang hanko về như một món đồ lưu niệm, Keiichi Fukushima, một nhà khắc dấu chuyên nghiệp, nói. Hanko là một ngành công nghiệp mang về 1,5 tỉ USD mỗi năm.

"Vẫn có nhiều dịp mà chúng ta phải cần đến hanko", ông nói thêm.

Trong khi đó, Minami Yoshida, một kế toán viên 26 tuổi, lại mong muốn hanko được dùng càng ít càng tốt. Trước khi cô thanh toán cho nhà cung cấp, Yoshida phải đóng dấu từng uỷ nhiệm chi với hanko cỉa công ty và mang ra ngân hàng xử lý. "Tôi thấy nó không hiệu quả chút nào", cô nói.

Hanko được giới thiệu tới Nhật Bản từ Trung Quốc trong thời Kamakura (1185 – 1333) để các lãnh chúa và tướng quân sử dụng. Còn được biết đến với tên gọi inkan, chúng trở nên phổ biến vào thời Edo (1603 – 1868) và được luật công nhận để sử dụng trong các giấy tờ chính thức vào năm 1873.

Ngày nay, người Nhật mang theo ba loạt hanko gồm một "jitsuin" được đăng kí để sử dụng cho hợp đồng như mua nhà, một "ginkoin" cho các giao dịch ngân hàng và một "mitomein" để dùng cho các mục đích thông thường như kí nhận.

Những con dấu hanko chính thức và được làm thủ công có thể có giá hơn 20.000 yen.

Thái Sơn