Các ngân hàng châu Á đối mặt với sự sụt giảm lợi nhuận trước cạnh tranh từ các công ty công nghệ
Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters)
"Các ngân hàng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) sẽ phải cải cách triệt để và cắt giảm chi phí nếu không muốn phải bán mình khi các công ty công nghệ đang lấn sân sang hoạt động ngân hàng và làm thay đổi lĩnh vực này", Reuters dẫn lời nhận định của công ty tư vấn McKinsey.
Trong một báo cáo được công bố vào ngày 2/7, các nhà tư vấn của McKinsey cho biết tỉ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng châu Á đã giảm xuống 10,1% trong năm ngoái từ mức 12,4% của năm 2010.
Tỉ lệ này có thể giảm xuống mức 6,4% vào năm 2023 nếu các ngân hàng số thế hệ mới có thể xây dựng nhanh chóng qui mô và chiếm lĩnh được các phân khúc thị trường từ những nhà cho vay truyền thống.
"Lợi nhuận của các ngân hàng đã sụt giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại ở nhiều thị trường, sự gia tăng các khoản nợ xấu, sự tự mãn từ những nhà cho vay khi không cắt giảm chi phí nhiều như các đối thủ và do sự xuất hiện của những ngân hàng số (Digital banking)", theo Jacob Dahl - Trưởng bộ phận Ứng dụng Dịch vụ Tài chính ở Châu Á, đồng tác giả trong báo cáo của McKinsey.
Báo cáo của McKinsey được đưa ra sau khi Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) hôm thứ Sáu cho biết họ sẽ cấp phép cho 5 ngân hàng số. Đây được coi như một hành động bổ sung cho các động thái trên toàn khu vực APAC.
Tại đây, các cơ quan quản lí đang điều chỉnh qui định để tạo điều kiện phát triển cho các ngân hàng trực tuyến, những định chế tài chính thường được vận hành bởi các công ty công nghệ.
Tại Hong Kong, 8 ngân hàng ảo được cho là sẽ ra mắt dịch vụ vào cuối năm nay. Trong tháng trước, 5 ngân hàng lớn nhất của Hong Kong bao gồm cả HSBC Holdings PLC (HSBA.L) đã phải cắt giảm chi phí cận biên.
"Các ngân hàng châu Âu và các ngành công nghiệp khác, như ngành công nghiệp xe hơi đã buộc phải cắt giảm chi phí cơ bản của họ không chỉ 2% mà là 20% và không chỉ một lần mà là năm này qua năm khác... Đây là kiểu tư duy chiến lược mà một số ngân hàng châu Á cần học hỏi", Jacob Dahl chia sẻ với Reuters.
Báo cáo cũng cho biết những ngân hàng không thể thực hiện cắt giảm chi phí như vậy cuối cùng sẽ phải bán mình cho các đối thủ công nghệ - những đối tượng vốn được hưởng lợi khi có khả năng tiếp cận dữ liệu người dùng nhiều hơn và đang tìm cách gia tăng điều này.
Con đường phía trước rất khó khăn và các ngân hàng hoạt động kém hiệu quả sẽ biến mất. Việc hợp nhất có thể xảy ra ở các thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam nơi bốn ngân hàng lớn nhất kiểm soát gần một nửa thị trường, báo cáo của McKinsey cho biết.
Digital Banking (ngân hàng số) là loại hình ngân hàng 100% giao dịch thông qua internet và ứng dụng. Do đó, digital banking còn được gọi là "branchless banking" hay "automatic banking".
Digital banking khác với E-banking (ngân hàng điện tử). Trong khi E-banking là một dịch vụ bổ sung trên nền tảng ngân hàng truyền thống với các dịch vụ như Internet banking, SMS banking... thì Digital banking chính là một hình thức ngân hàng khác hoàn toàn với ngân hàng truyền thống.