Phó Thống đốc NHNN: Thanh toán bằng tiền mặt vẫn có xu hướng tăng bất chấp sự bùng nổ của ngân hàng số
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH (Nguồn: Tuổi trẻ).
Tại hội thảo "Xã hội không tiền mặt: chính sách và thực tiễn tại Việt Nam" sáng nay (11/6), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết theo báo cáo World Cash Report 2018 của G4S, trên phạm vi toàn cầu, tỉ lệ tiền mặt trong lưu thông so với GDP năm 2016 tăng lên trên 9,6% so với mức 8,1% năm 2011.
Số liệu trên cho thấy tiền mặt vẫn còn được sử dụng nhiều trong các giao dịch nhỏ, lẻ dù thanh toán điện tử đang được đẩy mạnh, thanh toán di động đã trở thành xu hướng rõ nét ở nhiều nước. Theo đó, một xã hội không tiền mặt vẫn là đích đến lâu dài của nhiều quốc gia trên thế giới.
Với Chính phủ, thanh toán điện tử giúp tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế, thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm. Tuy nhiên, xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại trước những rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng,...
"Đây là điều mà các cơ quan quản lý của Việt Nam cần lưu tâm trong quá trình hoạch định, triển khai các chính sách hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt", Phó thống đốc nói.
Hội thảo "Xã hội không tiền mặt: chính sách và thực tiễn tại Việt Nam" sáng 11/6. (Ảnh: MA).
Bàn về vấn đề này, ông Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện phần chi trả và phần thu của đối tượng không thanh toán bảo hiểm y tế chiếm tỷ lệ khoảng 30% trong tổng thu dịch vụ sự nghiệp công của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Số thu này hiện nay phần lớn các đơn vị đang thu bằng tiền mặt.
Mặt khác, có rất ít đơn vị thực hiện Đề án thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng thẻ mà mới chỉ có một số đơn vị lớn như Bệnh viện Đại học Y dược Hồ Chí Minh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai. Tại các đơn vị này, tỉ lệ người dân tham gia thanh toán bằng thẻ so với đi nộp tiền mặt không nhiều.
Ông Sơn cho biết, trong trường hợp số tiền tạm ứng trước của khách hàng nhiều hơn số tiền thực thanh toán lúc ra viện thì ngân hàng chưa thể hoàn tiền vào thẻ cho khách hàng mà bệnh viện phải hoàn trả bằng tiền mặt.
Mặt khác, các ngân hàng phát hành thẻ đều yêu cầu bệnh viện mở tài khoản tại ngân hàng mình dẫn đến trường hợp bệnh viện mở tài khoản tại nhiều ngân hàng làm cho công tác quản lý theo dõi tài khoản của bệnh viện thêm khó khăn.
Về kiến nghị, ông Sơn cho rằng, các ngân hàng cần tích hợp các loại thẻ với các thẻ thanh toán mà người dân hiện có để giảm thủ tục đăng ký mở thẻ và thẻ này có thể sử dụng trong nhiều hệ thống ngân hàng. Vì thủ tục mở thẻ và nộp tiền để thanh toán viện phí hiện nay tương đối mất thời gian. Vấn đề thu phí duy trì thẻ dù không nhiều nhưng tâm lý người dân là không muốn.
Ngoài ra, theo phản ánh một số bệnh viện phần mềm của ngân hàng thỉnh thoảng vẫn bị lỗi, dẫn đến mất kết nối dữ liệu, việc thay đổi số pin thẻ khám chữa bệnh hơi phức tạp.
Vì sao người dân vẫn thích dùng tiền mặt?
Trả lời câu hỏi này, Ông Trần Tuấn Anh, giám đốc điều hành Shopee cho rằng, thanh toán điện tử chưa thực sự thuận lợi bằng dùng tiền mặt. Chẳng hạn, trên app của những đơn vị thanh toán ví điện tử, nếu tích hợp ví điện tử theo quy định thì phải trải qua 8 bước. Đây là hạn chế thách thức sự kiên nhẫn của khách hàng.
Ông Tuấn Anh cũng cho rằng, việc kích hoạt sử dụng cách thanh toán không dùng tiền mặt vẫn là bất tiện đối với người tiêu dùng. Trong khi số tiền thanh toán cho mỗi đơn hàng trị giá 500.000 đồng không cao, và mức thông thường là 200.000 - 300.000 đồng mỗi đơn hàng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Đức, Quyền Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết tỉ lệ khách hàng có thói quen tiền mặt hiện chỉ 5%. Bên cạnh đó nhiều khách hàng đánh giá thanh toán không tiền mặt chưa tiện lợi.
Theo một khảo sát có hơn 80% khách hàng không kể ra được hết các loại hình thanh toán không tiền mặt, rất nhiều người chưa kể đến 50% nghĩa là sự am hiểu về thanh toán không tiền mặt trong họ còn rất mông lung.
"Để hạn chế điều này, chúng ta cần tháo gỡ cả tổng thể vi mô và vĩ mô là cần chấp nhận một tỉ lệ rủi ro trong thanh toán không tiền mặt nếu không sẽ mất cơ hội", đại diện Saigon Co.op cho biết.
Bên cạnh đó, theo ông Đức, Nhà nước cần tháo gỡ các vấn đề khác như chính sách phí thanh toán, chuẩn chung kết nối kỹ thuật giữa các ví điện tử vì hiện nay có quá nhiều đầu mối, vì thế quy hoạch lại hệ thống thanh toán cần tập trung, đồng bộ.