|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thời của ngân hàng số

11:07 | 05/06/2019
Chia sẻ
Sự phát triển như vũ bão của công nghệ số và cuộc CMCN 4.0 không chỉ tác động mạnh mẽ đến từng quốc gia trên thế giới mà còn tác động không nhỏ đến các dịch vụ, ngành hàng, đặc biệt là ngành ngân hàng, tài chính.

Với chiếc điện thoại thông minh để quét mã QR rồi chạm vân tay để thanh toán, chị Mai Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) chỉ mất có vài giây để hoàn tất việc mua sắm tại siêu thị tiện ích.

“Giờ đi siêu thị hiếm khi tôi phải mang theo tiền mặt. Tất cả những gì tôi cần chỉ là chiếc di động có tính năng kết nối với ngân hàng điện tử. Việc quét mã QR vừa nhanh, vừa tiện lợi”, chị Mai Anh hồ hởi chia sẻ.

Thời của ngân hàng số - Ảnh 1.

Quét mã QR tiện lợi cho việc thanh toán

Ngân hàng nỗ lực chuyển đổi số

Những hình thức thanh toán không tiếp xúc như quét mã QR, Samsung Pay, Apple Pay, thanh toán qua các ví điện tử Momo, Zalopay, Airpay, Ví Việt… đang dần trở nên phổ biến hơn với người dân, đặc biệt với giới trẻ yêu thích công nghệ và sử dụng điện thoại thông minh.

Theo một báo cáo của Công ty kiểm toán PwC, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng với lĩnh vực thanh toán di động, khi tỷ lệ người tiêu dùng tại Việt Nam sử dụng thanh toán di động từ mức 37% năm 2018 đã tăng lên 61% vào năm 2019, theo một báo cáo của PwC.

Khảo sát của Visa cũng cho thấy, Việt Nam đang đón nhận công nghệ thanh toán không tiếp xúc rất tốt. Cụ thể, hơn một nửa người Việt đã biết đến công nghệ thanh toán không tiếp xúc, 30% trong số họ từng sử dụng và hơn 2/3 sẵn sàng thử hình thức này thay thế tiền mặt trong tương lai.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc Ban Ngân hàng Điện tử Vietcombank cho biết, khách hàng đang dành nhiều thời gian hơn để tương tác online. Thanh toán trực tuyến, công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng đã có sự đột phá.

Hiện tại, đã có 94% ngân hàng Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp, và chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được triển khai tại một số ngân hàng tiên phong.

Cụ thể, nhiều ngân hàng đã triển khai cung ứng một số dịch vụ ngân hàng đổi mới, sáng tạo như TPBank với dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank, Vietcombank với không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab và dự án chuyển đổi số quy mô lớn, Vietinbank với Corebank thế hệ mới-hiệu suất cao, tích hợp đa dịch vụ và kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) hiện đại, VPBank với ứng dụng ngân hàng số Timo, MB với ứng dụng trợ lý ảo ChatBot phục vụ KH 24x7 trên mạng xã hội.

Hiện đang là đối tác của 20 ngân hàng, ông Phạm Thành Đức, Tổng Giám đốc Công ty M_Service, sở hữu Ví điện tử MoMo đánh giá rằng, các ngân hàng Việt rất năng động với công nghệ, thậm chí thành lập cả team công nghệ dưới sự điều hành trực tiếp của CEO hay Hội đồng Quản trị. “Đến thời điểm này, các ngân hàng Việt rất tích cực và đầy hiểu biết với quá trình chuyển đổi số”, ông Đức cho hay.

Bắt tay với các fintech

Trong giai đoạn các ngân hàng tăng cường quảng bá cho các kênh số hóa thì xu hướng liên kết với các công ty công nghệ tài chính (fintech) cũng đang là xu hướng phổ biến. Theo ông Reet Chaudhuri, chuyên gia cao cấp mảng Thanh toán và Giao dịch Mc Kinsey&Company, ngành Ngân hàng nên liên kết với các công ty fintech để cùng phát triển.

Việc các công ty công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ để cung cấp dịch vụ tài chính, vốn thuần túy là của riêng ngân hàng, đặt ra mối lo về sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, theo khảo sát của các chuyên gia năm 2017, có tới 91% các ngân hàng và 75% fintech mong muốn đẩy mạnh hợp tác với nhau.

Điều này không khó để lý giải. Bởi nếu như ngân hàng sở hữu thế mạnh về mạng lưới, uy tín, sản phẩm đa dạng… thì fintech lại mang tính chất là startup - sáng tạo và năng động - đặc biệt trong việc cải tạo, cập nhật công nghệ mới, đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Bên cạnh đó, các dịch vụ do fintech cung cấp có quy trình linh hoạt hơn, không cứng nhắc như ngân hàng….

Nhưng đổi lại, cũng chính vì là startup nên fintech thiếu đi sự ổn định, không được sự hỗ trợ về tính tuân thủ pháp lý, các quy định về an toàn tiền tệ, phòng chống rửa tiền… nên khó tạo được sự tin tưởng, uy tín thương hiệu cho các hoạt động tài chính. Do đó, xu hướng kết hợp hai bên lại với nhau là nhằm tận dụng những thế mạnh sẵn có và mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Nhận định về mối quan hệ giữa ngân hàng và các fintech, ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó tổng giám đốc Napas cho rằng: “Xu thế tất yếu phải là hợp tác và chia sẻ”.

Theo ông Phạm Thành Đức, CEO M-Service (MoMo), các ngân hàng ngày càng chú trọng hơn vào công nghệ. “Các công ty fintech như MoMo rất trân trọng sự am hiểu và lăn xả của các ngân hàng trong quá trình số hóa và ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số. Thậm chí, các ngân hàng còn đi trước các fintech”, ông nói.

Thách thức trong chuyển đổi 

Các chuyên gia cho rằng, cuộc CMCN 4.0 đã thúc đẩy các ngân hàng Việt Nam chạy đua trong việc hoàn thiện dịch vụ ngân hàng số nhằm đáp ứng những nhu cầu khách hàng mà ngân hàng truyền thống chưa làm được. Tuy nhiên, việc phát triển ngân hàng số đang đứng trước nhiều thách thức.

Thời của ngân hàng số - Ảnh 2.

Bảo mật là một trong những vấn đề thách thức của ngân hàng số

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng - Trưởng Tư vấn chiến lược Công nghệ mới cho ngành Ngân hàng (KPMG) cho rằng, với CMCN 4.0, ngân hàng số liên tục phát triển thông qua việc sử dụng các công nghệ mới nhất như di động, điện toán đám mây, vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, blockchain, mạng xã hội.CMCN 4.0 mở ra cơ hội với ngành Ngân hàng khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, giảm chi phí giao dịch và quản lý, đa dạng hoá danh mục sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh, đổi mới mô hình kinh doanh, tiếp cận và khai thác dữ liệu lớn.

Tuy nhiên, thách thức trong triển khai ngân hàng số là rất lớn, từ việc xác thực người dùng, ứng dụng chữ ký số, an toàn bảo mật dữ liệu, yêu cầu cao về sự ổn định của hệ thống tới thích ứng nhanh với thay đổi của công nghệ… Thừa nhận công nghệ thông tin là lĩnh vực phát triển rất nhanh, nhiều quy định được ban hành. Song một chuyên gia cũng chia sẻ, vẫn còn có những quy định không còn phù hợp, gây cản trở cho việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin ngành Ngân hàng nói chung và việc triển khai ngân hàng số nói riêng.

Ngoài ra, bài toán nhân lực cũng là bài toán mang tính thời sự khi ngành Ngân hàng vẫn đang đứng trước những khó khăn về thiếu hụt nhân lực công nghệ chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia làm công tác an ninh thông tin.

“Sự thiếu hụt về nguồn lực dẫn tới việc công tác phát triển ứng dụng công nghệ thông tin cũng như quản lý, kiểm soát, an toàn bảo mật không tương xứng với nhu cầu hoạt động của ngân hàng. Không đảm bảo về an toàn bảo mật, dễ lúng túng, bị động trước những cuộc tấn công quy mô lớn, có tổ chức của tội phạm công nghệ cao”, một chuyên gia chia sẻ.

Thái Hoàng