|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng số: 'Có Internet, ở vũ trụ cũng mở được tài khoản'

07:07 | 02/11/2018
Chia sẻ
“Có internet, sẽ mở được tài khoản, kể cả khi bạn đang ở ngoài không gian vũ trụ”, ông Michael Leung, Giám đốc thông tin và vận hành, China CITIC Bank, International “khoe” tại Hội thảo quốc tế “Số hóa ngân hàng – Cơ hội đột phá” do Viện Chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các đối tác tổ chức ngày 1/11/2018.
ngan hang so co internet o vu tru cung mo duoc tai khoan Ngân hàng số đang lấn át dịch vụ truyền thống tại Đông Nam Á?
ngan hang so co internet o vu tru cung mo duoc tai khoan

Phiên đối thoại đề cập nhiều vấn đề nhưng so với triển vọng hiện thực hoá vẫn còn xa xôi. Ảnh: Kiều Khanh

Theo ông, China CITIC Bank là ngân hàng đầu tiên triển khai ví điện tử từ 2 năm trước tại Hồng Kông với tham vọng áp dụng mô hình “ngân hàng trong fintech”.

Đi tiên phong bao giờ cũng gặp khó

Ban đầu, cơ quan quản lý Hồng Kông không mấy tin tưởng và coi là mơ hồ đối với việc dịch chuyển tiền từ ngân hàng tới ví điện tử. Nhưng cuối cùng, những sản phẩm do China CITIC Bank tạo ra đã thuyết phục hoàn toàn giới chức ở đặc khu hành chính này.

“Người đi tiên phong bao giờ cũng gặp khó. Khó khăn đầu tiên là thuyết phục cơ quan quản lý”, ông Michael Leung giãi bày.

Phân tích về các phương thức xác thực hiện đại so với truyền thống, ông cho rằng, có nhiều cách xác thực mà không nhất thiết phải đến quầy, không nhất thiết phải bấm hàng loạt dãy số liên hồi khó nhớ.

Thay vào đó, hàng loạt cách thức mới như: Nhận biết khách hàng điện tử mà không cần gặp trực tiếp (xuyên biên giới, các khu vực ở xa); xác minh ID/hộ chiếu sử dụng IA (trí tuệ nhân tạo, thủ tục tòa án - forensic, OCR v.v.); xác thực sinh trắc học (gương mặt, ngón tay, các đặc tính sống); không cần chữ ký vật lý (chữ ký số, chứng thư số…); không cần bằng chứng về địa chỉ (phương tiện truyền thông xã hội, tự chụp ảnh tại nhà…).

Và chính công nghệ sẽ đưa đến mô hình kinh doanh mới: ngân hàng số (digital banking). Ở đó, khách hàng chẳng cần đến quầy, không giao dịch trực tiếp, không điền đơn.

Trước đó, muốn mở một tài khoản ngân hàng tại China CITIC Bank, khách hàng phải đến tận nơi, mất nửa tiếng, thậm chí 45 phút và xuất trình đủ giấy tờ. Nhưng sau đó, ngân hàng đã đi đầu trong việc mở tài khoản không cần gặp mặt khách hàng vì chỉ cần thông qua điện thoại cầm tay, có thể mở tài khoản từ xa. Khi những ngăn cách vật lý và địa lý được tháo dỡ, chỉ trong 6 tháng, ngân hàng này đã có 10 nghìn khách hàng mới đăng ký dịch vụ.

“Tưởng tượng xem 10 nghìn khách hàng mà xếp hàng ở quầy thì biết khi nào làm xong? Chúng tôi không cần biết khách hàng ở đâu, kể cả ngoài không gian vũ trụ miễn là có kết nối internet. Làm đi!”, ông Michael Leung nói như cổ vũ.

Tuy nhiên, ông Lili Dong Kwon, Giám đốc Oliver Wyman Việt Nam (Tập đoàn tư vấn Oliver Wyman) lại có vẻ cẩn trọng hơn: “Chuyển đổi sang số nhưng đừng quên sản phẩm truyền thống vì có tới 90% nguồn thu vẫn ở đó. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của quá trình digital banking, nên vẫn không được quên yếu tố căn bản: ngân hàng quầy. Các cơ quan quản lý nên tạo điều kiện cho các dòng truyền thống và số phát triển song song để thị trường nhận thấy sự khác biệt”.

ngan hang so co internet o vu tru cung mo duoc tai khoan
Dịch vụ thanh toán, chuyển tiền không còn là đất độc diễn của ngân hàng.

Hệ sinh thái vẫn còn như “ma trận”

Trả lời câu hỏi của VietnamFinance: “Hệ sinh thái số của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đứng ở đâu trong thang điểm 10” và “quan điểm như thế nào trước sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong việc cấp phép cho một số loại hình dịch vụ số hoá”, ông Trần Thanh Nam, Tổng giám đốc Moca nói: “Nhìn ở góc độ của người làm thanh toán số, tôi chấm 5,5 điểm về mặt giao dịch thôi”.

Ở vế thứ hai, ông Nam cho rằng, những vướng mắc mà một số đơn vị đang phản ánh, phải thấy là cơ quan quản lý phải nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Họ cũng có lý khi lựa chọn cái gì trước, sau, nhanh hay chậm. “Có những lúc, không phải chỉ có Ngân hàng Nhà nước mà còn các bộ ngành khác. Tôi nghĩ còn vướng mắc thì hãy cùng nhau tháo gỡ, chứ không phải quay lại trách móc Ngân hàng Nhà nước”, ông Nam bênh vực.

Tuy nhiên, yếu tố “quản lý” trong hệ sinh thái số lại chỉ là một vấn đề. Điều thu hút sự quan tâm của hội thảo lần này hơn cả là về dữ liệu nhìn ở các góc độ: sự đồng nhất, tương thích và chia sẻ.

Ông Oliver Wyman nhấn mạnh thêm: “Tôi cũng nhận thấy chất lượng dữ liệu, tính đồng bộ, tích hợp của thông tin chưa ổn và vì vậy, cần phải đầu tư nhiều hơn vào đây. Chuyển đổi số không phải dự án công nghệ thông tin đơn thuần mà là cuộc cách mạng căn bản”.

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của ông Lê Nhân Tâm, giám đốc công nghệ IBM Việt Nam: Thực trạng dữ liệu Việt Nam không liên thông, không sạch, không đồng nhất. Vì vậy, phải có hẳn hoi một chiến lược về dữ liệu, quản trị, kết nối và chia sẻ.

Một chuyên gia khác cho rằng, ngoài ra, con đường số hoá ngân hàng còn bị chậm trễ bởi một yếu tố nữa là xác thực bằng phương pháp phi truyền thống còn rất nhiều trở ngại. Ví dụ, khi chưa có chứng minh thư điện tử, vẫn phải xác thực bằng chứng minh thư bằng nhựa (truyền thống). Tuy nhiên, phương pháp này hiện bị làm giả khá nhiều: bóc ảnh, thay đổi yếu tố thông tin trên chứng minh nhân dân mà bằng mắt thường rất khó phát hiện, nhất là đối với sinh viên mới ra trường.

Tuy nhiên, giải pháp kỹ thuật như quay video, lấy vân tay mặc dù tốt hơn phương pháp đối chiếu trực diện chứng minh nhưng để chia sẻ nguồn dữ liệu vân tay như thế nào, hiện nay khá là nan giải.

Hiện tại, ngành công an có kho dữ liệu về vân tay, nếu được kết nối giữa mạng ngân hàng với ngành này, chỉ cần gửi mẫu vân tay đến kho, xác thực đúng vân tay thì có thể cho tiến hành giao dịch như các nước đã từng làm.

Tuy nhiên, đã nhiều lần Ngân hàng Nhà nước đề cập vấn đề cho dùng chung kho dữ liệu nhưng đến nay vẫn phải… chờ.

ngan hang so co internet o vu tru cung mo duoc tai khoan
"Mẩu bánh" thị phần mà các công ty fintech giành được trong 2 năm tới. Nguồn: ông Lê Nhân Tâm, giám đốc công nghệ IBM Việt Nam

Qua khảo sát của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 4/2018, chúng tôi thấy:

- Về mức độ nghiên cứu, triển khai chiến lược chuyển đổi số, có 59% đã bước đầu triển khai trong thực tế; 35% đang nghiên cứu xây dựng chiến lược; 6% chưa tính đến việc xây dựng chiến lược.

- Thách thức trong phát triển ngân hàng số tại Việt Nam:

+ Chưa đủ khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi, thích ứng với bối cảnh số hóa

+ Rủi ro an ninh mạng phát sinh từ các hành vi gian lận, lừa đảo khách hàng, tấn công mạng.

+ Tốn nhiều chi phí đầu tư và thời gian chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số.

+ Mức độ sẵn sàng hợp tác của đối tác; mức độ hợp tác – cạnh tranh với Fintech.

Nguồn: Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Xem thêm

Nguyễn Hoài