|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kế hoạch đầy tham vọng đằng sau đồng tiền số Libra của Facebook

16:48 | 20/06/2019
Chia sẻ
Với chỉ vỏn vẹn hơn một năm chuẩn bị song Facebook mới đây đã kịp giới thiệu đồng tiền số Libra của mình.

Một ngày gần cuối năm 2017, trên một bãi biển ở Cộng hòa Dominica cùng gia đình, nhân sự cấp cao Facebook David Marcus vật lộn với câu hỏi mà ông vẫn trăn trở từ khi còn đảm nhiệm vị trí cao nhất ở PayPal. Làm sao để xây dựng một hệ thống Internet của tiền tệ? 

Một đồng tiền số toàn cầu sẽ mang lại lợi ích lớn cho nhiều người có điện thoại di động nhưng chưa tiếp xúc được với hệ thống ngân hàng. 

Và ai sẽ phù hợp để làm điều này hơn Facebook với lượng người dùng lớn và tầm ảnh hưởng toàn cầu? 

Vì sao Libra ra đời?

Marcus, lúc đó là người đứng đầu Facebook Messenger, nghĩ rằng ông có thể tạo ra giải pháp. Ông trao đổi với lãnh đạo của mình và khẳng định đã đến lúc cần bàn luận về khả năng Facebook tạo ra một đồng tiền mã hóa. 

Marcus nghĩ ông có tầm nhìn rõ ràng về cách làm điều này, theo một cách có thể lấy được niềm tin với cả những người hoài nghi về Facebook. Ông dành vài ngày sau đó viết ngắn gọn một bản ghi nhớ trình bày ý tưởng của mình.

libra1

David Marcus, người đứng đầu mảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) của Facebook. (Ảnh: Business Insider)

CEO Facebook Mark Zuckerberg nhanh chóng phê duyệt kế hoạch và nói rằng cách tiếp cận này đồng điệu với ý tưởng của anh. 

Zuckerberg từ lâu đã muốn tạo ra một đồng tiền của Facebook – chắc hẳn bạn còn nhớ Facebook Credits – và nó cũng phù hợp trong kế hoạch phục vụ 2 tỉ người dùng tiếp theo của mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Đó là chưa kể đến việc các đối thủ như Apple, WeChat hay Google cũng đang bắt đầu tấn công lĩnh vực tài chính toàn cầu.

Từ đó, Facebook bắt đầu rót nguồn lực vào những gì Marcus mô tả là dự án tiền số tham vọng nhất kể từ Bitcoin. 

Chỉ vài tháng, Marcus rời chiếc ghế của mình tại Messenger và chiêu mộ một đội ngũ gồm những kỹ sư xuất sắc nhất của Facebook để làm việc trong một văn phòng được bảo mật ở một góc của trụ sở chính mạng xã hội lớn nhất hành tinh với chỉ những người có thẻ ra vào mới được tiếp cận. 

Marcus cũng tìm một nhóm các nhà hoạch định chính sách và nhà kinh tế. Hơn 100 người đã sẵn sàng cho một mục tiêu kép là xây dựng một đồng tiền toàn cầu trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain), đặc biệt cho nhóm người dùng chưa được phục vụ bởi ngân hàng, và thuyết phục người dùng sử dụng nó.

Kết quả là Libra đã ra đời cùng mục tiêu rõ ràng được thể hiện trong sách trắng của nó được giới thiệu vào tuần này: "Một đồng tiền toàn cầu đơn giản cùng cấu trúc có thể phục vụ hàng tỉ người." 

Libra sẽ là một đồng tiền, không phải phương tiện đầu tư

Libra sẽ bắt đầu trong hình thái của một đồng tiền hỗ trợ chuyển tiền không mất phí và sau đó là đóng vai trò của một "đồng tiền thông minh" trong những hợp đồng thông minh cho một số loại hình dịch vụ như cho vay hay bảo hiểm trên nền tảng chuỗi khối. 

Giá trị của Libra sẽ được "neo" theo một rổ giá trị thị trường bao gồm một số đồng tiền được tín nhiệm cao. Libra vì thế sẽ là một đồng tiền chứ không phải một phương tiện đầu tư.

Mỗi khi người dùng sử dụng tiền pháp định truyền thống để đổi lấy Libra, số tiền đó sẽ được đưa vào một quỹ dữ trự và sẽ ở lại quỹ này cho tới khi người dùng lại rút tiền ra khỏi hệ thống.

Để xoa dịu sự hoài nghi của người dùng, Facebook đã tạo ra một dự án mã nguồn mở cùng một tổ chức quản lý Libra mang tên gọi Libra Association với trụ sở ở Thuỵ Sỹ. 

Libra Associasion sẽ bao gồm tới 100 thành viên sáng lập bao gồm cả Facebook. Mỗi thành viên sáng lập sẽ đầu tư ít nhất 10 triệu USD để góp quỹ cho sự vận hành của tổ chức và nhận tiền lãi trên số tiền trong quỹ dự trữ. 

Mỗi thành viên cũng sẽ đóng vai trò là một "nhánh" trên chuỗi khối và đồng thời có tiếng nói trên việc thực hiện những thay đổi cho Libra. "Facebook sẽ có một ghế trong hội đồng kiểm soát tổ chức nhưng không có thêm quyền hay cơ chế quản lý nào khác", Kevin Weil, một cựu nhân sự cao cấp của Instagram nay làm việc cho dự án chia sẻ.

Mục tiêu tối thượng của Facebook cùng dự án này là tạo ra một đồng tiền số thực sự bùng nổ, một đồng tiền mà người tạo ra nó cũng không có quyền kiểm soát. 

"Hãy coi Facebook như Satoshi Nakamoto (người tạo ra Bitcoin) và Libra là Bitcoin", Fred Wilson, người đứng đầu Union Square Ventures – một quỹ đầu tư nằm trong Libra Association, chia sẻ.

Tất nhiên, Facebook sẽ được nhiều điều nếu dự án Libra thành công và thực tế việc mở rộng kiểm soát của Libra còn khiến Libra đáng để thử hơn đối với Facebook.

Đồng tiền này sẽ được sử dụng nhiều và đáng tin hơn. Mục tiêu về một hệ thống thanh toán không biên giới cũng phù hợp hoàn hảo với sự tập trung của Facebook vào sản phẩm nhắn tin, ngay cả trước khi các quy tắc của Libra được chốt, Facebook đã phát triển một ví điện tử được tích hợp trực tiếp vào Messenger và WhatsApp. 

Dù vậy, Marcus rất hiểu vấn đề và nhiệm vụ mấu chốt của ông là phải đảm bảo Facebook không đồng nghĩa với Facebook.

Vắng bóng ngân hàng và hãng công nghệ lớn trong danh sách thành viên sáng lập của Libra Association

libra

Nhóm các thành viên sáng lập của Libra Association ở thời điểm dự án này được công bố. (Ảnh: NYTimes)

Bên cạnh việc phát triển đồng tiền, trong hơn một năm qua, Facebook cũng nỗ lực trong mục tiêu tìm được 100 "nhánh" trên nền tảng chuỗi khối của Libra.

Ở thời điểm hiện tại, con số này dừng ở số 28, bao gồm một số mạng thanh toán như Visa và Mastercard, các quỹ đầu tư mạo hiểm như Thrive và Andreessen Horowitz, các tổ chức phi chính phủ như Kiva và Women's World Baking, các hãng viễn thông như Vodafone và cả các dịch vụ phần mềm bao gồm eBay, Lyft, Uber và Spotify. 

Mỗi một thành viên lại có một tham vọng khác nhau: các công ty phần mềm nhận thấy cơ hội đến từ một hệ thống thanh toán toàn cầu chi phí thấp trong khi đó các tổ chức phi chính phủ lại mong muốn một cách thức mới để phục vụ nhóm người dùng chưa tiếp cận được với ngân hàng. 

Được biết, cộng sự đầu tiên của Facebook được thuyết phục tham gia thành công vào tháng 4 và một số cộng sự vừa tham gia trong một vài tuần trở lại đây. Điểm thú vị là danh sách thành viên sáng lập Libra Association không có bất kì một ngân hàng nào. Facebook nói họ chào đón ngân hàng nếu các ngân hàng muốn tham gia.

Thực tế sẽ bất ngờ khi biết tất cả cái tên nói trên đều chỉ ở dạng "tạm thời." Điều này có nghĩa là sự tham gia của họ vào tổ chức lúc này không đảm bảo rằng họ sẽ trả 10 triệu USD để trở thành một "nhánh" xác nhận giao dịch. Nhiều cái tên không muốn bỏ lỡ cơ hội này, thế nhưng mức độ hào hứng của họ lại rất khác nhau.

Cũng không quá ngạc nhiên khi nhìn nhận sự thiếu vắng của các ông lớn công nghệ đối thủ của Facebook trong dự án bởi mỗi người trong số họ đều đã có những bước tiến của riêng mình trong lĩnh vực thanh toán số. Google, Apple và Amazon đều không tham gia Libra cho dù Facebook nói rằng họ được chào đón.

Jack Dorsey, CEO Twitter đồng thời cũng là CEO Square – một công ty thanh toán, mới đây đã đổ nhiều nguồn lực và tài năng tại Square để nền tảng của nó dễ sử dụng hơn.

Tuần trước, Dorsey khen ngợi đồng tiền Bitcoin với QZ, dù vậy anh không nắm được chi tiết trong kế hoạch của Facebook. "Tôi hy vọng rằng tất cả các công ty tư nhân đều nhìn nhận được giá trị của việc có một đồng tiền số mà ai cũng dùng được và nó không bị gây áp lực bởi bất kì một công ty lớn nào."

Dẫu sao đi nữa liên minh nói trên vẫn là tầm nhìn đúng đắn của Facebook. Các kỹ sư của Facebook vẫn đang thực hiện các vấn đề liên quan đến phát triển kĩ thuật. Facebook đã tạo ra một ngôn ngữ lập trình riêng có tên MOVE để các nhà phát triển ứng dụng có thể viết các ứng dụng cho Libra. 

Và cho dù Libra vẫn chưa có giám đốc, chưa có hội đồng và thậm chí mới chỉ lấp đầy được hơn 1/4 mục tiêu thiết lập quan hệ của mình hay nhóm họp, sách trắng của Libra cũng đã được ra mắt và trong khi điều lệ hoạt động của Libra Association vẫn chưa được chốt, nó dường như sẽ không quá khác biệt so với dự thảo hiện tại bởi khi chọn các đối tác Facebook, vốn dĩ cũng lựa chọn những công ty có chung giá trị, tham vọng và tầm nhìn cũng đồng tiền này.

Libra sẽ thân thiện hơn bitcoin?

libra3

Giao diện ví Calibra vận hành Libra do Facebook phát triển. (Ảnh: FirstPost)

Facebook đã phát triển một sản phẩm của riêng mình, một ứng dụng ví điện tử có tên Calibra. Rõ ràng, bởi Facebook là người nghĩ ra ý tưởng Libra, công ty này sẽ là một người đi đầu. 

Calibra sẽ chạy bên trong WhatsApp và Messenger, cho phép tiếp cận tới hơn hai tỉ người dùng và cũng sẽ khả dụng dưới dạng ứng dụng độc lập. Calibra sẽ chính thức ra mắt một khi Libra được "chốt" vào năm 2020.

Mặc dù Facebook liên tục nhấn mạnh vào tính chất "phi tập trung" của Libra, trải nghiệm của Libra sẽ thân thiện hơn so với những gì một đồng tiền "phi tập trung" khác là Bitcoin mang lại. Ví Calibra sẽ chứa Libra và lưu các chìa khoá mã hoá cần để người dùng truy cập được nó – đồng nghĩa với việc người dùng vẫn có thể yên tâm về việc lấy được tiền trong trường hợp bị mất mật khẩu điện thoại hay điện thoại. 

Cách làm này cũng có thể giúp Facebook giải quyết được các vấn đề iên quan đến lừa đảo hay tranh chấp.

Thế nhưng, điều đáng nói là bởi Calibra giữ tiền và chìa khoá của người dùng đồng nghĩa với việc Facebook vẫn có thể di chuyển được tiền của người dùng với nhau mà không cần đến chuỗi khối; trường hợp duy nhất cần tới chuối khối là khi người dùng muốn chuyển tiền ra bên ngoài Facebook, tới ví hoặc dịch vụ được phát triển bởi một công ty khác.

Lập một tổ chức như Libra Association vì thế mang đến một thắng lợi đôi bên cho Facebook. Với Calibra, Facbook "đưa" người dùng vào một khu vườn đóng kín: một cách thức để xử lý nội bộ các vấn đề như chuyển tiền giữa bạn bè và người thân, thanh toán trong ứng dụng Facebook và có thể là cả những dịch vụ tài chính khác khi công nghệ Libra chín muồi. 

Với Libra Association, Facebook nhận lợi ích của một hệ sinh thái nguồn mở cùng một nhóm bên ngoài hỗ trợ xử lý các vấn đề tài chính phức tạp của vận hành một đồng tiền các quy định rắc rối và chồng chéo trên khắp thế giới.

Facebook biết rằng giới chức và những nhà phê bình sẽ "hoảng hồn" trước thông tin hãng này tạo ra một ví điện tử có thể giúp Facebook có thêm nhiều thông tin về người dùng. Vì thế, Facebook sẽ nỗ lực để chứng minh với người dùng rằng thông tin này sẽ không liên quan đến những thông tin khác mà Facebook đã biết về người dùng. 

Calibra sẽ là một thực thể tách biệt trong Facebook trừ khi người dùng cho phép tích hợp các thông tin từ Facebook để sử dụng Calibra tiện lợi hơn chẳng hạn.

Facebook thiết kế Libra để các giao dịch của nó đều được ghi lại trên một sổ cái điện tử kèm theo các "biệt danh" (điều này hoàn toàn khác với nặc danh). Khi có vấn đề phát sinh, Facebook kì vọng giới chức có thể dùng dịch vụ theo dõi tương tự như đã được phát triển cho Bitcoin và Etherium. 

Vì lý do này, Facebook tự tin khẳng định Libra sẽ không được dùng cho mục đích rửa tiền hay tài trợ khủng bố.

Việc có thêm các cộng sự cũng giúp Facebook có nhiều năng lực xử lý hơn. Theo lý thuyết, mục tiêu của Libra là có thể xử lý được 1.000 giao dịch mỗi giây cùng 10 giây thời gian đợi để hoàn thành xử lý. Con số này của Bitcoin là 7 giao dịch mỗi giây và của Ethereum là 15 giao dịch mỗi giây. Visa cùng lúc có thể xử lý được hàng chục nghìn giao dịch trên hệ thống của mình. Thế nhưng, những chuyên gia tiền điện tử lại nói cách tiếp cận của Facebook phá hỏng mục đích của chuỗi khối vốn dựa trên những sức mạnh máy tính đắt đỏ để không cần tới những "người gác cổng." Dường như, ở thời điểm hiện tại, hệ thống của Facebook giống như một cơ sở dữ liệu truyền thống với 100 đơn vị điều hành thay vì chỉ một.

Tiền, công bằng và tự do

Facebook đặt tên Libra với ba lý do: nó sử dụng một biểu tượng đo lường cổ của Roma, một biểu tượng thiên văn học của chiếc cân công lý và một cách chơi chữ bới "libre," một từ trong tiếng Pháp có nghĩa là "tự do." 

Để duy trì được dự án, Facebook sẽ phải thu hút được sự quan tâm của các đối tác vững mạnh nhưng cũng có đủ độ mở để có được sự hỗ trợ của các nhà lập trình. 

Đối thủ của Calibra sẽ xuất hiện và lời hứa về sự bảo mật và riêng tư cũng cần được thực hiện. Libra cũng phải chứng minh mình sẽ vận hành độc lập với người tạo ra nó. Nếu không, mọi nỗ lực sẽ chỉ được nhìn nhận như một dự án để thoả mãn sự quan tâm cá nhân của Mark Zuckerberg.

Hiện, mọi thách thức mới chỉ là sự bắt đầu.

Thái Sơn

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.