|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng Nhà nước nói gì về kiến nghị hỗ trợ lãi suất cho vay bằng đồng USD?

20:56 | 15/01/2023
Chia sẻ
Cử tri tỉnh Tiền Giang vừa có các kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước, trong đó đề xuất xem xét hỗ trợ lãi suất cho vay bằng USD đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Ảnh minh hoạ: Reuters.

Cử tri tỉnh Tiền Giang vừa có ba kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong đó có nội dung liên quan đến việc xem xét hỗ trợ lãi suất cho vay bằng USD đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo cử tri, Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có hỗ trợ lãi suất khi cho vay bằng đồng Việt Nam nhưng chưa tính đến việc hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp này 

Bên cạnh đó, cử tri cũng đề nghị xem xét, mở rộng ngành nghề được hỗ trợ lãi suất vì nhiều ngành, nghề khác cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 chứ không riêng gì các ngành nghề được quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Trước các vấn đề này, NHNN cho biết thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp để hạn chế tình trạng đô la hóa nền kinh tế, trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay bằng ngoại tệ, dần chuyển từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán nhằm ổn định thị trường ngoại tệ và tăng niềm tin của người dân vào đồng nội tệ.

Việc triển khai hỗ trợ lãi suất cho vay ngoại tệ sẽ làm tăng nhu cầu ngoại tệ, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường quốc tế diễn biến phức tạp có thể gây ra áp lực tới tỷ giá trong nước và mục tiêu chính sách tiền tệ, làm giảm hiệu lực các chính sách hạn chế tình trạng đô la hóa đang được triển khai hiện nay. Mặt khác, trên thực tế, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ thường thấp hơn so với lãi suất cho vay bằng VND.

Do đó, khi vay vốn bằng ngoại tệ, doanh nghiệp đã được vay với mức lãi suất thấp hơn so với việc vay vốn bằng VND. Vì vậy, việc hỗ trợ lãi suất tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP áp dụng đối với khoản vay bằng VND là phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa nền kinh tế trong thời gian qua.

Về kiến nghị mở rộng ngành nghề được hỗ trợ lãi suất, NHNN cho biết sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan đầu mối tham mưu về đối tượng được hỗ trợ lãi suất) xem xét, đánh giá trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Theo tờ trình số 151/TTr-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc triển khai gói chính sách hỗ trợ 2% lãi suất, việc giải ngân gói vẫn đang ở mức tương đối chậm, khi chỉ có khoảng 0,2% kế hoạch được thực hiện, theo Chứng khoán SSI

Cụ thể, ước tính đến cuối tháng 11, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 23.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt hơn 78 tỷ đồng (trên tổng số 40.000 tỷ đồng theo kế hoạch).

Theo đó, tâm lý e ngại đến từ cả phía khách hàng và ngân hàng thương mại (NHTM) là nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân, chủ yếu do các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các NHTM cũng đã có ước tính số tiền hỗ trợ lãi suất đến hết năm 2023 chỉ có thể đạt gần 4.000 tỷ đồng, tức chỉ bằng 10% kế hoạch ban đầu.

Do vậy, NHNN cũng đã đề xuất một số biện pháp nhằm thúc đẩy chương trình này, bao gồm việc sửa đổi Nghị định 31 liên quan đến các đối tượng cho vay vốn và có thể điều chuyển phần vốn sẽ không sử dụng hết sang các nhiệm vụ chi/ các hình thức hỗ trợ khác.

Huyền Phương