|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

BIDV giảm 5.500 tỷ đồng doanh thu để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2022

14:50 | 28/12/2022
Chia sẻ
BIDV triển khai 16 gói tín dụng, quy mô 700.000 tỷ đồng,... giảm doanh thu 5.500 tỷ đồng trong 2022 để hỗ trợ doanh nghiệp; ba năm 2020, 2021, 2022 là 19.400 tỷ đồng.

 Giao dịch tại BIDV. (Ảnh: Vietnam+).

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết ngân hàng đã kiểm soát lãi suất với mức lãi suất luôn thấp hơn thị trường từ 1,5 - 3%.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng COVID-19, khắc phục khó khăn, duy trì phục hồi sản xuất kinh doanh. Cụ thể, BIDV triển khai 16 gói tín dụng, quy mô 700.000 tỷ đồng,... giảm doanh thu 5.500 tỷ đồng trong 2022 để hỗ trợ doanh nghiệp; ba năm 2020, 2021, 2022 là 19.400 tỷ đồng.

Đồng thời nỗ lực thực hiện chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch, đặc biệt là Nghị định 31 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hỗ trợ lãi suất. Song, do nhiều lý do khác nhau, đến nay kết quả chưa được như mong muốn (BIDV đã hỗ trợ 79 khách hàng, doanh số cho vay 5.969 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ 14,8 tỷ đồng).

Cũng theo ông Tú, tổng tài sản của BIDV tính đến 30/11/2022 đã vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; tín dụng tổ chức kinh tế và dân cư đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% (bằng kế hoạch NHNN giao); vốn tín dụng tập trung cho các ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.

Huy động vốn đạt 1,58 triệu tỷ đồng, tăng 6%, đảm bảo cho hoạt động tín dụng và các chỉ số an toàn theo quy định. Tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 243%.

Tại Hội nghị, Chủ tịch BIDV đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành và NHNN tiếp tục điều hành vĩ mô, đồng bộ. Kiểm soát và nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo thị trường chứng khoán là một kênh dẫn vốn trung dài hạn chủ yếu của nền kinh tế để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, chia sẻ và giảm áp lực vốn trung, dài hạn cho hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM).

Ông Tú cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế cho hoạt động ngân hàng, như luật hóa nội dung Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng; ban hành Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; các quy định về giao kết, lưu trữ hồ sơ tài liệu điện tử...

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN tiếp tục cho phép các NHTM nhà nước được tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022 để tăng nguồn lực tài chính, đảm bảo chỉ số an toàn vốn cho các NHTM nhà nước.

Theo thống kê, hệ số CAR đến tháng 10/2022 các NHTM nhà nước là 9,04%, ngân hàng thương mại cổ phần là 12,92%, mức này đang rất thấp so với các nước trong khu vực (Philippines: 16,29%; Singapore: 17,2%; Malaysia: 18,3%; Thailand: 19,3%; Indonesia: 23,3%). Các nước trong khu vực đã thực hiện Basel 3 hoặc một phần Basel 3, trong khi Việt Nam mới thực hiện Basel 2. 

Ngoài ra, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành địa phương thực hiện đầy đủ các cam kết đã ký với các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, các định chế tài chính trong và ngoài nước tham gia các dự án PPP.

"Đặc biệt khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông, viễn thông, năng lượng xanh của nước ta trong giai đoạn tới là rất lớn và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã có hiệu lực từ 1/1/2021," ông Tú cho hay.

Phương Nga