|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

BIDV họp đại hội đồng cổ đông thường niên vào đầu tháng 4

14:04 | 18/02/2025
Chia sẻ
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của BIDV dự kiến tổ chức vào tháng 4 tại Hà Nội, ngày đăng ký cuối cùng để tham dự họp là ngày 10/3.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) thông báo ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 là ngày 10/3. 

Đại hội dự kiến được tổ chức vào ngày 4/4/2025 tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, 773 đường Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Về nội dung, đại hội dự kiến thông qua báo cáo kết quả của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát (BKS) năm 2024 và trọng tâm hoạt động năm 2025; thông qua BCTC hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán, phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, 2024 và phương án tạm trích lập các quỹ năm 2025.

Ngoài ra, thông qua kế hoạch ngân sách hoạt động, mức thu lao HĐQT, BKS và quỹ thưởng người quản lý năm 2025; thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2025, thông qua nội dung niêm yết các trái phiếu BIDV phát hành ra công chúng và một số nội dung khác thuộc thẩm quyền đại hội.

Trước đó, trong năm 2024 BIDV đã hoàn tất phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, theo đó ngân hàng đã phát hành thêm gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương ứng gần 11.971 tỷ đồng vốn điều lệ. Sau thay đổi trên, tổng vốn điều lệ của BIDV đã tăng từ 57.004 tỷ đồng lên hơn 68.975 tỷ đồng.

Tới tháng 2/2025, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho BIDV tăng vốn điều lệ thêm 1.238 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Nhiều quỹ ngoại đã đăng ký mua với số lượng lớn cổ phiếu chào bán.

 Luỹ kế cả năm, lợi nhuận trước thuế BIDV đạt 31.383 tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm trước.

Về tình hình kinh doanh, ngân hàng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 9.336 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của BIDV là 7.464 tỷ đồng, tăng 21,6%.

Trong quý IV/2024, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của BIDV tăng 28,2%, lên 26.405 tỷ đồng, trội hơn so với mức tăng chi phí hoạt động (tăng 19,8%), giúp cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 33,4% từ 12.760 tỷ đồng lên 17.023 tỷ đồng. 

Tổng tài sản của ngân hàng đạt 2,76 triệu tỷ đồng vào cuối quý IV, tăng 20% so với đầu năm, tiếp tục là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất thị trường. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng đạt gần 2,06 triệu tỷ đồng, tăng 15,7% so với đầu năm. Trong khi đó, dự phòng rủi ro giảm xuống 4,1% so với đầu năm, số dư huy động từ khách hàng tăng 14,6%, đạt 1,95 triệu tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) của BIDV tính hết cuối quý IV tăng 29,8%, lên mức 29.036 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,26% hồi đầu năm lên 1,41%. Trong đó, số dư nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 52% so với hồi đầu năm từ 13.025 tỷ lên hơn 19.801 tỷ đồng. 

Minh Nguyệt

TS. Nguyễn Tú Anh: 'Tăng trưởng tín dụng 16% nếu tăng trưởng GDP thấp sẽ gia tăng rủi ro nợ xấu'
Theo Chuyên gia Nguyễn Tú Anh, khi chúng ta cố gắng thúc đẩy tín dụng nhưng nếu kinh tế tăng trưởng thấp thì sức ép tăng trưởng cao cũng có thể khiến rủi ro về nợ xấu sẽ gia tăng.