Với tâm lý e ngại, số tiền hỗ trợ lãi suất đến hết năm 2023 dự kiến sẽ chỉ đạt gần 4.000 tỷ đồng, bằng 10% kế hoạch
Báo cáo củabộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết Theo tờ trình số 151/TTr-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc triển khai gói chính sách hỗ trợ 2% lãi suất, việc giải ngân gói vẫn đang ở mức tương đối chậm, khi chỉ có khoảng 0,2% kế hoạch được thực hiện.
Cụ thể, ước tính đến cuối tháng 11, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 23.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt hơn 78 tỷ đồng (trên tổng số 40.000 tỷ đồng theo kế hoạch).
Theo đó, tâm lý e ngại đến từ cả phía khách hàng và ngân hàng thương mại (NHTM) là nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân, chủ yếu do các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các NHTM cũng đã có ước tính số tiền hỗ trợ lãi suất đến hết năm 2023 chỉ có thể đạt gần 4.000 tỷ đồng, tức chỉ bằng 10% kế hoạch ban đầu.
Do vậy, NHNN cũng đã đề xuất một số biện pháp nhằm thúc đẩy chương trình này, bao gồm việc sửa đổi Nghị định 31 liên quan đến các đối tượng cho vay vốn và có thể điều chuyển phần vốn sẽ không sử dụng hết sang các nhiệm vụ chi/ các hình thức hỗ trợ khác.
Theo các ngân hàng thương mại, một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc giải ngân chậm gồm: Khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất khó khăn xuất phát từ phía khách hàng vay (nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc diện được hỗ trợ,…);...
Tại Nghị quyết số phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các địa phương đánh giá kỹ tình hình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại để có giải pháp phù hợp.
Trước mắt, NHNN cần nhanh sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp thực tế để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc giải ngân. Cùng đó, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn sang chương trình khác để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ.