|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngấm đòn COVID-19, ngân hàng rục rịch điều chỉnh kế hoạch kinh doanh

14:40 | 31/03/2020
Chia sẻ
Trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, nhiều ngân hàng đã bắt đầu tính tới việc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trong năm 2020.

Dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh tới kế hoạch kinh doanh các ngân hàng

Sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, hoạt động của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ và đứng trước nguy cơ phá sản.

Dưới tác động của dịch, các ngân hàng cũng bắt đầu cảm nhận rõ được khó khăn và tính đến việc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trong năm 2020.

Trong tài liệu trình đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 800 tỉ đồng, giảm gần 14% so với năm trước dù các chỉ tiêu khác vẫn được kì vọng tăng trưởng mạnh như tổng tài sản tăng 23%, dư nợ cho vay tăng 21%; huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá tăng 22%.

Theo Ban điều hành Nam A Bank, năm 2020 được dự báo bao trùm trong bức tranh ảm đạm. Kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cụ thể là Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch virus corona. Từ đó sẽ tác động rất lớn đến hầu hết các ngành nghề và ảnh hưởng dây chuyền đến hoạt động ngành ngân hàng. Do đó năm 2020, ngân hàng sẽ xác định duy trì mức tăng trưởng phù hợp tình hình thị trường và chú trọng củng cố nền tảng hoạt động.

Không chỉ Nam A Bank, nhiều ngân hàng khác cũng tỏ ra băn khoăn về mục tiêu kinh doanh năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh tới các ngành nghề kinh tế.

Trong báo cáo thường niên 2019 mới được công bố, Chủ tịch MBBank Lê Hữu Đức cho biết các mục tiêu kinh doanh năm 2020 thực sự là thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái vì dịch bệnh.

Theo lãnh đạo của MBBank, dịch COVID-19 là thách thức rất lớn với các mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ Việt Nam và ngành ngân hàng, đặc biệt là khả năng tăng trưởng, chất lượng tài sản và nguy cơ nợ xấu tăng cao. Các ngân hàng thương mại cần tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và trích lập dự phòng để đối phó với các kịch bản xấu.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết, ngân hàng đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 đạt 12.500 tỉ đồng, nhưng đó là trong kịch bản tích cực nhất (dịch chỉ kéo dài đến hết tháng 3). Nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kế hoạch kinh doanh của ngân hàng có thể sẽ phải điều chỉnh.

Ngấm đòn COVID-19, ngân hàng rục rịch điều chỉnh kế hoạch kinh doanh - Ảnh 1.

Giao dịch viên tại VietinBank (Ảnh: VietinBank).

Tại VietinBank, mặc dù chưa công bố kế hoạch kinh doanh nhưng nhà băng này cũng nhận định hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn là thách thức lớn trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2020.

Ảnh hưởng của dịch bệnh ngay từ đầu năm 2020 có thể có tác động tới nền kinh tế, đòi hỏi các ngân hàng phải nỗ lực hỗ trợ, cùng với doanh nghiệp vượt qua.

“Đây cũng là yếu tố có thể tác động tới tăng trưởng cũng như khả năng sinh lời của các ngân hàng trong năm 2020”, ban lãnh đạo VietinBank nhận định.

Ngân hàng khó cho vay, chất lượng dư nợ bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy đến ngày 20/3, tín dụng của nền kinh tế chỉ tăng 0,68% và là mức thấp nhất 5 năm trở lại đây. Tín dụng của nền kinh tế tăng trưởng thấp cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Trước đó, chia sẻ tại cuộc họp thông tin về thông tư qui định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch COVID-19, Vụ trưởng Vụ tín dụng (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng cho biết dịch bệnh đã tác động đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn. Nhiều hiệp hội, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực vận tải, xi măng, da giày giáo dục… đã gửi văn bản kiến nghị tới NHNN, đề xuất các biện pháp hỗ trợ trong bối cảnh dịch bệnh.

Chia sẻ bên lề cuộc họp, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng cho biết trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng cho vay của ngân hàng cũng chỉ xấp xỉ con số chung của toàn ngành và đang tiếp tục thúc đẩy cho vay mạnh hơn.

Theo ông Thành, dịch COVID-19 cũng tác động đến hoạt động doanh nghiệp, gián tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu vay của nhóm khách hàng này. Bên cạnh đó, những tháng đầu năm cũng là thời gian người dân ít có nhu cầu vay tiền.

Còn tại BIDV, ngân hàng có qui mô tài sản lớn nhất hệ thống, trong 2 tháng đầu năm 2020 dư nợ tín dụng của nhà băng này bị giảm gần 2%. Theo Chủ tịch Phan Đức Tú , sự suy giảm này là "phù hợp với xu hướng" chung của ngành ngân hàng do tính mùa vụ và ảnh hưởng rất mạnh từ dịch COVID-19 từ cả phía cung lẫn phía cầu.

Ngoài những khó khăn trong hoạt động cho vay, các ngân hàng cũng  đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng cao vì dịch COVID-19.

Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỉ lệ nợ quá hạn, nợ xấu.

Đến cuối tháng 2, có 23 tổ chức tín dụng báo cáo NHNN, ước tính có khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Moody's nhận định các rủi ro đối với chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam có thể phát sinh do sự bùng phát của dịch virus corona. Nếu dịch bệnh kéo dài sẽ dẫn tới sự gia tăng các khoản nợ xấu từ những doanh nghiệp sản xuất, thương mại và doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực có mối quan hệ chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Quốc Thụy

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.