Doanh thu từ dầu mỏ của Nga dự kiến tăng vọt nhờ giá dầu leo thang
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Rystad Energy, doanh thu từ thuế dầu mỏ của Nga sẽ tăng lên hơn 180 tỷ USD trong năm nay. Theo tờ National News, điều này được thúc đẩy bởi giá dầu thô tăng cao.
Đáng chú ý, con số này cao hơn 45% so với năm 2021 và cao hơn 181% so với năm 2020. Công ty tư vấn Oslo cho biết giá khí đốt leo thang ở châu Âu và giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tăng cao ở châu Á sẽ tạo ra thêm 80 tỷ USD tiền thuế chảy vào Nga trong năm nay.
Bà Daria Melnik, nhà phân tích cấp cao tại Rystad Energy, cho biết sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng của Nga đã là một “mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ và cùng có lợi”.
“Trong giai đoạn đầu của các lệnh trừng phạt và cấm vận này, Nga sẽ được hưởng lợi, vì giá cao hơn đồng nghĩa với việc thu thuế cao hơn đáng kể so với những năm gần đây”, bà Melnik nói.
Do sự gián đoạn thương mại và sản xuất liên quan đến chiến tranh, giá dầu Brent - tiêu chuẩn toàn cầu cho 2/3 lượng dầu thế giới dự kiến sẽ đạt trung bình 100 USD/thùng trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2013, sau khi tăng hơn 40 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dự kiến sẽ giảm xuống mức 92 USD trong năm tới, cao hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm là 60 USD/thùng.
Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, với khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày, chiếm khoảng 12% xuất khẩu toàn cầu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, khoảng 60% lượng dầu xuất khẩu của Nga đến châu Âu và 20% khác đến từ Trung Quốc.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, châu Âu bắt đầu tránh dầu thô của Nga trong bối cảnh lo ngại liên quan đến lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, từ sau ngày 24/4, lượng đơn hàng dầu mỏ của Nga đã được hỗ trợ bởi các đơn đặt hàng mới từ Trung Quốc và Ấn Độ, Rystad cho biết trong báo cáo của mình.
Mặc dù xuất khẩu dầu thô của Nga vẫn ổn định trong tháng 4, nhưng căng thẳng gia tăng giữa châu Âu và Nga có thể dẫn đến nhiều lệnh cấm vận dầu thô hơn. Khả năng của Nga trong việc chuyển hướng tất cả các hàng hóa không mong muốn từ phương Tây sang châu Á bị hạn chế và nước này sẽ buộc phải giảm sản lượng hơn nữa do nước này thiếu khả năng lưu trữ để tăng thêm khối lượng dầu thô.
Theo ông Rystad, khối lượng dầu của Nga ước tính sẽ giảm 2 triệu thùng/ngày vào năm 2030 so với năm 2021, trong khi sản lượng khí đốt sẽ tăng nhẹ nhưng vẫn thấp hơn so với ước tính trước xung đột.
Tuy nhiên, với việc gia tăng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với cuộc tấn công quân sự vào Ukraine, Nga đang tích cực hướng về phía Đông để tìm kiếm các thị trường mới và cơ hội xuất khẩu. Đường ống Power of Siberia 1 ban đầu sẽ đóng vai trò là động mạch cung cấp khí đốt chính của Nga cho Trung Quốc.
Công ty năng lượng Gazprom đã hoàn thành các nghiên cứu khả thi về đường ống dẫn khí Soyuz-Vostok, dự án Power of Siberia 2 (50 tỷ mét khối công suất hàng năm) trong quý đầu tiên của năm nay.
Đường ống này sẽ kéo dài từ Yamal ở miền tây Siberi đến miền bắc Trung Quốc, chạy qua Mông Cổ. Rystad cho biết, bằng cách khai thác các trữ lượng khổng lồ ở phía tây Siberia, Nga sẽ tăng cường khả năng chuyển hướng dòng khí đốt sang châu Á thay vì châu Âu.
Bà Melnik cho biết: “Việc tập trung xuất khẩu sang châu Á sẽ mất nhiều thời gian và các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng mà trong trung hạn sẽ chứng kiến sản lượng và doanh thu của Nga giảm mạnh”.
Nền kinh tế Nga có thể mất một thời gian để vượt qua tác động của các lệnh trừng phạt và tạo ra nhu cầu đối với dầu thô trong nước, công ty tư vấn cho biết. Rystad ước tính sản lượng dầu thô của nước này sẽ chỉ bắt đầu phục hồi vào giữa năm 2023. Đơn vị này dự đoán nước Nga sẽ không trở lại sản lượng trước xung đột, ít nhất là sau năm 2026. Nguyên nhân này được cho bởi sự thiếu hụt các khoản đầu tư và công nghệ nước ngoài dẫn tới sự chậm lại trong hoạt động khoan.