|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga đang lao đầu vào một vụ vỡ nợ lịch sử, giới chuyên gia nói gì?

08:00 | 26/05/2022
Chia sẻ
Nước cờ mới của chính quyền Tổng thống Joe Biden khiến Nga gia tăng nguy cơ vỡ nợ, có thể là lần đầu tiên kể từ năm 1917.

Theo thông báo từ Bộ Tài chính Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cấm chính phủ Nga thanh toán cho các trái chủ thông qua hệ thống ngân hàng Mỹ, bắt đầu từ sáng ngày 25/5.

Động thái mới của Washington làm tăng khả năng Nga bị vỡ nợ trái phiếu. Đây cũng là biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm phản ứng với cuộc tấn công của Nga vào nước láng giềng Ukraine.

Trước đó, chính quyền ông Biden đã ban hành một miễn trừ quan trọng đối với ngân hàng trung ương Nga, cho phép cơ quan này thực hiện thanh toán cho trái chủ thông qua các ngân hàng Mỹ và ngân hàng quốc tế khác.

Hiện tại, Nga đang có khá nhiều khoản lãi trái phiếu cần phải thanh toán trong năm nay, gần nhất là vào ngày 27/5 cho hai lô trái phiếu trị giá 100 triệu USD. Một lô yêu cầu thanh toán bằng đồng USD, euro, bảng Anh hoặc franc Thụy Sĩ, trong khi lô còn lại có thể trả bằng đồng ruble.

ReutersWall Street Journal tuần trước đưa tin, Bộ Tài chính Nga đã chuyển tiền để thực hiện thanh toán hai lô trái phiếu trên. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6, Nga sẽ phải thanh toán thêm 400 triệu USD tiền lãi trái phiếu khác.

Trong trường hợp không thể thanh toán ngay lập tức, Nga sẽ được ân hạn 30 ngày và nếu cuối cùng không thể trả được tiền lãi thì Moscow sẽ phải tuyên bố vỡ nợ trái phiếu ngoại tệ lần đầu tiên kể từ năm 1917.

Tình huống khó đoán trước

Mối quan tâm hàng đầu của công chúng bây giờ là liệu Nga có cân nhắc khả năng vỡ nợ hay không, CNBC cho hay.

Theo nhận định của ông Adam Solowsky - đối tác tại hãng luật Reed Smith, Moscow có thể lập luận rằng mình không vỡ nợ vì Nga vẫn có nguồn tài chính để thanh toán, chỉ là không thể thực hiện giao dịch.

“Chúng tôi đã từng thấy lập luận này trước khi Washington đưa ra cấm vận mới nhất. Nga từng khẳng định họ không vỡ nợ vì chính phủ của ông Putin đã cố gắng thanh toán cho các trái chủ nhưng bị phương Tây chặn đứng”, ông Solowsky cho hay.

“Moscow nhiều khả năng sẽ tham gia vào một vụ kiện tụng kéo dài sau khi tình hình đã được giải quyết, nhằm cố gắng xác định xem họ có vỡ nợ thực sự hay không”, vị luật sư tiếp tục.

Ông Solowsky nhấn mạnh rằng tình huống của Nga không giống như quy trình thông thường đối với các vụ vỡ nợ trái phiếu chính phủ, trong đó khi một quốc gia gần vỡ nợ thì họ sẽ dàn xếp tái cấu trúc nợ với các trái chủ quốc tế.

“Kịch bản đó không khả thi với Nga ở thời điểm này. Về cơ bản, do các lệnh trừng phạt, không ai muốn làm ăn với Nga…”, ông Solowsky giải thích.

Vị luật sư nói thêm rằng những rắc rối khi thanh toán tiền lãi trái phiếu sẽ khiến Moscow khó tiếp cận thị trường tài chính toàn cầu, đồng thời làm tăng nguy cơ tài sản trong và ngoài nước của Nga bị tịch thu.

“Đây là trường hợp chưa từng ai trải qua. Nga là một nền kinh tế lớn trên thế giới [nên mọi thứ càng khó đoán]. Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy tác động từ vụ việc trong nhiều năm tới”, ông Solowsky bày tỏ.

Có chuyên gia cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng cắt đứt quan hệ với phương Tây và các nhà đầu tư tài chính. (Ảnh: Reuters).

Đằng nào cũng vỡ nợ

Ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao tại BlueBay Asset Management, cho biết trong một email rằng bây giờ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Moscow vỡ nợ.

“Chính phủ Mỹ đã thực hiện một động thái đúng đắn, vì bước đi này sẽ khiến Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ trong nhiều năm tới, miễn là ông Putin vẫn là tổng thống hoặc chưa chịu rút khỏi Ukraine. Nga chỉ có thể thoát khỏi cảnh vỡ nợ nếu Mỹ cho phép. Do đó, Mỹ đang có một đòn bẩy tốt”, ông Ash giải thích.

Vị chuyên gia dự đoán rằng sau khi bị vỡ nợ, Nga sẽ mất phần lớn cơ hội tiếp cận thị trường, ngay cả với Trung Quốc, vì nguồn tài chính duy nhất của chính quyền Moscow sẽ đi cùng mức lãi suất “cao cắt cổ”.

“Điều đó đồng nghĩa rằng Nga sẽ không thể huy động vốn, không nhận được đầu tư và cũng không thể tăng trưởng. Mức sống của người dân sẽ tụt xuống đáy, dòng vốn tháo chạy và đất nước bị chảy máu chất xám. Người Nga sẽ còn nghèo hơn trong một thời gian dài vì ông Putin”, chiến lược gia Timothy Ash nhấn mạnh.

Theo lẽ đó, Nga sẽ càng bị cô lập khỏi nền kinh tế toàn cầu và địa vị siêu cường sẽ bị thu hẹp về mức tương tự như Triều Tiên, ông Ash nói tiếp.

 

"Dứt tình" với phương Tây

Bà Agathe Demarais, Giám đốc dự báo toàn cầu của The Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết nợ chính phủ của Nga đang ở mức thấp và đang trên đà giảm trước cuộc tấn công tại Ukraine. Do đó, EIU nhận thấy vỡ nợ trái phiếu không thể gây ra vấn đề lớn cho Nga.

“Theo cá nhân tôi, đó thực sự là một tín hiệu để giải đáp cho câu hỏi: liệu Nga có đang muốn cắt đứt mọi liên hệ với phương Tây và thị trường tài chính hay không. Thông thường, nếu là một quốc gia có chủ quyền, họ sẽ làm mọi thứ để tránh nguy cơ vỡ nợ”, bà Demarais nói.

“Cho đến lúc này, tất cả động thái mà chúng ta thấy lại chứng tỏ Nga không thực sự lo ngại về việc vỡ nợ. Tôi nghĩ đó là bởi vì Moscow không tin tưởng rằng mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây có thể cải thiện trong tương lai gần”, vị chuyên gia tiếp tục.

Bà Demarais nói thêm rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga có thể sẽ được duy trì “vô thời hạn”, vì Tổng thống Putin khó có thể quay đầu. EIU dự đoán chiến sự căng thẳng sẽ kéo dài trong suốt năm nay và trở thành xung đột về sau, do cả Nga và phương Tây đều đang cố gắng định hình lại chuỗi cung ứng để thích nghi với các lệnh cấm vận mới thay vì tìm cách chấm dứt chúng.

Nga vẫn đang kiếm được một lượng tiền mặt đáng kể từ xuất khẩu năng lượng, đồng thời đang cố gắng buộc các nhà nhập khẩu châu Âu thanh toán khí đốt và dầu thô bằng đồng ruble để tránh né trừng phạt của phương Tây.

Khả Nhân

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.