|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

New Zealand giúp Việt Nam phát triển trái thanh long nhiều màu, nhiều vị

21:50 | 05/09/2018
Chia sẻ
Trong vài năm tới, người tiêu dùng trên thế giới có thể sẽ được thưởng thức trái thanh long Việt Nam với nhiều sắc thái màu, nhiều vị khác nhau, chứ không đơn thuần chỉ là ruột trắng hoặc ruột đỏ.
new zealand giup viet nam phat trien trai thanh long nhieu mau nhieu vi Thanh long xuất khẩu phụ thuộc vào một thị trường
new zealand giup viet nam phat trien trai thanh long nhieu mau nhieu vi
Bộ trưởng Damien O'Connor trong buổi trao đổi với Thanh Niên. Ảnh: Trâm Nguyễn.

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, ông Damien O’Connor, Bộ trưởng phụ trách Nông nghiệp, An ninh sinh học, An toàn thực phẩm, Các vấn đề nông thôn - thương mại và tăng trưởng xuất khẩu New Zealand, đã dành cho Thanh Niên buổi trao đổi riêng về cơ hội hợp tác giữa 2 nước và các dự án hỗ trợ của New Zealand dành cho nông nghiệp Việt Nam.

Theo Bộ trưởng O’Connor, một số doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển của New Zealand đã được sắp xếp gặp gỡ chính thức với một số địa phương Việt Nam và đang giúp các tỉnh này nâng cao chất lượng quả thanh long và bơ để hướng tới xuất khẩu. New Zealand là một đất nước rất thành công với nông nghiệp và hy vọng có thể chia sẻ kinh nghiệm với các nhà sản xuất và Chính phủ Việt Nam.

Đối với cây bơ, New Zealand đã có một dự án hỗ trợ kỹ thuật trong vòng 3 năm với tỉnh Đắk Nông để tăng năng suất và chất lượng cho loại trái cây này.

Việt Nam sở hữu nhiều giống bơ đa dạng được nhập về từ nhiều nguồn khác nhau trên thị trường, nhưng hầu hết đều không đạt chuẩn và chủ yếu thuộc chủng tây Ấn Độ vỏ xanh, trong khi Hass mới là giống bơ phổ biến nhất trên thế giới, chiếm 80% lượng tiêu thụ bơ toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc sản xuất theo quy mô hộ nhỏ lẻ, mỗi hộ trồng 5 - 10 cây khiến sản lượng bơ vẫn còn rất thấp và việc quản lý chuỗi cung ứng còn rất nghèo nàn.

Dự án của New Zealand sẽ giúp Việt Nam phát triển những giống bơ giá trị cao hơn, cải thiện chuỗi sản xuất để đáp ứng nhu cầu về an toàn thực phẩm, tăng năng suất cũng như cơ hội xuất khẩu.

Tương tự, ông O’Connor cũng tiết lộ một dự án rất thú vị mà New Zealand đang triển khai với quả thanh long Việt Nam. Theo đó, các nhà khoa học New Zealand đang thí điểm việc trồng những giống thanh long có sắc thái màu khác nhau (ví dụ hồng nhạt), với vị khác nhau, chứ không đơn thuần chỉ là 2 giống thanh long ruột đỏ và ruột trắng như hiện nay.

“Thực tế, mỗi cây thanh long khác nhau, ở mỗi vùng miền khác nhau, có thể cho những trái có vị khác nhau. Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi hy vọng có thể lựa chọn những vị phù hợp với các thị hiếu khác nhau trên thế giới để phát triển những loại cây đó. Chúng tôi hy vọng có thể hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng quả thanh long để có thể xuất khẩu tới nhiều thị trường hơn”, ông O’Connor trao đổi với Thanh Niên.

Cũng theo Bộ trưởng O’Connor, những phương pháp áp dụng với quả thanh long có thể áp dụng với bất cứ loại trái cây nào, tùy thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng cũng như mong muốn của người sản xuất Việt Nam. New Zealand có thể hỗ trợ phát triển những giống trái cây đặc biệt hơn so với trái truyền thống.

Chia sẻ kinh nghiệm thành công của New Zealand với ngành nông nghiệp, ông O’Connor cho biết: "New Zealand cũng có các chủ trang trại nhỏ, và để có một nền sản xuất chuyên nghiệp, các chủ trang trại này đã liên kết với nhau để sản xuất theo chuỗi và xây dựng chiến lược thị trường. Đây là những việc mà mỗi hộ nông dân đơn lẻ không thể làm được, mà phải làm thông qua các hiệp hội".

New Zealand xây dựng được một hệ thống cung cấp cho người nông dân những thông tin mà họ cần về giống, kỹ thuật, về thị trường... nơi họ có thể tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia. Hiện nay, New Zealand cũng muốn hỗ trợ một mô hình tương tự tại Việt Nam, để người sản xuất có thể đến và tìm kiếm những thông tin mà họ cần, thay đổi cách thức sản xuất cũ đã lạc hậu.

Về rào cản chất lượng và an toàn thực phẩm khiến các sản phẩm của Việt Nam gặp khó khi xuất khẩu ra thế giới, ông O’Connor cho rằng: “Những người nông dân cũng rất muốn sản xuất các sản phẩm an toàn, nhưng họ không biết cách. Vấn đề quan trọng là hướng dẫn người nông dân để họ có thể sản xuất an toàn hơn. Điều quan trọng là các bạn phải giáo dục những người nông dân sản xuất an toàn hơn, không chỉ cho họ, mà cho cả khách hàng nữa”.

Vũ Hân