Nếu muốn biết lạm phát sẽ kéo dài trong bao lâu thì hãy nhìn vào quá khứ
Theo CNN, tính từ "nhất thời" từng được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sử dụng để miêu tả lạm phát trong nửa đầu năm 2021, như trong câu: “Lạm phát là nhất thời và tăng giá chỉ là tạm thời”.
Tuy nhiên hiện nay, việc Fed sử dụng tính từ này sẽ không còn đúng nữa. Tỷ lệ lạm phát đã tăng mạnh kể từ tháng 8/2021 và vượt ra khỏi phạm vi từ 2% đến 4% thông thường trong cả năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% trong năm kết thúc vào tháng 3, một tỷ lệ chưa từng thấy kể từ tháng 12/1981.
Vì vậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã chia tay với cụm từ "nhất thời" và chuyển sang sử dụng một thuật ngữ về lạm phát mới: “dai dẳng”.
"Nhiệm vụ của Fed là đảm bảo rằng lạm phát cao sẽ không tồn tại lâu trong nền kinh tế", Chủ tịch Jerome Powell cho biết ngay sau khi tuyên bố tăng lãi suất 0,5 điểm % hôm 4/5 để chống lạm phát.
Nhìn chung, Fed đã đưa ra rất ít thông tin về khoảng thời gian cần để việc tăng lãi suất có thể giúp giảm lạm phát. "Rất khó để đưa ra một chỉ dẫn trước 60 hay 90 ngày trong môi trường hiện tại", Chủ tịch Powell nói. "Rất nhiều điều có thể xảy ra với nền kinh tế và trên toàn cầu".
Không có gì mà các nhà đầu tư ghét hơn là sự không chắc chắn. Khi lãi suất ngày càng tăng gây ảnh hưởng đến thị trường Mỹ, những nhà đầu tư muốn có thêm chỉ dẫn.
Những người Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giá khí đốt và lương thực cao cũng muốn biết khi nào họ có thể cảm thấy nhẹ nhõm hơn, đặc biệt nếu việc tăng lãi suất của Fed có nguy cơ kéo nền kinh tế vào suy thoái.
Nhìn lại quá khứ
Mặc dù giá cả tương đối ổn định trong 4 thập kỷ qua, nhưng biến động lớn không phải là hiếm trước những năm 1980.
Lịch sử và dữ liệu của Fed cho thấy nguyên nhân của lạm phát là yếu tố quan trọng trong việc xác định thời điểm lãi suất sẽ giảm. Trong Thế chiến I và II, giá cả tăng với tốc độ rất nhanh do những hạn chế trong thời chiến, nhưng nhanh chóng giảm khi hòa bình lập lại.
Vào những năm 1970, Mỹ trả qua quãng thời gian lạm phát dài nhất trong lịch sử. Việc Tổng thống Richard Nixon loại bỏ bản vị vàng và hai lần giá dầu tăng khiến tỷ lệ lạm phát đạt 12,3% vào cuối năm 1974.
Trong thập niên 1970, Fed bắt đầu chính sách tiền tệ giật cục kiểu “stop-go”, đẩy lãi suất cơ bản lên mức 16% sau đó lại nhanh chóng hạ thấp.
Chính sách tiền tệ “Stop-go” là việc luân phiên ưu tiên nhiệm vụ chống lạm phát cao và chống thất nghiệp cao. "Stop" là giai đoạn nâng lãi suất để kiểm soát giá cả và "go" là thời gian hạ lãi suất để tạo thêm việc làm. Chính sách này tạo ra một chu kì mà mặt bằng lãi suất không được duy trì đủ lâu để giải quyết lạm phát hoặc thúc đẩy tăng trưởng.
Cuối những năm 1970, Chủ tịch Fed Paul Volcker nhậm chức và kết thúc chính sách tiền tệ "stop-go" này. Ông Volcker đã nâng và giữ lãi suất cao cho tới khi lạm phát được kiềm chế, đồng thời đẩy Mỹ vào suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, ông đã giúp giảm và ổn định tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong 40 năm tiếp theo.
Chủ tịch đương nhiệm của Fed, ông Jerome Powell phát biểu: “Tôi dành sự ngưỡng mộ to lớn cho ông Volcker. Chủ tịch Volcker là người có dũng khí để làm điều mà ông ấy cho là đúng đắn”.
Nhìn về tương lai
Liệu nền kinh tế Mỹ có một lần nữa mất 20 năm và hai cuộc suy thoái để trở lại bình thường? Ông Powell cho biết, kinh tế Mỹ đang mạnh mẽ, đồng thời dữ liệu về thất nghiệp khác hẳn so với những năm 1970. Nhiều người tin rằng lạm phát tại Mỹ đã đạt đỉnh và các con số đang bắt đầu đi ngang.
Các nhà phân tích thường nói về nguy cơ lạm phát đình trệ của những năm 1970 và so sánh với tình trạng hiện nay. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát hiện tại có nguyên nhân đến từ một số cuộc khủng hoảng toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng và nhu cầu người tiêu dùng tăng sau dịch COVID.
Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng cho biết: “Giai đoạn lạm phát sau Thế chiến II giống với tình hình kinh tế hiện tại hơn là những năm 1970. Sự tương đồng cho thấy lạm phát có thể giảm nhanh chóng sau khi chuỗi cung ứng được phục hồi và nhu cầu bị dồn nén trở lại bình thường”.
Tuy nhiên, khi tốc độ tăng trưởng chậm lại và thị trường giảm, cụm từ lạm phát đình trệ được sử dụng với tần suất ngày càng tăng.
Các nhà phân tích của Bank Of America viết: “Chúng tôi dự đoán lạm phát tại Mỹ sẽ chậm lại trong 2 năm tới, nhưng quá trình sẽ không đồng đều”.
“Có nhiều bằng chứng cho thấy các vấn đề trong chuỗi cung ứng đang dần được giải quyết. Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ ‘tiến hai bước, lùi một bước’ trong năm tới”. Theo dự đoán của các nhà phân tích trên, xu hướng lạm phát cao này sẽ không kéo dài cả thập kỷ và giá cả có thể bắt đầu hạ nhiệt vào năm 2023.