Nếu không có VIC gồng đỡ, thị trường hôm nay mất bao nhiêu điểm?
Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên đầu tuần 29/11 giảm sâu ngay khi mới mở cửa. HNX-Index dần hồi phục và đóng cửa tăng 0,43% nhưng VN-Index chìm trong sắc đỏ cả ngày và kết phiên mất 0,55%.
Chỉ số bluechip VN30 sụt 0,86%. Trong 30 cổ phiếu thành viên chỉ có 4 mã tăng là VIC, SSI, VHM và HDB. Đáng chú ý, VIC của Tập đoàn Vingroup dư mua giá trần.
Theo thống kê của FiinTrade, VIC đã đóng góp 6,58 điểm (0,44%) cho VN-Index và 9,91 điểm (0,64%)cho VN30 trong phiên 29/11. Cổ phiếu VHM của Vinhomes – công ty con của Vingroup – giúp VN-Index có thêm 0,11% và VN30 có thêm 0,16%.
Ngày cuối tuần trước (26/11), VIC cũng là mã gồng đỡ chỉ số khi các thông tin về biến chủng Omicron mới xuất hiện và các thị trường chứng khoán châu Á như Nhật Bản, Hong Kong, Hàn Quốc đồng loạt bán tháo.
Ngoại trừ HDB của HDBank, toàn bộ 26 cổ phiếu còn lại trong ngành ngân hàng đều chìm trong sắc đỏ và là nhân tố chính kéo tụt chỉ số.
VCB của Techcombank và TCB của Techcombank giảm lần lượt 3,7% và 3,1%. Đây cũng là hai mã có vốn hóa lớn nhất ngành ngân hàng nên tác động tới các chỉ số thị trường cũng là đáng kể nhất.
Một số mã ngân hàng khác cũng diễn biến tiêu cực trong phiên đầu tuần còn có VPB của VPBank, BID của BIDV hay CTG của VietinBank.
Hôm nay khối ngoại tiếp tục gom gần 4,6 triệu cổ phiếu CTG, trị giá 157 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng cổ phiếu VietinBank thứ 12 liên tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài. Tính từ đầu quý IV đến nay, khối ngoại đã mua thêm hơn 1.000 tỷ đồng CTG, trái ngược với xu hướng bán ròng gần 6.900 tỷ trong 9 tháng đầu năm.
Trên toàn thị trường, khối ngoại xả 537 tỷ đồng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trong phiên 29/11, tập trung chủ yếu ở một số mã như HCM của Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC), VPB của VPBank, PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận.
Từ đầu tháng 10 đến hết 29/11, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên toàn thị trường trong 29 phiên và chỉ mua ròng trong 13 phiên. Tổng giá trị được xả ra trong gần hai tháng qua là hơn 16.800 tỷ đồng.
Bên cạnh cổ phiếu ngân hàng, nhóm dầu khí cũng đồng loạt lao dốc với BSR giảm 2,8%, PLX sụt 3,3%, OIL và GAS cùng mất 2,5%, PVS và PVD giảm tương ứng 2,4% và 2,3%.
Thứ Sáu tuần trước (26/11), giá dầu WTI sụt 13% còn 68 USD/thùng sau khi thông tin về biến chủng Omicron dẫn tới tình trạng hoảng loạn, bán tháo. Sáng 29/11, giá dầu đã hồi phục khoảng 4-5% nhưng vẫn chưa đủ để trấn an nhà đầu tư.
Trái ngược với diễn biến tiêu cực của nhóm ngân hàng và dầu khí, cổ phiếu chứng khoán có nhiều mã khởi sắc như CSI, VIX và IVS kịch trần; AGR và SSI tăng tương ứng 3,5% và 3,4%; BSI và VND đi lên lần lượt 2,6% và 2,4%.
Tuần trước, Chứng khoán SSI và Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) đều công bố kế dự định tăng vốn thêm hàng nghìn tỷ đồng bằng cách chào bán cho cổ đông hiện hữu. Chứng khoán BSC (Mã: BSI) thì lên kế hoạch chào bán 65,7 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược là Hana Financial Investment. Giá chào bán chưa được tiết lộ.
Dự tính sau đợt chào bán, vốn điều lệ của BSI sẽ tăng từ 1.221 tỷ đồng lên 1.878 tỷ đồng, trong đó Hana sẽ sở hữu 35%. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng ba năm sau đợt chào bán.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) hiện nay là công ty mẹ sở hữu 79,94% vốn điều lệ của Chứng khoán BSC. Sau khi BSC phát hành cho cổ đông chiến lược, tỷ lệ sở hữu của BIDV sẽ giảm xuống còn 52,1%.