Lo ngại về Omicron sẽ chi phối thị trường toàn cầu trong nhiều tuần tới
Số phận của các thị trường toàn cầu hiện nay phụ thuộc ít nhất một phần vào các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đang nghiên cứu chủng Omicron của COVID-19. Nhà đầu tư có thể sẽ phải hồi hộp chờ đợi câu trả lời trong nhiều tuần.
Biến chủng Omicron phát hiện tại châu Phi được mô tả là rất đáng lo ngại, và đã khiến một vài nước ra lệnh cấm nhập cảnh. Giới khoa học đang phân tích xem liệu Omicron có thể kháng vắc xin không và triệu chứng nó gây ra khác thế nào với những chủng virus hiện tại.
Nhà sản xuất vắc xin BioNTech kỳ vọng sẽ thu được dữ liệu đầu tiên trong vòng hai tuần. Những hiểu biết ban đầu này sẽ giúp định đoạt liệu Omicron chỉ là mối đe dọa thoáng qua hay có nguy cơ trở thành đòn giáng nặng nề vào việc mở cửa nền kinh tế toàn cầu.
Những nhà đầu tư lo sợ đã tháo chạy khỏi chứng khoán toàn cầu vào ngày 26/11 và dồn vào những chỗ trú an toàn như trái phiếu chính phủ khi biến động tăng vọt.
Các chuyên gia của Citigroup dự đoán thời gian chờ đợi để hiểu rõ hơn về Omicron có thể là từ hai đến 8 tuần, trong giai đoạn này nhu cầu dành cho tài sản rủi ro có thể giảm mạnh.
Ông Peter Berezin, nhà nghiên cứu trưởng tại BCA Research cho biết: "Tối thiểu thì biến động cũng sẽ lên cao trong vòng hai tuần tới". Ông nói thêm rằng chứng khoán có thể tiếp tục đi xuống nhưng bất kỳ sự sụt giảm nào trên 10% sẽ là cơ hội để mua vào.
Phiên 26/11, chứng khoán toàn cầu rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10, giá dầu giảm 13% và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lao dốc nặng nhất kể thời kỳ đầu của đại dịch. Những tài sản đầu cơ cắm đầu giảm, bitcoin đã mất khoảng 20% kể từ kỷ lục thiết lập ngày 10/11.
Nhà đầu tư đồng thời cắt giảm các khoản đặt cược liên quan tới các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát - chủ đề nổi trội trong thời gian qua với kỳ vọng rằng điều tồi tệ nhất của đại dịch đã qua. Tuy nhiên, tác động của Omicron đối với tăng trưởng và lạm phát vẫn còn mờ mịt.
Ông Ben Emons, chuyên gia của Medley Global Advisors nhận xét: "Lạm phát có thể tạm lắng nhờ giá năng lượng đi xuống, nhưng các lệnh phong tỏa làm tăng thêm hạn chế về nguồn cung trong khi nhu cầu tiêu dùng của Mỹ không suy giảm".
Trong bối cảnh không chắc chắn, nhà đầu tư đã có hiệu suất tốt trong thời gian qua có thể sẽ muốn chốt lời khi chỉ số S&P 500 hiện cao hơn 22% so với đầu năm. Một khả năng khác là nhà đầu tư sẽ ưa chuộng cổ phiếu phục vụ cho xu hướng làm việc ở nhà cho đến khi có thêm dữ liệu, Giám đốc đầu tư Ryan Jacob của Jacob Asset Management cho biết.
Goldman Sachs Group viết trong lưu ý rằng những thay đổi lớn trong danh mục có lẽ là không cần thiết dựa trên giả định rằng những loại vắc xin COVID-19 hiện vẫn có hiệu quả và Omicron không nguy hiểm hơn những chủng virus khác.
Nhưng việc phòng hộ ngắn hạn cho danh mục có thể là cần thiết "do giờ đã là cuối năm và suy xét về các rủi ro thanh khoản và chính sách trong tháng 12". Goldman Sachs gợi ý quyền chọn mua hợp đồng tương lai trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cùng một số công cụ phòng hộ khác cho nhà đầu tư.
Những lần sợ hãi COVID-19 trong quá khứ rốt cục đã trở thành cơ hội để vơ vét cổ phiếu, và nhà đầu tư đang tự hỏi rằng liệu kịch bản này có lặp lại hay không, theo Bloomberg.
Ông Peter Tchir, chuyên gia vĩ mô tại Academy Securities thì cho rằng thách thức lần này là Omicron nhiều khả năng không phải là yếu tố duy nhất tạo ra sự hoảng loạn về chứng khoán. Những biến số khác bao gồm các ngân hàng trung ương muốn thắt chặt tiền tệ hơn và thực tế rằng định giá cổ phiếu có vẻ quá cao.
Ông Tchir nói: "Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thị trường phục hồi khi chúng ta đánh giá rằng chủng Omicron có thể kiểm soát được. Nhưng tôi cho rằng cuộc phục hồi đó sẽ không mạnh mẽ, và diễn biến tiếp theo sẽ xấu đi".