|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Netflix lần đầu chứng kiến lượng người dùng sụt giảm trong 10 năm, đứng trước tương lai bấp bênh

21:23 | 20/04/2022
Chia sẻ
Các nhà đầu tư đang dần tỏ ra hoài nghi về chiến lược cũng như lợi nhuận của Netflix sau khi công ty công bố báo cáo tài chính quý I không mấy khả quan.

Trong báo cáo tài chính quý I mới được công bố, gã khổng lồ trong ngành phát trực tuyến và xem phim Netflix đã chứng kiến lượng người dùng đăng ký mới sụt giảm lần đầu tiên. Hồi đầu năm, giá cổ phiếu công ty cũng đã sụt giảm vì lo ngại về sự tăng trưởng người dùng, theo CNN.

Netflix hiện có 221,6 triệu người đăng ký trên toàn cầu. Công ty đã chứng kiến mức giảm khoảng 200.000 lượt đăng ký trong quý I, đồng thời dự kiến sẽ mất thêm 2 triệu lượt trong quý II. Trước đó, công ty từng đặt kỳ vọng có thêm 2,5 triệu thuê bao mới trong ba tháng đầu năm.

Ngay sau thông tin trên, giá cổ phiếu công ty đã ngay lập tức giảm 25% trong phiên giao dịch sáng 20/4.

Lợi nhuận quý đầu tiên của Netflix là 1,6 tỷ USD, giảm so với mức 1,7 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu của công ty tăng gần 10%, đạt mức 7,9 tỷ USD.

Theo CNN, không thể tưởng tượng được mức độ tiêu cực đối với gã khổng lồ này thông qua báo cáo tài chính quý I. Tính đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà đầu tư cũng tỏ ra lo ngại về khoản lợi nhuận của Netflix.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trong một thập kỷ, Netflix chứng kiến mức sụt giảm thuê bao đăng ký trong một quý.

Netflix lần đầu chứng kiến lượng người dùng sụt giảm trong 10 năm. (Ảnh: Washingtonpost).

Chuyện gì đã xảy ra?

Trong lá thư gửi các nhà đầu tư, công ty cho biết kể từ khi ra mắt tính năng phát trực tuyến vào năm 2007, công ty đã "hoạt động với niềm tin vững chắc rằng giải trí theo yêu cầu, được cung cấp qua internet sẽ thay thế truyền hình tuyến tính", nhưng họ nói thêm, trong thời gian tới "chúng tôi không tăng doanh thu nhanh như mong muốn".

Netflix nói rằng đại dịch đã "làm mờ bức tranh bằng cách tăng đáng kể mức tăng trưởng vào năm 2020, khiến Netflix tin rằng hầu hết sự tăng trưởng chậm lại của trong năm 2021 là do ảnh hưởng của dịch bệnh”.

Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác nhau đằng sau tình trạng trì trệ lượt đăng ký mới, bao gồm sự cạnh tranh từ các công ty truyền thông truyền thống đã tham gia vào thị trường phát trực tuyến trong những năm gần đây, cũng như việc chia sẻ tài khoản một cách rộng rãi.

"Ngoài 222 triệu hộ gia đình trả tiền cho chúng tôi, ước tính rằng các tài khoản Netflix đang được chia sẻ với hơn 100 triệu hộ gia đình khác, bao gồm hơn 30 triệu ở khu vực Mỹ và Canada”, công ty cho biết.

Netflix cũng đổ lỗi cho "các yếu tố vĩ mô" đang ảnh hưởng đến nhiều công ty, chẳng hạn như "tăng trưởng kinh tế chậm chạp, lạm phát gia tăng, các sự kiện địa chính trị như xung đột Nga - Ukraine và một số sự gián đoạn từ dịch bệnh COVID-19”.

Riêng việc rút khỏi thị trường Nga đã khiến Netflix mất khoảng 700.000 lượt đăng ký.

Báo cáo tài chính của Netflix có thể sẽ làm chao đảo thị trường phát trực tuyến do có quá nhiều công ty khác đã thay đổi chiến lược kinh doanh để cạnh tranh với Netflix, chẳng hạn như Disney, một trong những đối thủ lớn nhất. Giá cổ phiếu Disney cũng đã giảm khoảng 5% trong phiên giao dịch 19/4.

Netflix sẽ làm gì?

Netflix nói với các nhà đầu tư rằng họ có kế hoạch lật ngược tình thế bằng cách làm những gì mà họ đã làm trong suốt nhiều năm qua: Cải thiện chất lượng dịch vụ.

Công ty cho biết: “Kế hoạch của chúng tôi là đẩy nhanh tốc độ xem và tăng trưởng doanh thu bằng cách tiếp tục cải thiện tất cả khía cạnh của Netflix, đặc biệt là chất lượng chương trình và đề xuất của chúng tôi. Đây là điều àm các thành viên của chúng tôi coi trọng nhất”.

Công ty nói thêm rằng họ đang "tăng gấp đôi khả năng phát triển câu chuyện và sự xuất sắc trong sáng tạo", đồng thời tung ra công cụ " double thumbs up", cho phép các thành viên "thể hiện tốt hơn những gì họ thực sự yêu thích so với chỉ đơn giản là thích”.

Netflix cũng cho biết họ sẽ tập trung nhiều hơn vào "cách tốt nhất để kiếm tiền từ việc chia sẻ tài khoản”, đề cập tới vấn nạn nhiều tài khoản được chia sẻ với nhau.

"Chia sẻ tài khoản có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của chúng tôi bằng cách thu hút nhiều người sử dụng hơn. Chúng tôi luôn cố gắng giúp việc chia sẻ trở nên dễ dàng, với các tính năng như hồ sơ và nhiều luồng. Mặc dù những thứ này rất phổ biến, nhưng chúng đã tạo ra sự nhầm lẫn về thời điểm và cách thức Netflix có thể được chia sẻ với các hộ gia đình khác”, theo thông báo của Netflix.

Tháng 3, phía Netflix cho biết trong năm 2021, công ty đã làm việc để "cho phép các thành viên chia sẻ tài khoản ra bên ngoài hộ gia đình của họ một cách dễ dàng và an toàn, đồng thời chỉ phải trả thêm một chút tiền”.

"Mặc dù chúng tôi sẽ không thể kiếm tiền từ tất cả ngay bây giờ, nhưng chúng tôi tin rằng đó là một cơ hội lớn từ ngắn hạn đến trung hạn”, theo người đại diện Netflix.

Một mảng khác có thể giúp tăng doanh thu và thu hút nhiều người đăng ký dịch vụ hơn là quảng cáo.

Giám đốc điều hành Netflix Reed Hastings luôn dị ứng với ý tưởng có quảng cáo trên nền tảng này, nhưng trong cuộc họp mới nhất với các nhà phân tích, ông đã đề cập rằng nó có thể là một giải pháp trong tương lai.

"Những ai đã sử dụng Netflix đều biết rằng chúng tôi không thích sự phức tạp của quảng cá. Cá nhân tôi là người thích sự đơn giản, tôi đặt trải nghiệm của người dùng lên trên. Tuy nhiên, trong tương lai, những người muốn trả phí ít hơn có khả năng sẽ phải xem một phần ngắn quảng cáo”, ông Hastings cho biết.

 

Bất chấp tốc độ tăng trưởng chậm lại khiến chiến lược bị nghi ngờ, Netflix vẫn kiên quyết với những gì đã đề ra. “Sự tập trung vào cải tiến liên tục đã được chúng tôi làm tốt trong suốt 25 năm qua. Đó là lý do chúng tôi hiện là dịch vụ phát trực tuyến có số lượng người đăng ký lớn nhất trên thế giới dựa trên tất cả các chỉ số chính, bao gồm số lượng thành viên trả phí, mức độ tương tác, doanh thu và lợi nhuận”, Netflix nhấn mạnh.

Quốc Anh