Net zero có thể 'thổi bay' 3.000 tỷ USD khỏi các công ty dầu khí
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo ngành dầu khí có thể thiệt hại hơn 3.000 tỷ USD (2.400 tỷ bảng Anh) vì tiến trình cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể (net zero).
IEA cho biết các công ty sẽ trở thành những khoản đầu tư rủi ro, có nguy cơ “bốc hơi” một nửa giá trị khi thế giới chuyển sang hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
IEA cảnh báo nếu ngành dầu khí toàn cầu không ứng phó được với cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng, nó có thể khiến các nhà đầu tư đối mặt với sự thiệt hại lớn, trừ phi các công ty thay đổi hướng đi.
IEA cũng cảnh báo rằng các quỹ hưu trí và đầu tư phụ thuộc vào các công ty dầu khí để thu được phần lớn lợi nhuận đầu tư có thể phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng trong 20 năm tới.
Tổ chức có trụ sở tại Paris này cho biết giá trị của ngành công nghiệp dầu khí tư nhân, ở mức 6.000 tỷ USD, sẽ giảm 25% nếu tất cả các mục tiêu về khí hậu hiện tại do các chính phủ trên thế giới đặt ra đều được đáp ứng.
IEA cho biết nếu các mục tiêu được tăng cường để giúp thế giới đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, như các nhà lãnh đạo đã cam kết theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, thì có tới 60% giá trị của ngành này có thể bị xóa sổ. Điều này có nghĩa là các công ty sẽ mất tổng cộng hơn 3.000 tỷ USD giá trị.
Trong một báo cáo được công bố ngày 23/11, IEA cho biết trong quá trình chuyển đổi sang net zero, dầu khí sẽ trở thành một ngành kinh doanh ít lợi nhuận và rủi ro hơn theo thời gian.
IEA cho biết chỉ có một số công ty nhiên liệu hóa thạch đang đầu tư số tiền đáng kể vào năng lượng sạch, trong đó có Shell và BP. Tuy nhiên, các công ty Anh gần đây đã thông báo rằng họ đang giảm tốc độ đầu tư xanh.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng các công ty dầu khí đang thổi phồng quá mức các công nghệ mới như thu giữ và lưu trữ carbon.
Ngành công nghiệp năng lượng đang đặt cược vào việc lưu trữ 32 tỷ tấn carbon “không thể tin được” vào năm 2050. IEA cho biết lượng điện cần thiết để cung cấp cho các công nghệ này sẽ lớn hơn nhu cầu điện của toàn thế giới hiện nay.
Giám đốc điều hành IEA, ông Fatih Birol cho biết quá trình năng lượng sạch sẽ tiếp tục dù có hay không có các nhà sản xuất dầu khí. Tuy nhiên, hành trình đạt tới mức phát thải ròng bằng 0 sẽ tốn kém hơn và khó định hướng hơn nếu ngành này không tham gia.
Báo cáo của IEA được đưa ra trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 ở Dubai, bắt đầu vào tuần tới.
Tại Anh, dầu khí vẫn cung cấp khoảng 75% tổng năng lượng. 25 triệu ngôi nhà sử dụng nồi hơi gas, 32 triệu tài xế sử dụng xe chạy bằng xăng hoặc dầu diesel và 40% điện năng ở Anh được sản xuất từ khí đốt.