|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nestlé: Làm sao để đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thực phẩm và thức uống đóng gói cho cả thế giới?

07:15 | 07/10/2021
Chia sẻ
Bất chấp những tác động từ đại dịch, Nestlé đã tăng gấp đôi công suất chế biến cà phê tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư gần 730 triệu USD.

Tăng gấp đôi công suất

Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và cung ứng cà phê Việt Nam giá trị cao cho thị trường trong nước và thế giới, Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 132 triệu USD nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai, theo Thông tin Chính phủ.

Khoản đầu tư này đã nâng tổng giá trị đầu tư nước ngoài của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam lên gần 730 triệu USD.

Khoản đầu tư mới cho nhà máy chế biến cà phê này sẽ giúp Nestlé Việt Nam sản xuất đa dạng các sản phẩm. Với dây chuyền, thiết bị và công nghệ tiên tiến, Nestlé Việt Nam đặt mục tiêu nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm cà phê, đồng thời tăng cường xuất khẩu sản phẩm Made in Vietnam ra khu vực và thế giới.

Nestlé: Làm sao để đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thực phẩm và thức uống đóng gói cho cả thế giới? - Ảnh 1.

Các sản phẩm của Nestlé tại Việt Nam. (Ảnh: Thông tin Chính phủ).

"Quyết định tăng vốn đầu tư và nâng công suất chế biến là một minh chứng cho cam kết đầu tư lâu dài của công ty tại thị trường Việt Nam", ông Binu Jacob, CEO Nestlé Việt Nam, chia sẻ. "Chúng tôi mong muốn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, sản xuất các sản phẩm chất lượng, đáp ứng khẩu vị của nhiều nhóm khách hàng."

Theo thông tin tự công bố, nhà máy Nestlé Trị An là một trong những nhà máy sản xuất lớn nhất của Nestlé tại Việt Nam và cũng là một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trong khu vực của tập đoàn.

Ngoài mục tiêu sản xuất các sản phẩm cà phê chất lượng cao phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam, các sản phẩm sản xuất tại nhà máy Nestlé Trị An cũng được xuất khẩu đi hơn 25 quốc gia trên thế giới bao gồm những thị trường khó tính tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Australia.

Bên cạnh các hoạt động chế biến, nâng cao giá trị cho hạt cà phê Việt, Nestlé còn là đơn vị thu mua cà phê lớn nhất với tổng giá trị thu mua hằng năm khoảng 20-25% tổng sản lượng cà phê Việt Nam, tương đương 700 triệu USD/năm.

Đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thực phẩm của thế giới

Tác động của đại dịch COVID-19 từ năm ngoái đến nay làm cho doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và thách thức. Nestlé Việt Nam cũng gặp phải nhiều vấn đề do tác động của đợt dịch bệnh lần này đến từ nhu cầu tiêu dùng giảm, vấn đề an toàn tại nơi làm việc, thiếu nhân công và nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng.

Việc thực hiện phương án "3 tại chỗ" trong thời gian dài đã gây ra nhiều thách thức đối với khâu vận hành cũng như gây ảnh hưởng đối với các nhân viên, dẫn đến chi phí tăng và năng suất lao động giảm.

Đặt trong một bối cảnh như thế, Nestlé Việt Nam đã đề ra chiến lược gồm ba ưu tiên chính đó là sự an toàn của nhân viên, bảo đảm tính liên tục trong kinh doanh và thực hiện các chương trình, hoạt động hỗ trợ cộng đồng phòng chống đại dịch.

"Tuy nhiên, Nestlé Việt Nam vẫn tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực và công ty vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam.

Việt Nam đang được xem là trung tâm sản xuất các mặt hàng điện tử và may mặc, da giày cho thế giới và Nestlé cũng tự đặt ra câu hỏi làm cách nào để đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất các mặt hàng thực phẩm và thức uống đóng gói cho cả thế giới vì với lực lượng lao động giỏi tay nghề và tinh thần làm việc cống hiến, hệ thống vận hành của Nestlé Việt Nam được ghi nhận đang nằm trong nhóm hiệu quả và linh động hàng đầu đối với tất cả thị trường mà Nestlé đang có mặt", ông Binu Jacob chia sẻ.

"Nestlé Việt Nam tin tưởng vào quyết tâm phòng chống dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam cũng như việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội", ông Binu Jacob khẳng định.

Theo đó, Nestlé Việt Nam cam kết hỗ trợ các mục tiêu kép của Chính phủ là bảo vệ cuộc sống và sinh kế, nhưng vẫn phải bảo đảm mục tiêu sức khỏe của người dân.

"Chuỗi những ngày giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã bào mòn sức khỏe tinh thần của những người lao động và với cả những người phải làm việc ở nhà và làm việc từ xa.

Chúng tôi ủng hộ định hướng chính sách chiến lược của Chính phủ là thích ứng để "sống chung với virus một cách an toàn", tái mở cửa nền kinh tế và thoát khỏi quy trình Chỉ thị 15 hoặc 16 hoặc các biện pháp hạn chế tương tự trong tương lai", đại diện Nestlé chia sẻ.

Chí Dũng

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.