Nền tảng thương mại điện tử Telio của doanh nhân Bùi Sỹ Phong nhận 25 triệu USD vốn đầu tư ngoại
Telio là một trong 17 startup bước ra ánh sáng tử Surge, chương trình phát triển hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tại Ấn Độ và Đông Nam Á của Quĩ Sequoia Capital India, KrAsia đưa tin.
Thành lập vào tháng 11/2018, Telio được xây dựng để kết nối các đơn vị bán lẻ nhỏ lẻ tới các đơn vị bán buôn, bán sỉ trên nền tảng. Từ đó, các đối tác sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều sự lựa chọn hơn, giá cả và chính sách giao nhận tốt hơn.
Ngành bán lẻ Việt Nam đang bị chi phối bởi các kênh truyền thống và bị phân mảnh. Theo Kantar, các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ đang chiếm 60% doanh số hàng tiêu dùng nhanh ở thành phố và 90% ở các vùng quê.
Telio nhận vốn 25 triệu USD từ các công ty ngoại. Ảnh: KrAsia
Ông Bùi Sỹ Phong, CEO của Telio cho rằng hầu hết nhà bán lẻ tại Việt Nam không có một cái nhìn rõ ràng và minh bạch về giá cả, chất lượng và như độ sẵn có của hầu hết sản phẩm.
Cũng theo ông Phong, Telio sẽ cung cấp một nền tảng di động giúp các nhà bán lẻ tìm, lựa chọn và đặt mua sản phẩm từ một loạt các nhà phân phối. Startup cũng đang xây dựng hệ thống kho bãi để đảm bảo việc giao hàng trong vòng 24 giờ, qua đó giúp các đối tác quản lí dòng tiền tốt nhất.
Trước đó, ông Phong từng là nhà sáng lập của hai startup khác. Một là nền tảng cho thuê xe ô tô ngang hàng và một là ví điện tử OnonPay. Telio hiện đang phục vụ 3.000 nhà bán lẻ tại TP HCM.
Với số vốn nhận được, công ty dự kiến sẽ mở rộng qui mô hoạt động ra thêm 4 thành phố khác trên cả nước với mục tiêu nâng số đối tác lên 15.000 vào tháng 6/2020 và mở rộng ra thêm các lĩnh vực khác ngoài hàng tiêu dùng nhanh.
CEO Telio, ông Bùi Sỹ Phong từng là nhà sáng lập của nền tảng OnOnPay. Ảnh: Flickr
Jixun Foo, đối tác quản lí của Quĩ đầu tư GGV Capital, một trong những quĩ đầu tư sớm vào Alibaba đưa ra nhận định rằng ở Việt Nam các cửa hàng tạp hóa tại Việt Nam vẫn hoạt động ổn định bất chấp việc bùng nổ của thương mại điện tử.
"Bằng cách tận dụng công nghệ, Telio có thể khai thác kinh nghiệm của các mô hình kinh doanh nhỏ, hộ cá thể. Từ đó, các đối tác có thể khai thác hết tiềm năng của mình", Jixun Foo nhấn mạnh.
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang được coi là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư công nghệ. Nền kinh tế kĩ thuật số đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Theo báo cáo mới nhất của Google-Temasek-Bain, nền kinh tế kĩ thuật số của Việt Nam sẽ chạm mốc 43 tỉ USD vào năm 2025.
Theo dự đoán, tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ chạm mốc 800 triệu USD cho tới cuối năm 2019, theo báo cáo của Cento Ventures và ESP Capital. Vốn chủ yếu được rót vào các mảng thanh toán, logistic và thương mại điện tử.