Nền kinh tế tăng 1,3 triệu tỉ đồng sau tính lại GDP
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Trong các khu vực kinh tế, dịch vụ có mức tăng cao nhất sau đánh giá lại khi thêm 316.000-615.000 tỉ đồng mỗi năm.
Khu vực công nghiệp và xây dựng bình quân năm tăng 211.000-555.000 tỉ đồng, còn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thêm 25.000-46.000 tỉ đồng.
Cơ cấu GDP, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, đã "phản ánh rõ hơn xu hướng dịch chuyển của nền kinh tế".
Trong đó, đóng góp của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 17,4% GDP xuống 14,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 33% lên 34,8% GDP; còn dịch vụ tăng từ 39,2% lên 41,2% GDP.
Do mức độ tăng đồng đều giữa các năm nên tốc độ tăng GDP hàng năm không có biến động lớn so với số đã công bố. Mỗi năm tốc độ tăng trưởng GDP sau khi đánh giá lại tăng từ 0,13 đến 0,48 điểm phần trăm.
Quy mô nền kinh tế thay đổi, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cũng có sự điều chỉnh. Trong đó, GDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 66,8 triệu đồng, tương đương 2.985 USD.
Một số chỉ tiêu vĩ mô quan trọng như tỷ lệ nợ công so với GDP đến cuối năm 2017 giảm xuống còn 48,8%; tỷ lệ bội chi ngân sách còn 2,8%; tỷ lệ chi ngân sách so với GDP còn 21,5%...
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Thống kê tại cuộc họp báo sáng 13/12. Ảnh: Minh Sơn.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê khẳng định việc đánh giá lại không vì thành tích mà nhằm phản ánh đúng hiện trạng của nền kinh tế để xây dựng đúng các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm tiếp theo 2021-2030.
Việc này cũng không mang lại lợi ích về vật chất cho người dân ngay nhưng giúp Chính phủ có cái nhìn thực chất hơn, nhằm đưa ra các chính sách phù hợp trong tương lai.
"Con số đúng sẽ giúp mang lại các chính sách đúng và người dân sẽ được hưởng lợi từ điều đó", ông Lâm nhận xét.
Ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, cũng nhìn nhận, đánh giá lại quy mô GDP là cần thiết và được nhiều nước thực hiện. Quy mô GDP không chỉ giúp Chính phủ quản lý kinh tế vĩ mô hiệu quả hơn mà còn giúp doanh nghiệp, người kinh doanh có chính sách, chiến lược trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Báo cáo trước Quốc hội tại phiên chất vấn chiều 8/11, Thủ tướng khẳng định việc tính toán lại GDP là cần thiết và dữ liệu này chỉ áp dụng sau năm 2020 chứ không đưa vào các báo cáo gửi Quốc hội, văn kiện Đảng.
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân lớn nhất khiến có sự thay đổi là việc bổ sung thông tin từ tổng điều tra, làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng thêm 589.000 tỉ đồng, chiếm 63% mức tăng.
Yếu tố thứ hai là bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính, giúp GDP tăng bình quân 305.000 tỉ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2010-2017, chiếm 32,6% mức tăng bình quân.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, do khối lượng công việc của ngành lớn và nguồn lực có hạn, số liệu hàng năm được xây dựng theo mô hình chọn mẫu, tính toán được xu hướng nhưng chưa đầy đủ về quy mô.
Bên cạnh đó, việc thống kê hoạt động của khối doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp không cung cấp thông tin hoặc cung cấp số liệu thấp hơn thực tế, ngay cả với những doanh nghiệp lớn.