Nền kinh tế Mỹ tưởng sẽ hụt hơi nhưng thực chất đang tăng tốc
Thay đổi ý kiến
Dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế số một thế giới đang tăng tốc bất chấp một loạt yếu tố bất lợi như chi phí đi vay gia tăng, chương trình thanh toán nợ vay sinh viên được khôi phục và chiến sự nổ ra tại Trung Đông.
Nhiều nhà phân tích từng cảnh báo Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Tuy nhiên, giờ đây họ lại đang nâng dự báo tăng trưởng GDP.
Tuần trước, các nhà kinh tế của Goldman Sachs đã nâng ước tính tăng trưởng GDP quý III từ 3,7% lên 4% (tốc độ được chuẩn hóa theo năm). Công ty tư vấn kinh tế High Frequency Economics cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng quý III và IV lên lần lượt là 4,6% và 1,2%, cao hơn 0,2 điểm % so với các ước tính trước đó.
Mỹ ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP quý I và quý II lần lượt là 2,2% và 2,1%. Nếu tốc độ tăng trưởng GDP quý III nằm trong phạm vi dự báo thì điều này có nghĩa là nền kinh tế Mỹ đã tăng tốc đáng kể.
Tháng 9 tươi đẹp
Một số thước đo cho thấy thị trường lao động đã mạnh lên trong quý III. Mỹ có thêm 336.000 việc làm trong tháng 9, cao hơn đáng kể so với các con số 227.000 của tháng 8 và 236.000 trong tháng 7.
Hoạt động tuyển dụng mạnh mẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng. Doanh số bán lẻ và dịch vụ thực phẩm hàng tháng đi lên 0,7% trong tháng 9 sau khi tăng 0,8% trong tháng 8 và 0,6% trong tháng 7.
Các ngân hàng lớn như Citigroup và JPMorgan Chase báo cáo kết quả kinh doanh khả quan trong tháng này. Giới lãnh đạo ngân hàng cho biết đánh giá của họ về nền kinh tế đã trở nên tươi sáng hơn.
Tuần trước, hãng hàng không American Airlines dự đoán nhu cầu đi lại trong mùa nghỉ lễ năm nay sẽ mạnh hơn năm ngoái.
Bất chấp động lực mạnh mẽ của nền kinh tế, áp lực lạm phát vẫn tiếp tục sụt giảm. Lạm phát giá tiêu dùng tháng 9 đạt 3,7%, thấp hơn hẳn mức 9,1% ghi nhận hồi tháng 6/2022.
Các dữ liệu trên đã cho phép quan chức Fed phát tín hiệu sẽ duy trì lãi suất ở mức hiện tại trừ khi thấy dấu hiệu lạm phát tăng trở lại. Trong bài phát biểu ngày 19/10, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông và các đồng nghiệp đang “hành động một cách thận trọng”.
Lạm phát hạ nhiệt thúc đẩy sức mua
Tiền lương vẫn đang tăng trưởng tốt trong lúc lạm phát đi xuống, giúp thức đẩy sức mua của người lao động. Từ tháng 12/2022 đến tháng 5/2023, tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình đã tăng từ 3,4% lên 5,3% nhờ thu nhập sau thuế đã điều chỉnh cho lạm phát đi lên.
Ngoài ra trong giai đoạn này, các hộ gia đình vẫn còn khoảng 1.200 tỷ USD tiền tiết kiệm tích lũy được trong thời đại dịch. Đến quý III, các hộ gia đình bắt đầu tiêu xài số tiền tiết kiệm trên, bằng chứng là tỷ lệ tiết kiệm giảm xuống còn 3,9% trong tháng 8.
Ông Marc Giannoni, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại ngân hàng Barclays, nói thêm rằng nỗi lo suy thoái dịu bớt cũng có thể là nguyên nhân giúp cho người tiêu dùng trở nên thoải mái hơn trong việc chi tiêu.
Năm ngoái, hầu hết các nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ suy yếu trong năm 2023. Nhưng theo kết quả của cuộc khảo sát tháng 10 của tờ Wall Street Journal, giờ đây các nhà kinh tế tin rằng Mỹ sẽ tránh được suy thoái trong 12 tháng tới.
Tác động yếu ớt của các đợt tăng lãi suất
Các đợt tăng lãi suất của Fed chưa tạo ra được tác động hạ nhiệt nền kinh tế như kỳ vọng. Chủ tịch Powell giải thích rằng nguyên nhân có thể là do các doanh nghiệp và hộ gia đình đã chốt được mức lãi suất thấp trong đại dịch.
- TIN LIÊN QUAN
-
Nếu nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, nhiều quốc gia sẽ lao đao 16/10/2023 - 16:34
Các nhà kinh tế của ngân hàng Jeffferies phát hiện rằng tỷ lệ chi phí lãi vay/doanh thu của doanh nghiệp đã giảm trong năm qua, bất chất chiến dịch tăng lãi suất của Fed.
Và nghiên cứu của Fed chi nhánh New York chỉ ra rằng khoảng 14 triệu chủ sở hữu nhà đã đảo nợ trong đại dịch, khi lãi suất mục tiêu của Fed gần bằng 0.
Nền kinh tế Mỹ sẽ diễn biến thế nào trong thời gian tới? Các nhà kinh tế vạch ra ba kịch bản khả dĩ. Thứ nhất, động lực tăng trưởng hiện tại sẽ sớm kết thúc và người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu.
Thứ hai, nền kinh tế Mỹ có thể tiếp tục tăng trưởng nóng và kéo lạm phát đi lên. Điều này có thể khiến Fed tăng lãi suất mạnh hơn nữa, khiến nền kinh tế chậm lại và nâng cao nguy cơ suy thoái.
Kịch bản hoàn hảo
Kịch bản tốt đẹp nhất là nền kinh tế tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tích cực nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát. Theo Wall Street Journal, Mỹ đang có một số dấu hiệu đầy hứa hẹn.
Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động đã có hoặc đang tìm kiếm việc làm đang ở mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ. Điều này có nghĩa là dù nhu cầu tuyển dụng có cao, chủ lao động có thể sẽ không cần phải tăng lương nhiều đến mức họ phải tăng giá bán sản phẩm và dịch vụ.
Quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch cũng mở ra cơ hội đầu tư kinh doanh mới. Trong quý II, chi tiêu của khu vực kinh tế tư nhân chiếm tới 14,7% GDP thực, mức cao nhất kể từ năm 2007 đến nay.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà kinh tế vẫn ngần ngại tin vào kịch bản đầy lạc quan trên. Nhà kinh tế Ben Herzon của S&P Global cho biết: “Tôi không nghĩ rằng nền kinh tế đã khởi sắc đến mức chúng ta không cần phải lo ngại về áp lực lạm phát từ thị trường lao động mạnh mẽ”.