|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,9% trong quý III, tiếp tục vượt kỳ vọng của giới chuyên gia

19:48 | 26/10/2023
Chia sẻ
Bất chấp nhiều lực cản từ lạm phát và lãi suất, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng vượt dự kiến trong quý III.

Nền kinh tế Mỹ tiếp tục thể hiện sức mạnh đáng nể bất chấp nhiều lực cản. (Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Báo cáo do Cục Phân tích Kinh tế Mỹ vừa công bố cho thấy, GDP của siêu cường số một thế giới đã tăng 4,9% trong quý III (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm).

Trước đó, các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát dự đoán nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,7% trong quý III.

Hai quý đầu năm nay, Mỹ tăng trưởng lần lượt 2,2% và 2,1%, đều cao hơn ước tính của các nhà kinh tế.

Báo cáo cho thấy Mỹ có thể tăng trưởng vượt dự báo là nhờ chi tiêu tiêu dùng, hoạt động xuất khẩu, hoạt động đầu tư của các hộ gia đình và chi tiêu của chính phủ mở rộng trong quý III.

Chi tiêu tiêu dùng (được đo lường bằng chi tiêu tiêu dùng cá nhân) tăng 4% trong quý III sau khi chỉ nhích 0,8% trong quý II. Tổng đầu tư tư nhân trong nước đi lên 8,4% và chi tiêu cũng như đầu tư của chính phủ tăng 4,6%.

Theo CNBC, chi tiêu của người tiêu dùng phân chia khá đồng đều giữa hàng hoá và dịch vụ. Hai thước đo này lần lượt tăng 4,8% và 3,6%.

Thị trường tài chính không phản ứng mấy với báo cáo tăng trưởng quý III. Hợp đồng tương lai thị trường chứng khoán giảm điểm trước giờ mở cửa, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc xuống thấp hơn.

 

Tại thời điểm mà nhiều nhà kinh tế cho rằng Mỹ chí ít sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nông, tốc độ tăng trưởng vẫn ổn định nhờ chi tiêu của người tiêu dùng vượt kỳ vọng. Trong quý III, người tiêu dùng đóng góp khoảng 68% GDP.

Ngay cả khi tiền hỗ trợ thời COVID sắp cạn kiệt, chi tiêu vẫn tăng mạnh khi các hộ gia đình rút bớt tiền tiết kiệm và tăng sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng tiến bước bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ thập niên 1980 để khống chế lạm phát.

Kể từ tháng 3 năm ngoái, Fed đã nâng lãi suất tổng cộng 525 điểm cơ bản. Chi phí đi vay liên ngân hàng tại Mỹ đang nằm trong phạm vi 5,25 - 5,5%, cao nhất trong 22 năm qua.

Gần đây, ngân hàng trung ương Mỹ nhấn mạnh rằng họ phải duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài cho đến khi lạm phát quay trở lại mức mục tiêu 2%.

Lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt 3,7% vào tháng 9, giảm đáng kể so với mức 9,1% ghi nhận vào tháng 6 năm ngoái.

Tại một sự kiện ở New York hồi tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell bày tỏ: "Lạm phát vẫn còn quá cao và dữ liệu tích cực trong vài tháng qua chỉ là bước khởi đầu để xây dựng niềm tin rằng giá cả đang giảm một cách bền vững về mức mục tiêu của chúng tôi”.

Theo ông Powell, Fed không rõ số liệu sẽ tiếp tục xuống thấp trong bao lâu hoặc lạm phát sẽ quay về mức nào trong những quý tới. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Mặc dù con đường chúng tôi đang đi có thể gập ghềnh và mất thời gian, tôi và các đồng nghiệp đều đồng lòng cam kết sẽ đưa lạm phát về mức mục tiêu”.

Cùng với lạm phát và lãi suất, người tiêu dùng Mỹ còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác.

Việc chính phủ khôi phục chương trình thanh toán nợ vay sinh viên được dự đoán là sẽ gây thiệt hại lớn đến ngân sách của các hộ gia đình.

Trong khi đó, giá xăng tăng cao và thị trường chứng khoán chao đảo đang gây ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Căng thẳng địa chính trị cũng có khả năng sẽ gây rắc rối cho nền kinh tế. Cuộc chiến giữa Israel và Hamas, cùng với chiến sự tại Ukraine, đang đè nặng cho triển vọng năm tới.

Dù nền kinh tế Mỹ đã cho thấy sức mạnh đáng nể bất chấp nhiều thách thức khác nhau, hầu hết chuyên gia cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP sẽ chậm lại đáng kể trong những tháng tới.

Tuy nhiên, nhìn chung họ dự đoán Mỹ có thể tránh được suy thoái nếu không gặp bất kỳ cú sốc không lường trước nào khác.

Yên Khê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.