'Nền kinh tế đang phục hồi mạnh, tăng trưởng tiêu thụ điện và container xuất cảnh là minh chứng rõ nét nhất'
Sản xuất, xuất khẩu đang phục hồi tích cực
Đánh giá về sự phục hồi ngành sản xuất, xuất khẩu tại Hội nghị Investor Day quý III diễn ra ngày 10/8 của Dragon Capital, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối đầu tư Dragon Capital cho biết, số liệu FDI vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay khá là ngạc nhiên trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn.
Đặc biệt, một minh chứng rất rõ nét cho việc khu vực sản xuất đang phục hồi nhanh chóng chính là tăng trưởng tiêu thụ điện. Đây là một chỉ số phản ánh rất chuẩn xác rất nhiều yếu tố của nền kinh tế từ sản xuất công nghiệp đến du lịch, dịch vụ, mọi thứ từ chi tiêu, tiêu dùng...
"Năm 2022, chỉ số tiêu thụ điện giảm mạnh và sang đầu năm 2023 là lần đầu tiên chúng ta có tăng trưởng âm nhưng đến nay chỉ số này đã bắt đầu phục hồi, trở lại mức là 9 - 11% như năm 2018 - 2019", ông Tuấn phân tích.
Bên cạnh đó, một chỉ số nữa phản ánh chính xác khu vực sản xuất, xuất khẩu là lượng container xuất cảnh khỏi Việt Nam. Chỉ số này thật sự rất quan trọng vì lượng container xuất khẩu phản ánh được tất cả các hoạt động kinh tế.
Đồng thời, lưu lượng hàng hoá qua ngành hàng không cũng có sự tăng trưởng cho thấy bức tranh tích cực của đơn hàng, xuất khẩu. Nửa đầu năm 2023, tăng trưởng xuất khẩu rất kém và phải từ cuối năm xuất khẩu mới phục hồi đến bây giờ, ông Tuấn cho hay.
Về tiêu dùng, Giám đốc khối đầu tư của Dragon Capital đánh giá: "Chúng ta có thể lạc quan về khu vực này". Lượng khách quốc tế đến Việt Nam bắt đầu tăng trưởng lại và thậm chí vượt năm 2019 - giai đoạn trước dịch COVID-19.
Ông Tuấn cũng nêu ví dụ về doanh thu Bách Hoá Xanh, trong quý II, doanh thu bình quân một cửa hàng của chuỗi này là 2,1 tỷ đồng. "Bình quân một hóa đơn tăng gần 10% so với trước, vẫn còn dưới mức trung bình của 2021 một chút, nhưng bắt đầu phục hồi rất là rõ nét", chuyên gia từ Dragon Capital phân tích.
Với tiêu dùng không thiết yếu, tăng trưởng doanh thu các mặt hàng này cũng tăng về lại gần hai con số ở mức 10-12%. Điều này có nghĩa là cái khu vực tiêu dùng đã tạo đáy từ cuối quý II/ 2023 và bắt đầu đi lên.
Ông Tuấn đánh giá, sự phục hồi của nền kinh tế đang diễn ra khắp nơi không chỉ ở sản xuất mà phục hồi ở cả ba khu vực vừa ở sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.
Với nguy cơ lạm phát, chuyên gia từ Dragon Capital cho rằng vấn đề này không quá đáng lo. Ngay cả khi tăng lương, tăng giá điện... Bởi một chỉ số khá quan trọng là cung tiền M2 vẫn rất thấp. Tăng trưởng tiền tệ hiện tại đang thấp hơn tăng trưởng tín dụng.
"Khi mà tăng trưởng tiền tệ thấp hơn tăng trưởng tín dụng thì vòng quay của cả dòng tiền trong nền kinh tế đều yếu hơn. Khi nền kinh tế chạy dưới mức trung bình thì không có gì phải lo về lạm phát", ông Tuấn nói.