|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng lương, giảm thuế, sản xuất hồi phục sẽ kéo tiêu dùng 'vượt đáy'?

14:45 | 06/08/2024
Chia sẻ
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ kích cầu của Chính phủ, việc sản xuất phục hồi được cho là sẽ trở thành động lực chính kéo tiêu dùng tăng trưởng khi thu nhập của người lao động được cải thiện.

Trong nửa đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng dù có tăng trưởng nhưng được đánh giá là vẫn rất yếu. Mặc dù vậy, nhiều tín hiệu tích cực trong các tháng gần đây như chỉ số PMI, sản xuất công nghiệp hay việc tăng lương được cho là sẽ giúp tiêu dùng trong nước được cải thiện.

Nửa đầu năm nay, sức cầu ảm đạm khiến nhiều lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ rơi vào khó khăn, doanh thu sụt giảm, lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường lớn...duy chỉ có, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,2%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 31,8%.

Doanh thu bán lẻhàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm, giai đoạn 2020 đến nay. (Nguồn: TCTK).

 

Sức cầu đang dần cải thiện

Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2023 tăng 10,6%.

Đặc biệt là nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 5,2%, cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, giai đoạn từ cuối năm 2022 đến nửa đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sau khi loại trừ yếu tố giá thường ở mức 9 - 10%. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2023 đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có xu hướng liên tục giảm.

Cụ thể, quý I/2023 tăng 13,9%, loại trừ yếu tố giá tăng 10,3%; 6 tháng đầu năm 2023, tăng 10,9%, loại trừ yếu tố giá tăng 8,44%; 9 tháng đầu năm 2023 tăng 9,7%, loại trừ yếu tố giá tăng 7,3%; và cả năm 2023 tăng 9,6%, loại trừ yếu tố giá tăng 7,1%.

Đến năm nay,tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2024 chỉ còn tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,1%, 6 tháng đầu năm tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% còn đến 7 tháng tăng trưởng 8,7% và nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2%.

Ở giai đoạn cuối năm ngoái đến quý I năm nay, sức cầu giảm mạnh, phản ánh nền kinh tế khó khăn và đang bắt đầu có sự cải thiện nhờ sự hồi phục của nền kinh tế. Các chuyên gia cũng dự báo cầu tiêu dùng sẽ được cải thiện từ nay đến cuối năm nhờ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tích cực hơn cũng như các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Sản xuất kéo tiêu dùng hồi phục

Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) hai tháng gần đây cũng rất tốt, tiếp tục giữ ở mức cao 54,7 điểm, tương đương tháng 6 nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh khiến các nhà sản xuất tăng sản lượng.

S&P Global cho biết số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh khiến các nhà sản xuất tăng sản lượng, và tốc độ tăng trưởng đã nhanh gần bằng mức cao kỷ lục.  Đây là tín hiệu rất tốt đối với nền kinh tế, không chỉ khu vực sản xuất mà còn cả tiêu dùng bởi khi thu nhập của người lao động được cải thiện, tiêu dùng chắc chắn cũng sẽ tốt hơn.

Chỉ số giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp cũng tăng trưởng tới 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ giảm 0,8%. Các chỉ số sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng, trong tháng 6 có tới 56/63 địa phương có chỉ số tăng cao nhưng đến 7 tháng đầu năm có 60/63 có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao.

Sản xuất công nghiệp của nhiều được phương ghi nhận mức tăng trưởng rất cao trong 7 tháng đầu năm. (Nguồn: TCTK).

Theo bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, chỉ có 3/63 địa phương có IIP giảm, thậm chí có một số địa phương IIP tăng rất cao như Khánh Hoà, An Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh cho thấy sự hồi phục của ngành sản xuất.

Với lĩnh vực chế biến, chế tạo cũng tăng rất cao, kéo giảm chỉ số hàng tồn kho so với năm trước. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực cũng có hoạt động sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như ngành thép, dệt may,...

Ngoài ra, tiêu dùng nửa cuối năm còn được hỗ trợ từ những chính sách của Chính phủ nhưng việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT, tăng lương cơ sở từ 1/7 hay đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ nếu được thông qua sẽ là một "cú hích" cho thị trường ô tô.

Theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách, Bộ Công Thương, việc tăng lương cơ sở giúp cải thiện đời sống của người lao động, tăng sức mua và tiêu dùng nội địa, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, điều này có thể gián tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nội địa. Mặt khác, việc tăng lương cơ sở cũng có tác động tăng động lực làm việc. Mức lương cao hơn có thể tạo động lực cho người lao động làm việc hiệu quả hơn, giảm tỷ lệ nghỉ việc và tăng năng suất lao động.

 

 

Hạ An