Nền kinh tế đang bùng nổ nhưng vì sao các sếp doanh nghiệp Mỹ không thể ăn mừng?
Một trời một vực
Trong những ngày này, nền kinh tế Mỹ liên tục đón nhận tin tốt. Trong quý III, tăng trưởng GDP được chuẩn hóa theo năm của Mỹ đạt 4,9%, cao hơn dự báo của các nhà phân tích.
Liên tiếp trong ba mùa báo cáo kết quả kinh doanh gần nhất, các nhà phân tích đã chứng kiến lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tới quý III/2023, lợi nhuận của các công ty đã tăng trở lại. Và theo FactSet, trong số một nửa doanh nghiệp lớn thuộc chỉ số S&P 500 đã công bố báo cáo, 78% đã đánh bại được kỳ vọng của thị trường.
Nhưng bầu không khí trong các cuộc họp công bố kết quả kinh doanh lại không mấy tươi sáng. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không thể thúc đẩy được tâm lý của các nhà đầu tư dù họ mang lại được kết quả tốt. Phản ứng của thị trường đối với các đại gia công nghệ đặc biệt khác thường.
- TIN LIÊN QUAN
-
Cổ phiếu Alphabet có phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ đại dịch 26/10/2023 - 11:52
Alphabet (công ty mẹ của Google) vượt kỳ vọng lợi nhuận của giới phân tích nhưng giá cổ phiếu lại giảm 10% khi các nhà đầu tư thất vọng bởi hoạt động của mảng điện toán đám mây.
Meta, đế chế mạng xã hội của Mark Zuckerberg, ghi nhận doanh thu hàng quý cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, lời cảnh báo của công ty về sự bất ổn của nền kinh tế vĩ mô đã khiến cho giá cổ phiếu không nhận được cú hích nào.
Các ngân hàng thu được lợi nhuận lớn hơn từ mảng cho vay nhờ lãi suất tăng cao. Song, nguy cơ suy thoái và số lượng ít ỏi của các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp đã làm lu mờ thành tựu này trong mắt thị trường.
Những nỗi lo âu
Vì sao tâm lý của các nhà đầu tư lại nặng nề đến vậy? Bất chấp kết quả kinh doanh quý III, giới lãnh đạo doanh nghiệp vẫn canh cánh nỗi lo về sức mạnh của người tiêu dùng.
Morgan Stanley cho biết giới 1/3 doanh thu của giới doanh nghiệp Mỹ đến trực tiếp từ túi của người tiêu dùng. Cho đến nay, người Mỹ có vẻ vẫn đang mua sắm không ngừng nghỉ.
Doanh số bán lẻ tháng 9 tăng 0,7% so với tháng 8. Coca-Cola và PepsiCo đều nâng dự báo lợi nhuận cho những tháng còn lại của năm 2023. Nhưng gần đây tăng trưởng của những công ty này lại đến từ việc tăng giá thay vì tăng số sản phẩm bán ra.
Một số vết rạn nứt khác cũng đã xuất hiện. Theo Bank of America, dữ liệu thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng trong tháng 10 đã sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Hồi đầu tháng, chương trình thanh toán nợ vay sinh viên của chính phủ đã được khôi phục sau ba năm tạm hoãn.
Xét về tổng thể, chi tiêu đang tăng trưởng nhanh hơn thu nhập khả dụng, bào mòn các khoản tiết kiệm. Người tiêu dùng cảm thấy bi quan hơn về tình hình tài chính cá nhân. Đồng thời, các trường hợp quá hạn thanh toán thẻ tín dụng và khoản vay mua ô tô đang gia tăng.
Thực trạng trên khiến các giám đốc doanh nghiệp lo lắng. Hãng vận tải UPS cho biết người tiêu dùng đang giảm mua sắm hàng hóa và tăng chi tiêu cho dịch vụ, ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng lợi nhuận của họ. Mattel, nhà sản xuất đồ chơi sở hữu thương hiệu Barbie, đạt được kết quả kinh doanh tích cực trong quý III nhưng lại đưa ra dự báo ảm đạm cho mùa lễ Giáng sinh.
Trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh của Tesla, CEO Elon Musk than thở về tác động lãi suất cao đối với khả năng mua ô tô của của người tiêu dùng. Kể từ đó, giá cổ phiếu của Tesla đã giảm 15%, xóa sổ hơn 100 tỷ USD vốn hóa thị trường.
Giới doanh nghiệp cũng đang theo dõi sát sao chi phí của họ, đặc biệt là chi phí lao động. Biên lợi nhuận quý III đã được nới rộng nhờ sự hạ nhiệt của lạm phát tiền lương. Tuy nhiên, các cuộc đình công vẫn là rắc rối lớn trong một số bộ phận của nền kinh tế.
Vào ngày 25/10, Nghiệp đoàn Công nhân Ô tô Mỹ (UAW) đã đạt được thỏa thuận với Ford nhằm chấm dứt cuộc đình công và tăng tiền lương cho người lao động.
Nhưng General Motors vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với UAW. Nhà sản xuất xe này cảnh báo rằng cuộc đình công bởi các thành viên UAW sẽ khiến họ thiệt hại 200 triệu USD mỗi tuần. General Motors đã rút lại dự báo lợi nhuận cho năm 2023.
Tuy nhiên, các lãnh đạo doanh nghiệp hầu như không nhắc đến mối nguy dài hạn tới lợi nhuận: lãi suất cao. Trong năm qua, so với các doanh nghiệp nhỏ, số phận của các doanh nghiệp lớn đã rẽ theo hướng khác khi họ hầu như miễn nhiễm trước việc chi phí đi vay tăng vọt.
Bank of America ước tính rằng hơn 75% nợ của các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 được vay với kỳ hạn dài và có lãi suất cố định. Nhưng rồi sẽ đến lúc khối nợ của các doanh nghiệp cần được tái tài trợ ở mức lãi suất cao hơn, khiến biên lợi nhuận bị bóp chặt. Đợt suy thoái lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ có thể đã kết thúc trong quý III, nhưng họ vẫn còn phải đối mặt với nhiều rủi ro phía trước.