|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân mua ròng trở lại gần 550 tỷ đồng khi VN-Index giảm 4 tuần liên tiếp

15:41 | 08/10/2023
Chia sẻ
Trong tuần giao dịch 2 – 6/10, nhà đầu tư cá nhân trở lại mua ròng gần 547 tỷ đồng trên HOSE, trong đó gom ròng 492 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

VN-Index kết tuần giao dịch 2 – 6/10 tại 1.128,54 điểm, giảm 35,61 điểm tương đương 2,22% so với tuần trước. Đây là tuần điều chỉnh thứ 4 liên tiếp của thị trường với mức giảm lũy kế hơn gần 9,1%.

Theo thống kê của FiinTrade, giá trị giao dịch bình quân trên toàn thị trường ở mức 17.144 tỷ đồng, giảm 20,7% so với tuần trước.

Trong tuần cả 3 nhóm chỉ số vốn hóa đều ghi nhận sụt giảm. Nhóm vốn hóa lớn giảm mạnh nhất khi mất 2,3% giá trị so với tuần trước. Cùng với đó, nhóm vốn hóa nhỏ và vừa giảm lần lượt 1,9% và 1,3%.

Kịch bản dòng tiền qua kênh khớp lệnh tại các nhóm nhà đầu tư thay đổi so với tuần trước khi khối ngoại và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán trở lại bán ròng lần lượt 527 tỷ đồng và 325 tỷ đồng. Ngược lại, các cá nhân trong nước quay đầu mua ròng 492 tỷ đồng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

NĐT cá nhân trở lại mua ròng gần 550 tỷ đồng, tâm điểm nhóm ngân hàng

Theo dữ liệu từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước tăng 172.695 đơn vị trong tháng 9. Trong đó, NĐT cá nhân mở mới 172.605 đơn vị và 90 đơn vị đối với tổ chức.

So với tháng 8, số lượng tài khoản cá nhân mở mới giảm 15.560 đơn vị, tương đương với mức giảm 8%. Như vậy, tốc độ tăng số tài khoản đã chững lại sau 4 tháng tăng liên tiếp trước đó (tháng 5 đến tháng 8).

Xét theo nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng được mua ròng 340 tỷ đồng, tiếp tục là giá trị lớn nhất trong tuần. Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng các đại diện thuộc nhóm thực phẩm & đồ uống (271 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (155 tỷ đồng), dầu khí (103 tỷ đồng), công nghệ thông tin (87 tỷ đồng), …

Chiều ngược lại, giao dịch bên bán tập trung ở nhóm dịch vụ tài chính với quy mô 193 tỷ đồng. Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở các ngành bất động sản (136 tỷ đồng), hóa chất (87 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (60 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan ghi nhận giá trị vào ròng hơn 221 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân đối lập với hành vi của khối ngoại.

Cùng chiều, cổ phiếu VPB cũng được mua ròng 146 tỷ đồng. Top 10 mua ròng còn có sự góp mặt của các mã như VCI, FPT, MWG, VIC, POW, VCB, PLX, LPB với quy mô dưới 100 tỷ đồng.

Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở mã SSI với 165 tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu công ty chứng khoán cũng nằm trong danh mục rút ròng như HCM (91 tỷ đồng), VND (47 tỷ đồng), FTS (33 tỷ đồng), BSI (22 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, dòng tiền của các NĐT cá nhân rút ròng khỏi một số cổ phiếu như VRE (126 tỷ đồng), DGC (61 tỷ đồng), PDR (43 tỷ đồng), EIB (38 tỷ đồng), STB (38 tỷ đồng), GVR (35 tỷ đồng), PTB (33 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tổ chức trong nước mua ròng tuần thứ hai liên tục

Giao dịch cùng chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội mua ròng 305 tỷ đồng trên HOSE, trong đó gom ròng khớp lệnh 360 tỷ đồng.

Hoạt động mua ròng diễn ra ở 11/18 ngành, lớn nhất là nhóm bất động sản với 131 tỷ đồng, theo sau lần lượt là nhóm cổ phiếu ngân hàng (122 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (105 tỷ đồng), …

Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước chủ yếu rút khỏi các nhóm ngành như thực phẩm & đồ uống (60 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (57 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (43 tỷ đồng), công nghệ thông tin (37 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tại chiều mua, tổ chức trong nước tập trung vào cổ phiếu HCM với 94 tỷ đồng. Việc tổ chức nội mua ròng cổ phiếu của Chứng khoán HSC diễn ra trong bối cảnh mã này có nhịp giảm hơn 2% trong tuần vừa qua, bất chấp áp lực xả từ phía các NĐT cá nhân.

Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng nhiều cổ phiếu ngành tài chính – ngân hàng như CTG (91 tỷ đồng), MBB (71 tỷ đồng), VIX (58 tỷ đồng), …

Ở phía đối diện, cổ phiếu VNM đứng vị trí số 1 về giá trị xả ròng với hơn 53 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BCG cũng nằm trong top rút ròng với 47 tỷ đồng. Ngoài ra, top 5 cổ phiếu bị bán ròng còn có GAS (40 tỷ đồng), HPG (35 tỷ đồng), FPT (34 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Linh Chi

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.