|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân gom nghìn tỷ đồng cổ phiếu tuần qua

08:15 | 04/12/2023
Chia sẻ
Tuần 27/11 - 1/12, á nhân trong nước có tuần mua ròng thứ 3 liên tiếp với quy mô gần 1.000 tỷ đồng, riêng giao dịch khớp lệnh đạt hơn 797 tỷ đồng.

NĐT cá nhân mua ròng tuần thứ ba liên tục

Thị trường chứng khoán ghi nhận tuần giao dịch giằng co, tích lũy, với những phiên tăng giảm đan xen. Cụ thể, VN-Index mở cửa tuần với phiên giảm điểm nhưng ngay sau đó đã bật nảy trở lại sau khi chạm khu vực hỗ trợ quanh 1.080.

Tuy không có nhiều sự thay đổi về mặt chỉ số trong tuần vừa qua nhưng xu hướng chung của thị trường là phân hóa. Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.102,16 điểm, tăng 6,55 điểm, tương đương với 0,6% so với tuần trước.

Thanh khoản cũng có phần sụt giảm mạnh so với trung bình 20 phiên cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi thị trường vẫn đang có diễn biến giằng co và chưa xác định rõ xu hướng mới. Giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường trong tuần ở mức 15.042 tỷ đồng, giảm 28,9% so với tuần trước và giảm 20,8% so với trung bình 5 tuần gần đây.

Kịch bản dòng tiền tại nhóm nhà đầu tư không có sự thay đổi so với tuần trước khi bộ phận tự doanh công ty chứng khoán và khối ngoại duy trì bán ròng với giá trị lần lượt là 511 tỷ đồng và 707 tỷ đồng. Ngược lại, cá nhân có tuần mua ròng thứ 3 liên tiếp với quy mô gần 1.000 tỷ, tính riêng kênh khớp lệnh là hơn 797 tỷ đồng.

Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân diễn ra tại 9/18 nhóm ngành. Cổ phiếu dịch vụ tài chính vươn lên trở thành ngành được mua ròng mạnh nhất với 396 tỷ đồng, tuần trước đó nhóm này bị rút ròng mạnh nhất với gần 427 tỷ đồng.

Cùng chiều, cổ phiếu ngân hàng cũng được gom ròng gần 369 tỷ đồng. Theo sau, dòng tiền tìm đến nhóm thực phẩm & đồ uống (202 tỷ đồng), bán lẻ (185 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (63 tỷ đồng), …

Giao dịch bên bán tập trung ở nhóm bất động sản với quy mô 165 tỷ đồng. Cổ phiếu địa ốc có tỷ trọng giao dịch giảm từ 26,86% về 24,41%, trong khi đó chỉ số giá ngành tăng 1,4% so với tuần trước.

Bên cạnh đó, ngành xây dựng & vật liệu, hóa chất cũng bị rút ròng hơn 139 tỷ và 109 tỷ đồng. Áp lực bán đến của NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở các nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp, hàng cá nhân & gia dụng, ô tô & phụ tùng, tài nguyên cơ bản, y tế với giá trị thấp hơn.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Thống kê giao dịch chi tiết theo từng mã, cổ phiếu STB dẫn đầu bên mua với giá trị 254 tỷ đồng. Đứng ở vị trí thứ hai trong Top 10 mua ròng là EVF với quy mô 233 tỷ đồng. Cổ phiếu EVF là quán quân tăng giá trên HOSE trong tháng 11 vừa qua với tỷ lệ tăng lên tới 55%.

Ngoài hai mã trên, NĐT cá nhân cũng mua ròng nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, chứng khoán như SSI (117 tỷ đồng), TCB (84 tỷ đồng), VCB (75 tỷ đồng). Dòng tiền cá nhân cũng phân bổ vào các cổ phiếu như VNM (170 tỷ đồng), MSN (134 tỷ đồng), MWG (121 tỷ đồng), PET (104 tỷ đồng), PVD (62 tỷ đồng), …

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu NVL của Novaland bị các các nhân trong nước bán ròng mạnh nhất với giá trị 231 tỷ đồng, bỏ xa các mã còn lại trong danh mục rút ròng của nhóm này. Giao dịch cùng chiều, NĐT cá nhân bán ròng dưới 100 tỷ đồng các mã SAB, NLG, PC1, HAG, PLX, DGC, NKG, FRT, CTR, …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tổ chức trong nước mua ròng gần 220 tỷ đồng

Giao dịch cùng chiều với các NĐT cá nhân, tổ chức trong nước mua ròng gần 218 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhóm này mua ròng hơn 285 tỷ đồng.

Hoạt động mua ròng diễn ra ở 13/18 ngành, lớn nhất là nhóm bất động sản với 212 tỷ đồng. Theo sau là ngân hàng (95 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (58 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (47 tỷ đồng), hóa chất (38 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (29 tỷ đồng), …

Trong khi đó, dòng tiền tổ chức trong nước bán ròng các mã thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính (107 tỷ đồng), dầu khí (94 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (18 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (14 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tại chiều mua, tổ chức trong nước tập trung vào cổ phiếu NVL với 150 tỷ đồng. Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình khác như EIB (42 tỷ đồng), ACB (40 tỷ đồng), PC1 (35 tỷ đồng), STB (24 tỷ đồng), …

Ở phía đối diện, cổ phiếu EVF đứng vị trí số 1 về giá trị xả ròng với hơn 131 tỷ đồng. Bên cạnh đó, PVD cũng nằm trong top rút ròng với 94 tỷ đồng. Ngoài ra, top 5 cổ phiếu bị bán ròng còn có GMD (30 tỷ đồng), TCB (21 tỷ đồng), HSG (16 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Linh Chi