|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân giải ngân mạnh nhất 11 tháng, mã nào được mua bán nhiều nhất?

16:10 | 02/10/2023
Chia sẻ
Trong tháng 9, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục mua ròng 7.853 tỷ đồng trên HOSE, đánh dấu tháng mua ròng mạnh nhất kể từ tháng 10/2022.

NĐT cá nhân tập trung mua ròng nhóm "bank, chứng, thép" và bất động sản

Thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh sâu trong tháng 9, chấm dứt chuỗi 4 tháng tăng liên tiếp. VN-Index chốt tháng ở mức 1.154,15 điểm, giảm 69,9 điểm (5,71%) so với tháng 8.

Áp lực chốt lời từ tổ chức trong nước, khối tự doanh và nhà đầu tư nước ngoài xuất hiện ở hầu hết các ngành chủ chốt như bất động sản, chứng khoán, thép, ngân hàng. Lực cầu đối ứng chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Thống kê từ Fiintrade cho thấy, cán cân giao dịch nghiêng về bên mua với 12/18 nhóm ngành. Trong đó, cổ phiếu tài nguyên cơ bản được nhà đầu tư cá nhân mua ròng mạnh nhất với hơn 1.522 tỷ đồng. Dòng tiền chạy vào cổ phiếu tài nguyên cơ bản trong bối cảnh nhóm giữ giá với tháng trước đó. Tương tự, nhóm bất động sản được gom 1.471 tỷ đồng, kế đến là cổ phiếu ngân hàng (1.396 tỷ đồng) và dịch vụ tài chính (1.207 tỷ đồng).

Chiều ngược lại, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu xây dựng & vật liệu với giá trị 369 tỷ đồng. Nhóm bị rút ròng còn có dầu khí (60 tỷ đồng), y tế (45 tỷ đồng), hóa chất (37 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (34 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận giá trị vào ròng gần 1.418 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân đối lập với hành vi của khối ngoại.

Dòng tiền các cá nhân cũng tìm đến STB với 703 tỷ đồng, SSI (610 tỷ đồng), NVL (521 tỷ đồng), VIC (400 tỷ đồng), VJC (385 tỷ đồng), VPB (370 tỷ đồng). Top 10 mua ròng còn có sự góp mặt của các mã như GEX (368 tỷ đồng), DIG (352 tỷ đồng) và VCI (345 tỷ đồng).

Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở VNM với 579 tỷ đồng. Đây cũng là mã bị rút ròng mạnh nhất trong tháng 8 với quy mô hơn 1.000 tỷ đồng. Các cá nhân rút ròng khỏi một số cổ phiếu như PDR (406 tỷ đồng), DGC (310 tỷ đồng), VCG (229 tỷ đồng) và một số cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán như BSI (201 tỷ đồng), MBB (184 tỷ đồng), EIB (181 tỷ đồng), FTS (173 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tổ chức trong nước đẩy mạnh bán ròng gần 3.300 tỷ đồng

Giao dịch trái chiều với các NĐT cá nhân, tổ chức trong nước bán ròng gần 3.284 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhóm này rút ròng hơn 847 tỷ đồng. Hoạt động bán ròng diễn ra ở 9/18 ngành, lớn nhất là nhóm dịch vụ tài chính với 685 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu bất động sản (500 tỷ đồng), du lịch & giải trí (361 tỷ đồng),

Trong khi đó, dòng tiền tổ chức trong nước mua vào các mã thuộc lĩnh vực xây dựng & vật liệu (213 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (177 tỷ đồng), hóa chất (174 tỷ đồng), ngân hàng (138 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tại chiều mua, tổ chức trong nước tập trung vào cổ phiếu EIB với 196 tỷ đồng. Việc tổ chức nội mua ròng cổ phiếu của Eximbank diễn ra trong bối cảnh mã này có nhịp giảm hơn 30% trong tháng vừa qua, bất chấp áp lực xả từ phía các NĐT cá nhân.

Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình khác như VCG (191 tỷ đồng), PDR (149 tỷ đồng), DGC (146 tỷ đồng), CTG (127 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu VJC đứng vị trí số 1 về giá trị xả ròng với hơn 367 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VIX cũng nằm trong top rút ròng với 346 tỷ đồng. Ngoài ra, top 5 cổ phiếu bị bán ròng còn có DIG (228 tỷ đồng), VPB (192 tỷ đồng) và SSI (186 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Linh Chi