|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân giải ngân gần 2.700 tỷ đồng gom VHM, MSN và MWG

20:15 | 01/11/2023
Chia sẻ
Trong tháng 10, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục mua ròng 2.463 tỷ đồng trên HOSE, trong đó gom qua kênh khớp lệnh gần 2.960 tỷ đồng. Cá nhân trong nước giữ vai trò chủ đạo cân lệnh bán ra cổ phiếu bluechip từ khối ngoại, tập trung các mã VHM, MSN, MWG.

NĐT cá nhân là bên mua ròng duy nhất trong tháng 10

VN-Index khép lại tháng 10 đỏ lửa với tổng mức giảm 125 điểm, tương đương mất gần 11%, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong 13 tháng gần đây. Cùng chiều, HNX-Index và UPCoM-Index cũng giảm lần lượt 12,77% và 8,84%.

Với dòng tiền rút ra do áp lực giải chấp và cắt lỗ, thị trường Việt Nam nằm trong top những quốc gia có chỉ số chứng khoán giảm sâu nhất trên thế giới. Theo quan sát, VN-Index giảm điểm phần lớn là các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 trong khi số lượng cổ phiếu tăng điểm khá ít và đa phần thuộc nhóm vốn hóa nhỏ và vừa.

Xét theo khung thời gian tháng, tỷ trọng phân bổ dòng tiền đạt đỉnh 10 tháng ở ngành chứng khoán, hóa chất, bán lẻ, dầu khí, công nghệ thông ti trong khi giảm về đáy ở ngành ngân hàng, thép và bảo hiểm.

Liên quan đến giao dịch của các nhóm nhà đầu tư, cá nhân trong nước là bên mua ròng duy nhất với quy mô 2.463 tỷ, tính riêng kênh khớp lệnh họ gom ròng gần 2.960 tỷ đồng. Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân chiếm ưu thế khi diễn ra tại 12/18 nhóm ngành. Cổ phiếu bất động sản vươn lên trở thành ngành được mua ròng mạnh nhất với 1.142 tỷ đồng.

Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng các đại diện thuộc nhóm thực phẩm & đồ uống (822 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (493 tỷ đồng), bán lẻ (482 tỷ đồng), công nghệ thông tin (316 tỷ đồng), ngân hàng (241 tỷ đồng).

Giao dịch bên bán vẫn tập trung ở nhóm hóa chất với quy mô 525 tỷ đồng. Cổ phiếu hóa chất có tỷ trọng giao dịch tăng lên 5,83%, trong khi đó chỉ số giá ngành giảm gần 14% so với tháng trước. Bên cạnh đó, ngành hàng & dịch vụ công nghiệp, xây dựng & vật liệu cũng bị rút ròng gần 297 tỷ và 270 tỷ đồng. Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở các ngành bảo hiểm, ô tô & phụ tùng, truyền thông với giá trị thấp hơn.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, cổ phiếu VHM của Công ty cổ phần Vinhomes ghi nhận giá trị vào ròng gần 1.091 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân giữ vai trò chủ đạo cân lệnh bán ra cổ phiếu VHM từ khối ngoại.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VHM đóng cửa phiên 31/10 tại 39.000 đồng/cp, tương đương giá trị vốn hóa thị trường gần 170.000 tỷ đồng. Vốn hóa hiện tại của Vinhomes đang ở mức thấp nhất kể từ khi lên sàn, thấp hơn so với thời điểm tháng 3/2020 do ảnh hưởng của đợt bán tháo trên diện rộng vì lo ngại ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Dòng tiền các cá nhân cũng tìm đến MWG với 841 tỷ đồng, MSN (756 tỷ đồng), VPB (388 tỷ đồng), FPT (340 tỷ đồng), HPG (333 tỷ đồng), VIC (286 tỷ đồng). Top 10 mua ròng còn có sự góp mặt của các mã như DPM (180 tỷ đồng), GAS (177 tỷ đồng), POW (158 tỷ đồng).

Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở DGC với 544 tỷ đồng. Đây cũng thuộc Top3 mã bị rút ròng trong tháng 9 với quy mô hơn 310 tỷ đồng.

Các cá nhân rút ròng khỏi một số cổ phiếu như STB (415 tỷ đồng), FRT (251 tỷ đồng), GMD (220 tỷ đồng), GVR (146 tỷ đồng), GEX (134 tỷ đồng), SZC (128 tỷ đồng), PDR (115 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tổ chức trong nước duy trì bán ròng hơn 270 tỷ đồng

Giao dịch trái chiều với các NĐT cá nhân, tổ chức trong nước bán ròng gần 274 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhóm này rút ròng hơn 614 tỷ đồng. Hoạt động bán ròng diễn ra ở 11/18 ngành, lớn nhất là nhóm bất động sản với 164 tỷ đồng. Theo sau là tài nguyên cơ bản (150 tỷ đồng), công nghệ thông tin (124 tỷ đồng), công nghệ thông tin (124 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (122 tỷ đồng), …

Trong khi đó, dòng tiền tổ chức trong nước mua vào các mã thuộc lĩnh vực ngân hàng (779 tỷ đồng), hóa chất (272 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (192 tỷ đồng), bán lẻ (138 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Tại chiều mua, tổ chức trong nước tập trung vào cổ phiếu STB với 272 tỷ đồng. Việc tổ chức nội mua ròng cổ phiếu của Sacombank diễn ra trong bối cảnh mã này có nhịp giảm 12% trong tháng vừa qua.

Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình khác như GMD (204 tỷ đồng), MBB (182 tỷ đồng), DGC (172 tỷ đồng), GVR (143 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu VPB đứng vị trí số 1 về giá trị xả ròng với hơn 201 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HPG cũng nằm trong top rút ròng với 170 tỷ đồng. Ngoài ra, top 5 cổ phiếu bị bán ròng còn có KBC (120 tỷ đồng), FPT (110 tỷ đồng) và VNM (79 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Linh Chi

Năm 2025: Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng ít nhất 8%, GRDP các địa phương bình quân tăng 8 - 10%
Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đánh giá để đề xuất, xem xét việc kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... hỗ trợ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%.