|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Không chỉ rơi hết thành quả, quỹ ngoại đang đối mặt một vấn đề

15:55 | 01/11/2023
Chia sẻ
Chứng khoán Việt Nam nằm nhóm thị trường giảm mạnh hàng đầu thế giới trong tháng 10. Cú lao dốc khiến nhiều quỹ đầu tư mất hết thành quả có được từ đầu năm.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên trên thị trường Việt Nam khi tháng 10 "đỏ lửa" trở lại sau một năm sự kiện Vạn Thịnh Phát nổ ra. Kết quả, các quỹ có một tháng đầu tư đáng quên.

Đối lập với tinh thần lạc quan của lãnh đạo, quỹ Pyn Elite Fund có hiệu suất âm gần 9,7% trong tháng 10, kém nhất từ tháng 2. Tính đến ngày 30/10, hiệu suất của quỹ đến từ Phần Lan là âm 6%. Nếu tính thêm tỷ lệ mất giá hơn 3% của tiền đồng, hiệu suất âm 9% sau 10 tháng. Việc hai nhóm cổ phiếu tỷ trọng lớn là “họ Vin” và ngân hàng đều giảm sâu trong tháng vừa qua đã tác động tiêu cực lên danh mục quỹ.

Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, ông Petri tỏ ra thất vọng về hiệu suất âm của quỹ. Nhưng như mọi lần khác, vị lãnh đạo này không quên trấn an: “Chúng ta phải nhìn về phía trước mặc dù thật đau lòng khi theo dõi các sự kiện hàng ngày trên thị trường chứng khoán”.

Tồi tệ hơn Pyn Elite Fund, quỹ ngoại JPMorgan Vietnam Opportunities có hiệu suất âm 12,6% trong tháng 10. Sự xuất hiện của VIC, VHM, VRE, MSN trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất đã đưa quỹ ngoại này trở thành cổ chức có hiệu suất thấp nhất trong nhóm quỹ có quy mô trên 100 triệu USD trên thị trường. Song, kết quả này cách biệt không nhiều so với mặt bằng chung của thị trường và các quỹ khác.

Quỹ lớn nhất thị trường thuộc quản lý của Dragon Capital – Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) có hiệu suất -11,86% trong tháng 10 và -0,6% sau 10 tháng. Trước khi ngừng công bố dữ liệu tỷ trọng tiền mặt vào giữa tháng, quỹ ngoại quy mô đầu tư hàng đầu thị trường này có hai tuần duy trì tỷ trọng tiền mặt dưới 1%.

Thành viên khác của Dragon Capital là Vietnam Equity (UCITS) (VEF) cũng có hiệu suất âm sau 10 tháng (-3%). Trạng thái của quỹ Đài Loan CTBC Vietnam Equity Fund có phần tích cực hơn nhưng việc để rơi số lãi 10,5% đã khiến tổ chức này tiếp tục kém hơn chỉ số tham chiếu VN-Index.

Một trường hợp khác cũng rơi hết những gì có được 9 tháng trước là LionGlobal Vietnam Fund (Singapore). Tại ngày 30/10, quỹ có hiệu suất âm 0,17%.

 

Ở nhóm VinaCapital, tình trạng có phần tích cực hơn ở những quỹ quy mô nhỏ. Với VOF, tỷ suất lợi nhuận của quỹ chỉ giảm gần 1% trong tháng 10 do phân bổ khoảng 1/3 danh mục vào cổ phần tư nhân và cổ phiếu chưa niêm yết. Quỹ VEOF giảm hiệu suất 3,5% trong tháng qua, khả quan hơn đa số các quỹ.

VinaCapital VESAF đang có thành tích tốt nhất trong số những tổ chức được thống kê với hơn 21%, cập nhật tới ngày 30/10. Đứng sau đó là VCBF – MGF với hiệu suất 20,7%.

Một quỹ nội xếp thứ 3 về hiệu suất là SSI – SCA với 18,6% sau 10 tháng. Trong khi quỹ thành viên khác của SSIAM là VLGF có hiệu suất thấp hơn.

Không chỉ ghi nhận kết quả đầu tư tồi tệ trong tháng 10, các quỹ ngoại lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề lớn đó là việc nhà đầu tư rút tiền. Theo quan sát, hiện tượng rút quỹ xuất hiện ở một số tổ chức như VEIL, VOF, Vietnam Holding trong một tháng trở lại đây. Quy mô rút thường là vài chục nghìn chứng chỉ quỹ một ngày, nên không tác động lớn đến dòng tiền trên thị trường. Tuy nhiên, vấn đề sẽ trở nên đáng lưu tâm hơn nếu xu hướng kéo dài lâu lơn.

Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng USD liên tục tăng những tháng gần đây, khiến dòng tiền đảo chiều rút khỏi các thị trường mới nổi hay cận biên trong đó có Việt Nam. Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng 7 tháng liên tiếp trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị hơn 16.000 tỷ đồng.

Song, như đã nêu trên, quy mô rút tiền là nhỏ và cần được quan sát thêm. Khi thị trường khởi sắc, VN-Index vươn lên trên mốc 1.200 điểm, nhà đầu tư Đài Loan cũng ồ ạt rút tiền tại Fubon FTSE Vietnam ETF trong tháng 8 và 9.

Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 9, dòng tiền từ quỹ Fubon đã quay trở lại giải ngân vào Việt Nam. Kịch bản này được kỳ vọng sẽ lặp lại khi thị trường trở về vùng định giá hấp dẫn, tương đồng giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023.

Hoàng Linh