|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhiều bluechip rơi về vùng đáy lịch sử, chuyện gì đang xảy ra?

10:00 | 01/11/2023
Chia sẻ
Chứng khoán Việt Nam trải qua tháng 10 tồi tệ với mức giảm cao nhất một năm, gần 11%. Thị trường sắp trở lại vạch xuất phát đầu năm, nhiều bluechip cũng giao dịch ở vùng đáy lịch sử.

Hiệu suất theo tháng của VN-Index. Nguồn: Yuanta Việt Nam.

VN-Index chỉ còn tăng hơn 2% so với đầu năm, tính đến ngày 31/10. Chỉ số lùi lại gần mốc 1.000 điểm khiến một lần nữa nhà đầu tư đặt câu hỏi chứng khoán Việt Nam “không lớn”?

Quan sát thấy tác nhân chính khiến chứng khoán giảm sâu tháng 10 đến từ giao dịch tiêu cực của cổ phiếu “họ Vin” xoay quanh thông tin Vingroup phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu Masan Group sau tin đồn SK (Hàn Quốc) thoái vốn tại nhà sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam.

Mã VHM đã trở về vùng thấp nhất kể từ khi lên sàn, thiết lập vào cuối quý đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 nổ ra. Thời điểm đó, VN-Index tạo đáy quanh 650 điểm, thấp hơn gần 400 điểm so với hiện tại. VRE cũng có chung kịch bản với VHM.

Kém tích cực hơn, giá cổ phiếu VIC của Vingroup thấp nhất kể từ tháng 9/2017 khi tập đoàn khởi công tổ hợp nhà máy ô tô VinFast ở Hải Phòng. Thông tin Vinhomes báo lãi 32.000 tỷ đồng sau 9 tháng hay Vingroup đạt doanh thu kỷ lục chưa thể giúp cổ phiếu “họ Vin” có nhịp hồi phục.

Trong diễn biến khác, với việc để mất gần ¼ giá trị trong tháng 10, mã MSN trở về vùng đáy 3 năm, đang cao hơn khoảng mức giá ghi nhận cuối quý I/2020 khoảng 30%. Để trấn an nhà đầu tư, mới đây Masan Group cũng lên tiếng về khả năng gắn bó của SK Group (Hàn Quốc) và thông tin về thương vụ huy động vốn từ một quỹ đến từ Mỹ.

Cũng tại ngành F&B, khi đại dịch Covid-19 nổ ra đầu năm 2020, người dân lo ngại biện pháp cách ly ảnh hưởng đến đời sống, du lịch kéo theo nhu cầu bia đi xuống cộng với sự hỗn loạn thị trường chứng khoán đã kiến cổ phiếu nhà sản xuất bia thị phần thứ hai Việt Nam – Sabeco tạo vùng đáy mới. Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh kỳ vọng nền kinh tế hồi phục trở lại, SAB một lần nữa trở về vùng giá thấp nhất lịch sử cùng với thanh khoản cao kỷ lục.

Ở đại điện ngành bán lẻ - MWG, cú giảm giá trong tháng 10 đã xóa đi toàn bộ thành quả của nhịp tăng trong quý II. Tương tự SAB, khối lượng giao dịch MWG duy trì ở vùng cao trong tháng thứ ba, tương đồng mức cao nhất kể từ khi niêm yết ghi nhận trong tháng 8.

Từ chỗ là một trong những cổ phiếu ưu thích nhất của khối ngoại, việc bán ròng liên tiếp khiến MWG luôn trong trạng thái hở “room” ngoại ba tháng gần đây. Đầu tháng 8, quỹ Arisaig Asia Fund liên tục bán ra MWG và không còn là cổ đông lớn của Đầu tư Thế giới Di động. Trước đó, tổ chức ngoại này liên tục mua gom trong giai đoạn 2020 – 2021 với mức giá cao hơn có thể ở mức 40% so với thị giá trên sàn.

Nhiều bluechip đang trở về vùng giá khi VN-Index tạo đáy quanh 650 điểm cuối quý I/2020, thậm chí rơi xuống mức thấp hơn. Nguồn: TradingView.

Với tâm lý giao dịch tiêu cực của thị trường, hiện tượng cổ phiếu trên đà rơi về vùng đáy còn xuất hiện ở những mã vốn hóa như BVH, PLX, NVL. Nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất Việt Nam – Petrolimex báo lãi tăng đột biến quý III do mức nền thấp năm ngoái, nhưng cổ phiếu PLX vẫn không ngừng giảm.

Nhóm ngành thể hiện sự tích cực nhất 9 tháng đầu năm là chứng khoán cũng cho tín hiệu suy yếu. Cây nến giảm trong tháng 10 đã bao phủ toàn bộ mức tăng của những tháng trước đó. Sự suy giảm về thanh khoản cộng với triển vọng kém tích cực cho hoạt động tự doanh, cho vay margin khiến cổ phiếu chứng khoán giảm sàn những phiên giao dịch gần đây.

Một điểm lưu tâm, trạng thái tiêu cực đang lan tỏa sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường và chiếm số lượng nhiều nhất rổ VN30 là ngân hàng. Nhiều mã có mức giảm trên 10% trong tháng như TCB, CTG, BID, STB, MSB.

Quan sát trong quý vừa qua, nhiều tổ chức tín dụng đã báo cáo lợi nhuận sụt giảm sâu so với cùng kỳ như TPBank, VPBank, Techcombank, SHB, Eximbank. Mức giảm ghi nhận ở ngân hàng quy mô nhỏ sâu hơn, trên 60% như VietABank, BacABank, VietBank, PGBank, BaoVietBank. Ngân hàng An Bình và Quốc dân báo lỗ.

Tình hình kinh doanh không mấy sáng cửa của nhóm ngân hàng là bức tranh chung của các doanh nghiệp trong quý III. Với kết quả kinh doanh kém sắc, thị trường sẽ định giá lại với mức P/E hay P/B cao hơn. Đây là có thể lý do khiến dòng tiền tổ chức hành động giai đoạn vừa qua.

Trạng thái rút ròng của khối ngoại tiếp diễn trong tháng 10, kéo dài chuỗi 7 tháng với tổng giá trị hơn 16.300 tỷ đồng. Lực rút trên cả kênh cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Giá trị vào ròng trở lại gần 1.000 tỷ đồng của quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF không đủ gồng đỡ thị trường.

Dòng tiền từ nội khối dè dặt trong khi nhà đầu tư ngoại duy trì áp lực bán tạo áp lực lớn lên giá cổ phiếu, tâm điểm là các bluechip. Bởi mã vốn hóa lớn được nắm giữ tỷ trọng cao trong danh mục của các tổ chức nước ngoài.

Bối cảnh DXY – chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD chưa có dấu hiệu đảo chiều, tác nhân khiến dòng tiền ngoại rút ra này vẫn là mối lo hiện hữu của chứng khoán Việt Nam giai đoạn tới.

Hoàng Linh