Khối ngoại bán ròng khớp lệnh hơn 4.000 tỷ đồng trong tháng 10
VN-Index đóng cửa tháng 10 tại 1.028,19 điểm, giảm 125,96 điểm, tương đương gần 11% so với cuối tháng 9. Giá trị giao dịch bình quân ngày trên toàn thị trường đạt 15.472 tỷ đồng, giảm 36,7%.
Đây là mức giảm điểm mạnh nhất theo tháng của VN-Index trong 13 tháng gần đây. Chỉ số chính sàn HOSE đã giảm hơn 17% kể từ khi tiệm cận vùng đỉnh 1 năm vào ngày 11/9, nhưng thanh khoản ghi nhận mức giảm mạnh hơn khi quy mô giao dịch của nhà đầu tư cá nhân và khối ngoại cùng kém đi ở cả chiều mua và bán.
Điều này cho thấy mức giảm dường như vẫn chưa đủ hấp dẫn dòng tiền trên thị trường quay trở lại và tâm lý của nhà đầu tư càng thận trọng hơn.
Khối ngoại bán ròng tháng thứ 7 liên tục trên HOSE
Trong tháng 10, NĐT nước ngoài bán ròng 2.724 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ xả ròng 4.033 tỷ đồng.
Trong đó, khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động với quy mô 950,9 tỷ đồng. Giao dịch rút vốn gần đây của khối ngoại khiến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại MWG giảm rõ rệt, từ mức tối đa 49% đã giảm về ngưỡng 46,91%. Đây là một điều khá bất ngờ bởi trong quá khứ MWG là cổ phiếu rất được nhà đầu tư nước ngoài ưa thích.
Vừa qua, cổ phiếu của ông lớn ngành bán lẻ chứng kiến nhịp giảm gần 30% về 37.700 đồng/cp trong tháng 10. Trong phiên 31/10, MWG giảm sàn trắng bên mua, rơi xuống vùng giá thấp nhất kể từ cuối tháng 12/2020.
Về tình hình kinh doanh, MWG ghi nhận lãi sau thuế quý III gần 39 tỷ đồng, chỉ bằng 4,3% cùng kỳ năm ngoái. Dù con số lợi nhuận đã có cải thiện so với hai quý đầu năm nhưng vẫn ở mức rất thấp so với giai đoạn trước đó.
Luỹ kế 9 tháng, MWG ghi nhận 86.858 tỷ doanh thu thuần, lãi sau thuế 78 tỷ; giảm lần lượt 16% và gần 98% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2023, công ty lên kế hoạch doanh thu thuần 135.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.200 tỷ đồng, lần lượt tăng nhẹ ở mức 1% và 2% so với kết quả thực hiện năm 2022. Như vậy, sau ba quý, doanh nghiệp mới đạt 64% chỉ tiêu doanh thu và chưa tới 2% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại MWG có xu hướng giảm trong bối cảnh dòng vốn ngoại đang có xu hướng bán ròng trên thị trường chung.
Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, FUEVFVND và E1VFVN30 bị rút ròng lần lượt 702,7 tỷ và 242,1 tỷ đồng.
Các đại diện còn lại trong danh mục bán ròng cũng gọi tên nhiều mã vốn hóa lớn như MSN (639,2 tỷ đồng), VPB (553,2 tỷ đồng), VIC (393,4 tỷ đồng), POW (200,8 tỷ đồng), HDB (196,2 tỷ đồng), …
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu STB của Sacombank được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị 709,3 tỷ đồng trong tháng 10.
Đứng ở vị trí thứ hai trong Top10 là mã DGC của Hóa chất Đức Giang với quy mô 606 tỷ đồng. Ở nhóm bất động sản, VHM, DXG và PDR cũng được dòng tiền ngoại giải ngân ròng 95 – 346 tỷ đồng.
Kế đó, dòng tiền ngoại còn tìm đến nhiều đại diện thuộc nhóm công nghệ, dầu khí, chứng khoán, bán lẻ, điện như FPT (135,5 tỷ đồng), PVD (129,1 tỷ đồng), BSI (109,6 tỷ đồng), DGW (108,9 tỷ đồng), GEX (96,7 tỷ đồng).
Dòng tiền ngoại duy trì mua ròng hơn 340 tỷ đồng trên HNX
Giao dịch trái chiều, NĐT nước ngoài tiếp tục mua ròng gần 343 tỷ đồng trên sàn HNX trong tháng 10.
Trong đó, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO - Công ty Cổ phần với quy mô 402,8 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại cũng tích cực tìm đến các mã PVS (161,2 tỷ đồng), TIG (15,7 tỷ đồng), BVS (14,5 tỷ đồng), SLS (4,9 tỷ đồng)
Ở chiều ngược lại, giao dịch rút ròng chủ yếu tập trung ở cổ phiếu SHS với quy mô 173,8 tỷ đồng. Đây cũng là mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong tháng trước đó.
Những cổ phiếu kế đó lần lượt bị rút vốn là PSI (77,6 tỷ đồng), NVB (10,8 tỷ đồng), MBS (4,8 tỷ đồng), DTD (4,1 tỷ đồng), …
NĐT ngoại mua ròng gần 100 tỷ đồng trên UPCoM, tâm điểm BSR
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại quay đầu mua ròng gần 100 tỷ đồng. Thống kê cụ thể, cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn được NĐT nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị 143,1 tỷ đồng, bỏ xa các giao dịch giải ngân theo sau là QNS (57,3 tỷ đồng), MCH (24,4 tỷ đồng), GHC (3,7 tỷ đồng), VTP (2,5 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP là vẫn tâm điểm bán ròng với gần 80,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ACV và ABI lần lượt bị rút ròng với giá trị 15 tỷ và 12,4 tỷ đồng. Những mã khác trên UPCoM bị bán ròng dưới 10 tỷ đồng gồm MPC, PAT, GDA, VOC, QTP, GEE, LTG, …