|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân bán ròng hơn 1.600 tỷ đồng trước áp lực lao dốc của thị trường

07:53 | 19/07/2021
Chia sẻ
Trong tuần VN-Index tiếp tục lao dốc (12 - 16/7), NĐT cá nhân tiếp tục bán ròng mạnh 1.625 tỷ đồng trên sàn HOSE. Tâm điểm bán ròng là cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính và thép (SSI, HPG).

VN-Index lao dốc, NĐT cá nhân bán ròng tuần thứ 2 liên tiếp

Trải qua tuần đỏ lửa với 4 phiên giảm điểm và 1 phiên phục hồi, VN-Index mất đi 47,83 điểm (tương đương 3,55%) dừng lại ở mức 1.299,31 điểm. Chỉ số sàn HNX tăng nhẹ 1,03 điểm (0,33%) lên 307,76 điểm, còn UPCoM-Index đóng cửa tuần ở 85,33 điểm, giảm 2%.

Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HOSE đạt 19.421 tỷ đồng, giảm mạnh 23,59% so với tuần trước đó. Thanh khoản thị trường giảm đáng kể được cho là do thông tin diễn biến dịch COVID-19 phức tạp trở lại cộng với tâm lý e ngại của nhà đầu tư sau hai tuần lao dốc của thị trường.

NĐT cá nhân bán ròng hơn 1.600 tỷ đồng trước áp lực điều chỉnh của thị trường - Ảnh 1.

NĐT cá nhân là bên bán ròng mạnh nhất tuần 12 - 16/7. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Trong tuần qua, khối ngoại duy trì vị thế mua ròng trong những phiên thị trường điều chỉnh. Cụ thể, nhóm này ngược dòng mua ròng 2.230 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên sàn HOSE, tiếp tục là bên mua ròng mạnh nhất dù giá trị mua ròng giảm 15,8% so với tuần trước. Cùng chiều, các tổ chức trong nước cũng chuyển mua ròng nhẹ 93 tỷ đồng. 

Chiều giao dịch ngược lại, nhóm tự doanh trở lại bán ròng 698 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Tâm điểm trong phiên đáo hạn phái sinh (15/7), giá trị bán ròng của khối tự doanh đạt gần 750 tỷ đồng. Đối lập với giao dịch khối ngoại, NĐT cá nhân là bên xả ròng mạnh nhất trong tuần. Cụ thể, họ xả ròng 1.625 tỷ đồng, bán ròng hàng loạt cổ phiếu bluechip trước những nhịp chỉnh mạnh của thị trường. 

Bán ròng mạnh nhất cổ phiếu chứng khoán và thép

Thống kê giao dịch theo ngành, hoạt động bán ròng diễn ra tại 11/18 nhóm ngành. Trong đó, lực xả ròng được ghi nhận mạnh nhất tại nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính. Theo ghi nhận, đây là nhóm ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index sau nhịp hồi tuần qua. 

Dòng tiền NĐT cá nhân tiếp tục đà xả ròng nhiều cổ phiếu tài nguyên cơ bản (thép) và thực phẩm đồ uống. Giá trị bán ròng tại hai nhóm này lần lượt đạt 364 tỷ đồng và 256,5 tỷ đồng.

NĐT cá nhân bán ròng hơn 1.600 tỷ đồng trước áp lực điều chỉnh của thị trường - Ảnh 2.

NĐT cá nhân rút ròng mạnh nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, thép. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Tại chiều mua ròng, các cá nhân giải ngân vào một số cổ phiếu ngành bán lẻ, công nghệ thông tin, ngân hàng...với giá trị mua ròng dưới 100 tỷ đồng. 

Tâm điểm bán ròng: SSI, HPG, VHM

Cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI bất ngờ dẫn đầu chiều bán khi bị bán ròng 488 tỷ đồng trong tuần 12 - 16/7. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch cổ phiếu SSI bùng nổ đạt 23,9 triệu đơn vị trong phiên đầu tuần giảm kịch sàn. SSI đóng cửa tuần giao dịch ở 52.800 đồng/cp, hồi phục 6,67% so với phiên đầu tuần. 

Dòng tiền rút mạnh khỏi HPG của Hòa Phát với giá trị 390,7 tỷ đồng. Đặc biệt, trong phiên VN-Index cắm đầu lao dốc ngày 12/7, HPG là mã hiếm hoi thoát sàn với khối lượng khớp lệnh lập đỉnh mới 75,5 triệu đơn vị, ứng với giá trị mua bán kỷ lục 3.372 tỷ đồng. 

Theo sau, VHM tiếp tục bị bán ròng 240,6 tỷ đồng. Tuy vậy, lực xả đã giảm 68% so với mức 746,6 tỷ đồng của tuần trước. Đây là tuần thứ ba liên tiếp VHM bị NĐT cá nhân bán ròng, đưa giá trị xả ròng lũy kế kể từ đầu tháng 7 lên mức gần 1.500 tỷ đồng.

NĐT cá nhân bán ròng hơn 1.600 tỷ đồng trước áp lực điều chỉnh của thị trường - Ảnh 3.

Tâm điểm bán ròng SSI, HPG, VHM. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Cùng chiều, một số đại diện nhóm ngân hàng ghi nhận lực bán ròng là STB (120,4 tỷ đồng), VPB (116,2 tỷ đồng), theo sau là HDB (88,4 tỷ đồng). 

Các cá nhân tiếp tục rút vốn khỏi hai ông lớn VNM (83,1 tỷ đồng) và MSN (77 tỷ đồng) của nhóm thực phẩm và đồ uống. Một số cổ phiếu ghi nhận giao dịch cùng chiều là GEX (101,7 tỷ đồng), KDH (76,9 tỷ đồng).

Mặc dù liên tiếp bán ròng VHM, các cá nhân trong nước lại mua ròng 220,2 tỷ đồng cổ phiếu VIC của Vingroup. Dòng tiền cũng tìm đến hai cổ phiếu bluechip khác là VCB (181 tỷ đồng) và CTG (162,8 tỷ đồng). Đây là nhóm duy nhất được mua ròng trên 100 tỷ đồng tuần qua. 

Ngoài hai cổ phiếu ngân hàng quốc doanh, NĐT cá nhân còn mua ròng SSB của SeABank (81,3 tỷ đồng), theo sau là TCB (55,3 tỷ đồng), MSB (45,7 tỷ đồng). Cùng chiều, họ mua ròng nhẹ các mã VCI (60,1 tỷ đồng), PDR (54,3 tỷ đồng), MWG (40,5 tỷ đồng) và NKG (39,5 tỷ đồng).

Thảo Bùi

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.