|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Nâng tỷ lệ nội địa hóa để cạnh tranh xe ngoại

07:49 | 15/05/2017
Chia sẻ
Trước cơn bão xe nhập khẩu từ ASEAN, các doanh nghiệp ô tô trong nước cho biết sẽ quyết tâm nâng tỷ lệ nội địa hóa để giành thị phần trước ô tô nhập khẩu.

Hàng loạt doanh nghiệp liên doanh chuyển hướng

Theo các chuyên gia về ngành công nghiệp ô tô, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp này tại Việt Nam phụ thuộc 3 yếu tố: Quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người, số xe trung bình/1.000 dân. Xét theo các yếu tố này, hiện nay trong khối ASEAN, Indonesia, Philippines và Việt Nam là những nước được đánh giá có tiềm năng lớn nhất. Malaysia đã ở giai đoạn bão hòa, còn Thái Lan sắp bước vào giai đoạn này với 250 xe/1.000 dân.

Thực tế thống kê Hải quan cho thấy, từ năm 2014 trở lại đây, lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN, chủ yếu của Thái Lan và Indonesia về Việt Nam tăng dần cả về số lượng và giá trị. Riêng 3 tháng đầu năm 2017, có tới 7.893 ôtô được nhập khẩu (NK) từ ASEAN về Việt Nam, chiếm 46% tổng số xe được NK, tăng 400% so với cùng kỳ năm 2015. Năm 2017, thuế NK ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam giảm còn 30% và về 0% đầu năm 2018. Do vậy, theo nhận định của Bộ Công Thương, sau năm 2018 xe con NK từ khu vực này vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng. Nếu ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước không được phát triển thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng nước ngoài.

Để cạnh tranh với xe NK từ ASEAN, nhà liên doanh sản xuất ô tô lớn nhất, lâu nhất tại Việt Nam là Cty Toyota Việt Nam (TMV) đã phải thu hẹp số lượng xe sản xuất, tăng NK xe nguyên chiếc.

20 năm đầu tư vào Việt Nam, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng TMV vẫn chỉ đạt được tỉ lệ nội địa hóa ở mức trung bình 7% (trừ dòng xe Innova), không có kế hoạch đầu tư gì thêm vào sản xuất ô tô trong thời gian tới. Sau Fortuner sẽ đến lượt các dòng xe Innova và Corolla Altis được ưu tiên đưa vào danh sách NK nguyên chiếc từ nước khác trong khối ASEAN vào Việt Nam trong thời gian tới đây. Các nhà liên doanh khác như Ford Việt Nam, Honda Việt Nam, GM Việt Nam cũng chuyển dần sang NK và không có kế hoạch đầu tư hay mở rộng sản xuất gì tại Việt Nam trong năm 2017 và 2 năm tiếp theo.

nang ty le noi dia hoa de canh tranh xe ngoai
Dây chuyền sản xuất xe ô tô của Hyundai Thành Công tại nhà máy ở Ninh Bình. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Quyết tâm xuất khẩu

Theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công (HTC), thuế NK giảm mạnh, đặc biệt là từ khối ASEAN đã gây sức ép cạnh tranh khốc liệt đến các DN trong nước. Tuy nhiên, các tập đoàn chưa có cơ sở sản xuất ở ASEAN sẽ phải đấu tranh giữa sản xuất hay NK. Lúc này, thị trường Việt Nam trở thành điểm nhấn, vì Thái Lan, Malaysia đã bão hoà. Do vậy, các tập đoàn, thương hiệu vẫn có đối sách ngắn hạn và lâu dài cho Việt Nam cũng như ASEAN. Ở Việt Nam, Vinaxuki cũng có tình yêu với ngành ô tô, HTC và Cty CP ô tô Trường Hải (Thaco) cũng vậy nhưng cách đi khác nhau.

Đầu tháng 3/2017, Thaco cũng đã chính thức khởi công nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động tháng 4/2018. Cuối tháng 3, HTC chính thức ký kết thoả thuận hợp tác với Tập đoàn Hyundai Motor Hàn Quốc trong việc liên doanh, mở rộng sản xuất lắp ráp xe du lịch Hyundai tại Việt Nam. Theo đó, HTC sẽ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, lắp ráp tại nhà máy ở Ninh Bình, vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 10.600 tỷ đồng. Mục tiêu của liên doanh này là chuyển dịch tăng tỷ trọng từ 20% xe lắp ráp trong nước (CKD) của HTC lên khoảng 70-80% ngay trong năm 2017 và tiếp tục tăng lên trên 90% vào năm 2018.

Trong khi đó, với việc bắt tay với 2 tập đoàn lớn Mazda (Nhật Bản) và Hyundai (Hàn Quốc), cả Thaco và HTC đạt được thỏa thuận về số lượng sản phẩm lắp ráp, bản quyền sản phẩm, chuyển giao công nghệ với những dây chuyền hiện đại, cũng như cam kết về tỉ lệ nội địa hóa ở mức trên 40%. Điều này cho phép các DN phát triển mở rộng sản xuất phụ tùng linh kiện trong nước và xuất khẩu sản phẩm đi các nước trong khu vực Đông Nam Á và được hưởng thuế ưu đãi 0% vào năm 2018.

Theo ông Đức, cái khó nhất nhưng đã làm được là tạo dựng thị trường, niềm tin, ủy quyền của đối tác. Đối với Thaco là Mazda, HTC là Hyundai. Vấn đề còn lại là chính sách, góc nhìn chuyên môn, giải pháp của Chính phủ. Ông Đức cho biết, công nghiệp ô tô thế giới, không riêng gì Việt Nam, cần “bảo hộ” của Chính phủ. Không có “bảo hộ” của Chính phủ thì không có ngành ô tô. Chính vì vậy, ông đề nghị thời gian tới Nhà nước cần rà soát toàn bộ thuế phí cho ngành ô tô hiện nay, đặc biệt là đối với linh kiện ô tô nguyên chiếc. “Có cần thiết duy trì mức nhập khẩu linh kiện cao hơn so với nhập xe nguyên chiếc. Không ai đầu tư sản xuất khi thuế linh kiện cao hơn so với nhập khẩu”, ông Đức bày tỏ.

Để cạnh tranh với xe nhập khẩu từ ASEAN, nhà liên doanh sản xuất ô tô lớn nhất, lâu nhất tại Việt Nam là Cty Toyota Việt Nam (TMV) đã phải thu hẹp số lượng xe sản xuất, tăng nhập khẩu xe nguyên chiếc.

Tuấn Nguyễn

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.