|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Năng suất lao động nhiều ngành của Việt Nam thua Campuchia

13:38 | 08/05/2018
Chia sẻ
"Nếu so sánh quốc tế, năng suất lao động ở tất cả các ngành của Việt Nam không cao hơn bất kỳ nước ASEAN nào cả, thậm chí một số ngành còn thấp hơn Campuchia".

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), năng suất lao động bình quân của Việt Nam đang tăng trưởng tốt. Cụ thể, năng suất lao động bình quân Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động trong năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017.

Mặc dù duy trì được tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tương đối cao nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp so với năng suất lao động bình quân của các nhóm nước phân chia theo thu nhập trong khu vực. Năm 2017, năng suất lao động Việt Nam gấp 2 lần so với nhóm nước thu nhập thấp nhưng chỉ bằng 50% nhóm nước thu nhập trung bình thấp và bằng 18,3% nhóm các nước trung bình cao.

nang suat lao dong nhieu nganh cua viet nam xep sau campuchia
Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), sự sụt giảm năng suất lao động chính là nguyên nhân làm giảm sút tăng trưởng GDP của Việt Nam từ sau năm 2005 đến năm 2013.

Năng suất ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thấp nhất, công nghiệp chế biến chế tạo cũng không cao. PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho rằng: “Thực ra nếu so sánh quốc tế, năng suất ở tất cả các ngành của Việt Nam không cao hơn bất kỳ nước ASEAN nào cả, thậm chí một số ngành còn thấp hơn Campuchia”.

Tính trong năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất, xếp sau Campuchia cả 3 ngành quan trọng nhất của nền kinh tế: công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng và vận tải, kho bãi.

Đối với ngành nông nghiệp, điện, nước, khí đốt, bán buôn, bán lẻ và sửa chữa, năng suất lao động của Việt Nam thấp thứ hai, chỉ cao hơn Campuchia.

Ngược lại, Việt Nam có năng suất lao động cao hơn một số nước trong ba nhóm ngành: khai mỏ và khai khoáng, tài chính, bất động sản và dịch vụ văn phòng, dịch vụ cộng đồng, xã hội, cá nhân.

Theo ông Khương, yếu tố năng suất nội ngành rất quan trọng trong khi mọi người chỉ nhìn vào yếu tố sản lượng. Nếu nhìn vào chỉ số lượng của một số ngành như nuôi heo, sản xuất lương thực, cây công nghiệp thì những chỉ số này tăng rất cao, tuy nhiên giá trị lại thấp hơn lượng. Trong khi đó, các nước khác chỉ số lượng và giá trị tương đương với nhau.

Ông Thành còn nhấn mạnh một vấn đề đáng lo ngại hiện nay là lương đang tăng nhanh hơn năng suất. Điều này sẽ làm “ăn mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết tiền lương phải căn cứ theo năng suất lao động. VÌ vậy, điều căn cơ nhất là giải quyết vấn đề năng suất lao động. Nhất là khu vực công khi năng suất lao động chưa cao trong khi chế độ tiền lương bất cập dẫn đến đội ngũ lao động lớn.

Đức Quỳnh