Năng lượng tái tạo có thể vượt qua than trở thành nguồn điện lớn nhất Việt Nam vào 2030
Ảnh: Reuters.
Với dân số gần 100 triệu người và tăng trưởng GDP hàng nănm đạt khoảng 7%, Việt Nam dự báo công suất điện sẽ cần tăng từ khoảng 47.000 MW ở thời điểm hiện tại lên 60.000 MW vào 2020 và 129.500 MW năm 2030.
Để đạt được những mục tiêu trên, tổng công suất lắp đặt thêm của Việt Nam sẽ nhiều hơn quốc gia láng giếng Thái Lan vào năm 2025 và ngành điện Việt Nam có thể lớn hơn của Anh vào giữa những năm 2020.
"Việt Nam là một câu chuyện tăng trưởng lớn đối với ngành than đá. Nhu cầu than đá sẽ rất lớn", ông Pat Markey, Giám đốc công ty tư vấn năng lượng Sierra Vista Resources, cho biết.
Một khi phụ thuộc lớn vào thuỷ điện, trung tâm sản xuất cho các công ty toàn cầu, như Samsung Electronics, đã chuyển sang nguyên liệu rẻ nhưng ô nhiễm - than - để thúc đẩy sản xuất điện.
Trong 5 năm tính đến 2017, sử dụng than đá của Việt Nam tăng 75%, ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh hơn bất kì quốc gia nào trên thế giới, theo một nghiên cứu từ The Ash Center (Harvard Kennedy School) về Việt Nam.
Kế hoạch Phát triển Năng lượng (PDP 7) hiện tại của Việt Nam đưa than đá lên vị trí hàng đầu để đáp ứng nhu cầu mới.
Trong khi việc sản xuất điện dự kiến tăng gấp đôi, PDP 7 dự báo công suất phát điện đốt than sẽ tăng nhanh cho tới năm 2030, với thị phần năng lượng tăng từ 33% lên 56%.
Tuy nhiên, một sự thay đổi về quan điểm bắt đầu vào năm 2016 với phiên bản sửa đổi của PDP 7 đã chuyển hướng sang năng lượng tái tạo giá rẻ, và các nhà phân tích dự đoán PDP 8, dự kiến ban hành vào cuối năm nay, sẽ điều chỉnh chính sách hơn nữa.
"Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn điện truyền thống, bảo vệ môi trường", Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết trong một tuyên bố được đăng trên trang web của Bộ hồi đầu tháng 5.
Công suất sản xuất điện của Việt Nam. Đơn vị: MW
Cánh cửa năng lượng tái tạo
Đối mặt với tình trạng ô nhiễm gia tăng nhanh chóng, Bộ Công Thương đã bắt đầu đưa ra các ưu đãi cho năng lượng tái tạo, dù tính đến thời điểm hiện tại chỉ đóng vai trò nhỏ trong ngành năng lượng Việt Nam.
Theo bản dự thảo luật dự kiến công bố vào tháng 6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhà phân phối toàn bộ điện năng trên đất nước, sẽ trả cho các dự án năng lượng mặt trời 6,67 - 10,87 US cent/kWh.
"Có mối quan tâm rất lớn đối với năng lượng mặt trời vì giá bán điện năng (feed-in-tariff) cao", ông Dieter Billen từ công ty tư vấn Roland Berger cho biết.
Một trong những nhà phát triển đầu tiên vào ngành năng lượng mặt trời Việt Nam là Gulf Energy từ Thái Lan. Năm 2019, công ty này đã tham gia một số dự án dài hạn, được hưởng lợi từ giá bán điện năng.
Ông Billen cho biết thêm mối quan tâm đối với năng lượng gió cũng ngày càng tăng nhờ vào giá điện hấp dẫn ở mức 8,5 US cent/kWh đối với trên bờ và 9,8 US cent/kWh đối với các cơ sở ngoài khơi.
Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) sẽ tổ chức các cuộc họp tại Hà Nội vào tháng tới, khi cơ quan này muốn thúc đẩy tăng trưởng ở một thị trường mới.
Nếu chính sách của chính phủ tiếp tục hỗ trợ để năng lượng tái tạo, gió và mặt trời trở nên rẻ hơn và tốt hơn, ông Billen nhận định năng lượng tái tạo thậm chí có thể vượt qua than trở thành nguồn điện lớn nhất Việt Nam vào năm 2030.
Nhập khẩu than nhiệt và dầu thô của Việt Nam tăng vọt vì tiêu thụ bùng nổ trong khi dự trữ trong nước giảm.
Than đá vẫn là "vua"
Tuy nhiên, dù kế hoạch dài hạn theo PDP 8 là gì, Việt Nam vẫn cần sửa chữa nhanh để đáp ứng nhu cầu gia tăng nhanh chóng.
"Việt Nam đang trong quá trình tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, vì vậy họ sẽ cần tăng công suất điện nhanh nhất có thể với chi phí ở mức có thể quản lý được", ông Markey của Sierra Vista. Ông đã thấy các dự án trong kế hoạch bổ sung thêm 2,7 GW công suất điện đốt than vào năm 2020 cho nhà máy 15 GW hiện tại.
Tiêu thụ điện năng đạt mức kỉ lục 36.000 MW trong tháng 4, gần với công suất tối đa, theo dữ liệu của chính phủ.
Ngân hàng Thế giới cho biết Việt Nam cần đầu tư tới 150 tỉ USD vào năm 2030, gần gấp đôi 80 tỉ USD đã chi cho ngành điện kể từ năm 2010.
Trong khi Việt Nam có thể gặp khó khăn trong việc tài trợ cho sự tăng trưởng năng lượng cần thiết và tham nhũng vẫn là một vấn đề của đất nước, các doanh nghiệp lo ngại khi tham gia vào thị trường, theo Reuters.
Tháng 4, Siemens, một trong những nhà sản xuất tuabin điện chạy bằng khí đốt lớn nhất thế giới, đã kí biên bản ghi nhớ với Việt Nam nhằm vạch ra sự hợp tác trong tương lai.
Gregor Frank, Phó chủ tịch của Siemens tại Doanh nghiệp giải pháp và đóng gói khí lớn ở châu Á - Thái Bình Dương, cho biết công ty đang ở giai đoạn đầu phát triển và tài trợ vốn hoặc nợ cho các dự án điện lớn.
Cũng trong tháng 4, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã phê duyệt khoản vay trị giá 2 tỉ USD cho một nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam.
Sabyasachi Mishra, người đứng đầu bộ phận bán khoáng sản tại nhà kinh doanh hàng hóa Tata International, dự đoán nhập khẩu than hàng năm của Việt Nam sẽ tăng từ 20 triệu lên 30 triệu tấn trong năm tới hoặc sau đó, với dự trữ trong nước giảm.
Trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu than của Việt Nam tăng hơn hai lần so với một năm trước đó lên 13,34 triệu tấn, theo dữ liệu hải quan Việt Nam.
Theo ông Markey, nhập khẩu được dự báo sẽ lên cao chưa từng thấy ở mức 80 - 110 triệu tấn trong giai đoạn 2030 - 2040, so với nhu cầu hiện tại là 63 triệu tấn.
Một sự gia tăng đột biến như vậy sẽ làm cho Việt Nam trở thành một trong những thị trường bùng nổ cuối cùng cho những gì nhiều người coi là ngành công nghiệp hoàng hôn.