|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Nâng giá bịch nilông lên 1.000 - 2.000 đồng/bịch coi ai muốn xài nữa?'

22:23 | 11/07/2019
Chia sẻ
Đó là kiến nghị của đại biểu Võ Văn Tân (huyện Củ Chi) tại buổi thảo luận tổ, kỳ họp thứ 15, HĐND TP.HCM khóa IX nhằm giải quyết tình trạng xả rác bừa bãi trên địa bàn TP.HCM.
Nâng giá bịch nilông lên 1.000 - 2.000 đồng/bịch coi ai muốn xài nữa? - Ảnh 1.

Đại biểu Võ Văn Tân (huyện Củ Chi) phát biểu tại tổ thảo luận số 1 - Ảnh: TỰ TRUNG

Tăng thuế bao bì nhựa

Ông Tân nhận định quá trình xử lý, phân loại và thu gom rác trên địa bàn TP còn chưa tốt. Nhiều đường dây rác dân lập chưa quản lý chặt dẫn đến việc họ muốn làm gì thì làm, tự đi thu tiền, tự đặt ra lịch thu gom rác. TP chủ trương phân loại rác tại nguồn nhưng hình như nhiều đơn vị thu gom chỉ dồn chung một chỗ.

Bàn về rác thải nhựa, ông Tân nói: "Tôi thấy TP phát động hạn chế sử dụng túi nilông - công tác tuyên truyền tốt nhưng muốn hiệu quả thì tôi cho là phải tăng thuế bao bì nhựa. Chẳng hạn như tăng thuế khiến giá thành một bịch nilông tăng lên từ 1.000-2.000 đồng/bịch thì người nào còn muốn xài nữa?".

Đại biểu Võ Văn Tân (huyện Củ Chi) nói về vấn đề rác thải - Video: TỰ TRUNG

Giải thích cụ thể hơn, ông Tân phân tích: Ví dụ như muốn mua một món hàng có bỏ bịch nilông thì phải trả thêm 1.000 - 2.000 đồng. Như vậy, sáng đi chợ mua chừng 5 món thì mất cả 10.000 đồng tiền bịch nilông. Như thế thì chẳng ai chọn xài bịch nilông nữa.

Nâng giá bịch nilông lên 1.000 - 2.000 đồng/bịch coi ai muốn xài nữa? - Ảnh 3.

Tình trạng xả rác bừa bãi vẫn diễn ra nhiều trên đường phố TP.HCM. Trong ảnh: Rác trên đường Trường Sa, quận Bình Thạnh - Ảnh: TỰ TRUNG

Đánh giá lại lộ trình phân loại rác

Nâng giá bịch nilông lên 1.000 - 2.000 đồng/bịch coi ai muốn xài nữa? - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại buổi thảo luận - Ảnh: TIẾN LONG

Tại các tổ thảo luận, vấn đề rác thải cũng được một số đại biểu đưa ra thảo luận. Đại biểu Trần Quang Thắng (Q.8) cho rằng từ trước tới nay, TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi nhưng giải quyết không triệt để. Đi ngoài đường vẫn thấy rác thải tràn lan.

Ông Thắng nhận định, tồn tại tình trạng này là do công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, thói quen xả thải bừa bãi "ăn vào máu" nhiều người dân. Do vậy, ông Thắng đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần có giải pháp mạnh hơn để chấm dứt tình trạng này.

"Cần phải tăng nặng mức phạt. Ngoài ra phải nêu rõ người chịu trách nhiệm xử phạt", ông Thắng nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng một bất cập hiện nay chính là kêu gọi người dân phân loại rác tại nguồn nhưng khi thu gom lại đổ chung vào một xe.

Do vậy, bà Tâm đề nghị các cơ quan liên quan cần đánh giá lại lộ trình phân loại rác tại nguồn hiện nay. Từ đó có những giải pháp cụ thể để giải quyết.

"Vấn đề rác thải là vấn đề rất khó để thay đổi nhận thức, hành vi của người dân. Nếu việc thực hiện các giải pháp thiếu đồng bộ sẽ khó có thể làm được", bà Tâm nói.

Trao đổi về vấn đề này tại tổ 3, đại diện Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM cho biết sở đã tham mưu cho UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài nguyên - môi trường điều chỉnh quy định để xử phạt hành vi vi phạm xả rác bừa bãi.

"Hiện việc theo dõi, trích xuất dữ liệu qua camera để xử phạt hành vi xả rác đang được sở xây dựng quy trình và Sở Tư pháp đang tham mưu thẩm định", vị này nói.

Có hiện tượng đùn đẩy

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm có ý kiến như vậy khi nói đến việc nhiều cơ quan, cán bộ, công chức trên địa bàn TP.HCM "đẩy qua đẩy lại" khi giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp, người dân.

Theo bà Tâm, nhiều người dân phản ảnh cán bộ, công chức hiện có dấu hiệu "thủ thế".

Ngay cả những việc thuộc thẩm quyền của cán bộ, công chức đó nhưng giải quyết cho dân rất chậm. Có hiện tượng quận huyện đùn đẩy cho thành phố, thành phố lại đùn đẩy cho các cơ quan trung ương.

Ngay cả các sở, ngành cũng đùn đẩy công việc qua lại. Sở ngành này có việc cần hỏi sở ngành khác nhưng mãi không nhận được phản hồi.

"Có nhiều việc có quy định pháp luật rõ ràng nhưng người thụ lý công việc đó rất nhát tay. Hiện có tình trạng xây tường rào bao quanh việc đó sao cho an toàn nhất cho người xử lý, còn cái khó chuyển hết cho người dân", bà Tâm nhấn mạnh.

Bà Tâm kiến nghị các sở ngành cần có trách nhiệm hơn trong giải quyết hồ sơ, vụ việc cho người dân, doanh nghiệp.

"Bí thư Thành ủy, lãnh đạo thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, buổi nói chuyện, gặp mặt để khơi gợi lại tinh thần làm việc cho cán bộ, công chức nhưng thực sự muốn cho người dân thấy được hiệu quả thì phải bằng kết quả cụ thể", bà Tâm nói.

Tiến Long - Mai Hương - D.Ngọc Hà

ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.