|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nan giải chống ngập TP HCM - Bài 5: Giải bài toán qui hoạch

06:10 | 18/06/2020
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, thách thức lớn trong chống ngập hiện nay tại TP HCM là sự thiếu đồng bộ, thậm chí lạc hậu về qui hoạch đô thị.
Nan giải chống ngập TP HCM - Bài 5: Giải bài toán qui hoạch - Ảnh 1.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh (Quận 2) chìm trong “biển nước” mênh mông chiều 16/6/2020. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN.

Quá trình đó đòi hỏi việc quy hoạch phải có tầm xa, đi trước, không chờ đến khi thực tiễn phát sinh lại cắt khúc, điều chỉnh liên tục quy hoạch theo kiểu chắp vá. 

Cùng với đó, nếu quy hoạch được lập nhưng lại không thực hiện một cách kiên quyết trong đó có việc thực thi các quy định và thoả thuận về xây dựng hệ thống cấp thoát nước tại nội khu hoặc xung quanh dự án thì các không gian cho nước như công viên, đất cây xanh sẽ ít đi, tốc độ bê tông hoá ngày càng bao phủ sẽ càng khiến việc chống ngập đô thị khó khăn hơn.

Theo Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh, trên cơ sở Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, hiện thành phố đang trình cấp thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050; rà soát, cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu, tình hình sụt lún đồng thời điều chỉnh quy hoạch thuỷ lợi chống ngập úng khu vực Tp. Hồ Chí Minh; trong đó, xác định giải pháp chống ngập cho từng vùng, xác định lộ trình thực hiện.

Nói về quy hoạch đô thị, theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, ngập trong đô thị Việt Nam có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do phát triển thiếu bền vững. Yếu tố triều cường, biến đổi khí hậu có tác động nhưng ảnh hưởng chưa lớn.

Có những dự án nhà ở quy mô hàng nghìn căn hộ, tốc độ bê tông hoá diễn ra nhanh, giảm không gian cho nước dẫn tới nước đổ đồn nhanh, không thoát kịp vào hệ thống thoát nước vốn đang quá tải.

Những dự án chống ngập phải gắn liền với quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý hạ tầng. Hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh đang tồn tại quản lý đơn ngành, thiếu sự phối hợp tốt giữa Sở Giao thông vận tải trong việc làm đường, Sở Xây dựng trong việc cấp phép xây dựng nhà ở, Sở Quy hoạch và Kiến trúc cấp phép quy hoạch.

“Công tác quy hoạch giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với phát triển hạ tầng; trong đó có chống ngập. Hơn lúc nào hết, ngay từ đầu cấp phép xây dựng dự án phải có đánh giá tác động môi trường, không đợi đến khi ngập lụt mới làm dự án, như vậy là quá chậm. 

Việc cải tạo kênh rạch là cơ hội tốt để cải tạo hệ thống thoát nước giảm ngập lụt cho thành phố. Kênh rạch cần được khơi thông kết nối với nhau, kết nối với sông hồ, để nước mưa thoát ra”, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, ông Hồ Long Phi, Giám đốc trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, mục đích chiến lược kiểm soát ngập tích hợp không phải chỉ dừng lại ở việc hạn chế tình trạng ngập mà là giúp giảm thiểu thiệt hại do ngập xuống đến mức thấp nhất.

Chống ngập là cần thiết nhưng chỉ nên xem là một trong những phương cách để giảm thiệt hại chứ không phải là mục tiêu tối hậu.

Trong đó, vai trò của quy hoạch lại không gian phát triển đô thị là then chốt và cấp bách nhất. Quy hoạch không gian đô thị để thích nghi tốt hơn với nước nên được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu và cấp bách nhất để hướng đến một chiến lược kiểm soát ngập bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Không gian dành cho nước trong đô thị (trữ, thoát và thấm nước) nên được nhanh chóng bảo vệ và tái khôi phục.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện thành phố đang điều chỉnh quy hoạch chung, vì thế, nên rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch, trước hết là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các kênh rạch nội thành; không để tiếp tục tình trạng phát triển các toà nhà cao tầng quá dày đặc lấn át sông Sài Gòn hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan và phát triển bền vững.

* Kết hợp giải pháp công trình

Nan giải chống ngập TP HCM - Bài 5: Giải bài toán qui hoạch - Ảnh 2.

Đường Kha Vạn Cân (Quận Thủ Đức) ngập sâu khiến người dân phải di chuyển rất khó khăn trong chiều 16/6. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN.

Để giải quyết ngập cho thành phố, theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh, thành phố sẽ rà soát lại toàn bộ quy hoạch 1/2.000 để điều chỉnh cốt nền phù hợp thực tế; quản lý việc san lấp kênh rạch; xử lý việc chiếm các cửa xả, rác thải, bịt miệng cống thoát nước.

Bên cạnh đó thành phố cũng sẽ tiến hành duy tu, nạo vét cống thoát nước, quản lý mốc bờ cao hành lang bảo vệ kênh rạch đồng thời tăng cường không gian trữ nước, hồ điều tiết. Giải quyết vướng mắc dự án chống ngập do triều cũng như đưa vào sử dụng các công trình chống ngập.

Theo dự báo của Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021 – 2025 thành phố là một trong 10 thành phố có nguy cơ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, tình trạng sạt lở và lún nền tiếp tục diễn ra nghiêm trọng, việc giải quyết dứt điểm các trường hợp lấn chiếm kênh rạch sẽ còn nhiều khó khăn, vấn đề xả rác xuống kênh, rạch, cống thoát nước vẫn còn phổ biến, tiêu chí đánh giá ngập chưa tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Vì vậy, mục tiêu đề ra của thành phố là kiên quyết không để phát sinh điểm ngập mới, tập trung giải quyết ngập bền vững cho lưu vực trung tâm thành phố rộng 106,41km2, cơ bản thoát nước cho các vùng còn lại của thành phố.

Đối với Quy hoạch 752 thành phố sẽ đầu tư 7 hồ điều tiết với kinh phí hơn 470 tỷ đồng, thực hiện 67 dự án  cải tạo hệ thống thoát nước; trong đó, có dự án lớn như nạo vét rạch Xuyên Tâm, Bến Nghé - Tàu Hũ – Đôi – Tẻ giai đoạn 3. 

Xây dựng và hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè, mời gọi đầu tư 6 nhà máy xử lý nước thải khác.

Triển khai dự án cải tạo hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn (dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2028); dự án cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải lưu vực Tham Lương – Bến Cát – Nước lên (dự kiến khởi công năm 2021, hoàn thành năm 2025).

Trong khi đó, đối với Quy hoạch 1547, thành phố sẽ xây dựng đoạn đê bao xung yếu thuộc bờ tả quận Thủ Đức, cống kiểm soát triều sông Kinh, Rạch Tra, Vàm Thuật, Nước Lênn (dự kiến khởi công năm 2021), cải tạo 7 trục tiêu thoát nước rạch xóm Củi, Bà Lớn, Thủ Đào, Ông Bé, Thầy Tiêu, xây dựng tuyến kè 2 bên bờ kênh Tham Lương – Bến Cát -rạch Nước Lên… (thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025).

Bên cạnh đó, trong chức năng, nhiệm vụ được giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc san lấp trong các dự án phát triển đô thị, kiên quyết bắt buộc các nhà đầu tư phải thực hiện cải tạo rạch, xây dựng hệ thống thoát nước, hồ điều tiết đảm bảo chức năng thoát nước, điều tiết của hồ trước khi thực hiện san lấp; xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm cửa xả, hầm ga, thoát nước và thực hiện duy tu, nạo vét cống thoát nước.

Những giải pháp công trình và phi công trình; trong đó, giải pháp quy hoạch đang kỳ vọng sẽ giúp Tp. Hồ Chí Minh đạt được hiệu quả như kỳ vọng trong công tác chống ngập, giảm nhẹ thiệt hại do ngập gây ra. 

Đó cũng là mong muốn của lãnh đạo và nhân dân thành phố vì một đô thị phát triển bền vững, chất lượng cuộc sống không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Các quy hoạch chuyên ngành, như: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nhà ở, quy hoạch giao thông, quy hoạch hệ thống cấp thoát nước, quy hoạch thuỷ lợi… vẫn còn “va nhau”.

Trong khi đó, tốc độ đô thị hoá đang diễn ra nhanh chóng, phần nhiều mang tính tự phát, chắp vá, quy hoạch “đi sau” thực tế phát triển. Vì thế, quy hoạch đang là vấn đề then chốt đối với chống ngập, nhất là trước kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

* Quy hoạch phải “đi trước”

Sau 5 năm dân số Tp. Hồ Chí Minh lại tăng 1 triệu người, kéo theo nhu cầu rất lớn về nhà ở. Vì vậy, các dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị cũng sẽ nhanh chóng được phê duyệt, xây dựng. 

Trần Xuân Tình