Năm 2021, trung tâm TP HCM hết cảnh 'phố biến thành sông'?
Liên quan đến tình trạng đốn hạ cây xanh hàng loạt sau vụ đổ cây tại trường THCS Bạch Đằng (quận 3), Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Huỳnh Thanh Khiết khẳng định thành phố không có chủ trương đốn hạ hàng loạt cây xanh.
Sở Xây dựng đã có chủ trương rà soát lại toàn bộ cây xanh trên địa bàn và hướng dẫn để các cơ quan đơn vị, trường học kiểm tra, phát hiện những cây có nguy cơ gãy đổ để có hướng xử lý phù hợp.
“Không thể đốn hạ toàn bộ cây xanh mà chúng ta đã tốn rất nhiều công sức động viên người dân, học sinh trồng trong suốt thời gian qua.
Thay vào đó, Sở Xây dựng đã có công văn hướng dẫn các quận huyện, đặc biệt là Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Y tế,… đề nghị phối hợp với Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM kiểm tra toàn bộ cây xanh, không chỉ ở nơi công cộng, trên đường phố mà ở cả nơi công sở, trường học, bệnh viện.
Cần kiểm tra khả năng ngã đổ, khả năng bị xâm hại của cây để có giải pháp như chống đỡ, mé nhánh, tỉa cành giữ cho cây đứng vững, đảm bảo an toàn cho môi trường xung quanh”, ông Khiết nói.
Trả lời về việc đầu tư các công trình, chương trình chống ngập trong thời gian qua chưa mang lại hiệu quả. TPHCM mới mưa chuyển mùa đã ngập nặng nhiều nơi, đặc biệt là con mưa chiều 4/6… ông Huỳnh Thanh Khiết giải thích là do các công trình chống ngập chưa hoàn chỉnh.
Ông Khiết khẳng định khu vực trung tâm dự kiến đến năm 2021 sẽ hết ngập. Các khu vực khác tiến độ hết ngập sẽ theo các công trình, chương trình trọng điểm của TPHCM.
Về thu phí chống ngập, ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết là do thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác chống ngập như nạo vét, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước.
“Dự kiến trong năm 2020, TPHCM sẽ đấu thầu duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước nên cần phải xây dựng đơn giá dịch vụ chống ngập tính trên diện tích. Tuy nhiên, người dân sẽ không trả phí chống ngập như dư luận lo ngại”, ông Khiết nhấn mạnh.
Như Tiền Phong đã thông tin, trong mấy ngày qua, dù mới bắt đầu vào mùa mưa; những cơn mưa chuyển mùa có vũ lượng không lớn nhưng người dân TPHCM đã gánh chịu không ít những trận lụt kinh hoàng. Trong đó có không ít tuyến đường vừa đầu tư nâng cấp để chống ngập.
Đơn cử như tuyến đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) từ đầu tháng 5 đến nay đã có ít nhất 5 đợt ngập lụt kéo dài trong nhiều giờ khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn dù con đường mới được đầu tư hơn 160 tỉ đồng để nâng cấp chống ngập.
Tuyến đường Nguyễn Văn Quá, đoạn từ giao lộ Song Hành đến gần đường Quang Trung dài khoảng 2 km bị ngập có nơi lút bánh xe. Nước từ dưới cống tràn lên mặt đường làm hàng loạt phương tiện chết máy. Người dân khổ sở, bì bõm dắt xe trong dòng nước đen ngòm về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Không chỉ ngập dưới đường. Nước tràn lên vỉa hè gây khuất tầm nhìn, nhiều người đi xe máy không phân được lòng đường, vỉa hè, hố ga… nên bị sụp hố, trượt ngã sóng soài giữa đường.
Nước bẩn tràn vào nhà gây hư hỏng nhiều đồ đạc. Đồ điện tử như tủ lạnh, quạt máy,… của các gia đình ở khu vực này phải kê lên cao để tránh nước tràn vào gây chạm chập điện. Hàng quán, cơ sở kinh doanh buôn bán ế ẩm vì nước ngập lênh láng khắp nơi.
Theo một số người dân địa phương, trước khi được nâng cấp, thay cống hộp, tuyến đường Nguyễn Văn Qúa cũng bị ngập nhưng tạnh mưa là nước rút hết, không còn ngập. Sau khi nâng đường, thay cống, nước càng ngập sâu, thời gian ngập kéo dài hơn.