Thay đổi tư duy chống ngập ở TP HCM: Trước tiên cần một nơi khô ráo
Càng đổ tiền càng ngập
Gần 15 năm nay (tính từ 2001), tiền chi chống ngập có lẽ phải trên dưới 2 tỷ USD (mỗi năm thành phố dành 6% tổng ngân sách phát triển cơ sở hạ tầng cho chống ngập), nếu tính cả tiền bạc, công sức của dân bỏ ra nữa thì chi phí phải gấp đôi ba lần như thế nữa mà tương lai vẫn mù mịt.
Việc này rơi vào một vòng luẩn quẩn là tăng ngân sách cho chống ngập, năm nay xóa được một số điểm năm tiếp theo triều cường nâng cao hơn lại tái ngập, điểm ngập mới gia tăng, ngân sách lại tiếp tục tăng, cuộc chiến lại tiếp tục …
Tất cả những gì chúng ta đang làm và sẽ tiếp tục làm như thế, chắc chắn tình hình ngập nước không cải thiện được.
Một chuyên gia của Hà Lan nói, muốn thành phố “khô ráo” ngay cả trong mùa mưa thì chỉ có 2 cách: một là nâng cốt nền toàn bộ thành phố (trừ phần Cần Giờ) lên từ 1,5 -2,0 m (sau 2070 có thể lại nâng tiếp), điều này là không thể.
Hai là, làm đê bao quanh thành phố với chiều dài hàng nghìn km, điều này cũng không thể bởi thành phố nằm trên nền đất yếu, không chân, nếu làm tường bao thì phải sâu xuống 15-20 mét mới hy vọng chạm phần đất cứng và chiều cao ló trên mặt đất ít nhất 3 mét, chiều rộng phần đế phải chừng 3-5 mét.
Cả hai điều này đều quá khả năng của , mà nếu giàu như Mỹ thì chưa chắc họ đã thực hiện. Do vậy phải thay đổi tư duy và phương cách hành động
Thay đổi tư duy và quan điểm
Trước hết phải chuyển từ “chống ngập triệt để ” sang “điều tiết nước có tính toán”, từ “chống ngập bị động” sang “thích nghi tích cực nhằm giảm thiểu rủi ro”.
Lâu nay cả lãnh đạo lẫn người dân luôn mong muốn định ra một thời gian nào đó sẽ hết ngập và thành phố trong tình trạng khô ráo. Nhưng xét trên mọi khía cạnh thì đó là điều không bao giờ đến.
Biến đổi khí hậu đã bộc lộ ra ngày một nhanh và dữ dội hơn. Hàng trăm năm qua, nước triều ổn định trên dưới 1,30 m, nhưng chỉ trong khoảng thời gian có 15 năm triều cường đã nâng cao thêm 40 cm, năm 2013 nước triều khi đó đạt mức 1,63 m được cho là nhất lịch sử, nếu lặp lại thì cũng phải sau 5 -7 năm, nhưng không ngờ là chỉ sau 1 năm (2014) đã tăng vọt lên đến 1,70m, rất có thể năm tới sẽ là 1,72 -1,75 m.
Trong khi đó hệ thống thoát nước của thành phố đã bị lạc hậu ngay từ khi thiết kế với tiết diện cống nhỏ không thoát được vũ lượng mưa trên 100mm và miệng xả của các cống có cao trình thấp hơn nước triều.
Từ chỗ “chống triệt để” thì nay chấp nhận ngập là điều bình thường, chỉ có điều làm sao cho thời gian ngập ngắn hơn và mức ngập nông hơn.
Làm sao sau khi mưa to chấm dứt, triều cường đạt đỉnh thì nước ngập giảm nhanh từ chỗ 2-3 tiếng như hiện nay xuống còn 30 phút đến dưới 1 tiếng, từ mức ngập từ 0,5 - 2 mét giảm nhanh xuống còn 0.2 -0.3m để xe cộ và ngưới dân vẫn đi lại được bình thường.
Đừng quên là trước năm 1990, tình hình ngập nước ở thành phố hiếm khi nào quá 1 tiếng, cho nên với người Sài Gòn khi đó mưa “lãng mạn” với hình ảnh “phố bỗng là dòng sông uốn quanh” (Trịnh Công Sơn) chứ không phải là nổi khiếp đảm của ngày hôm nay.
Chuyển từ chống ngập điểm nhỏ, lẻ sang khu biệt theo vùng
Cách làm truyến thống của ta hiện nay là đếm đầu điểm ngập hàng năm và phấn đấu giảm ngập theo từng điểm làm sao từ 100 xuống còn 58, xuống 31,...
Đây là kiểu chống ngập phù hợp với những thành phố, thị trấn nhỏ, nhưng với thành phố rộng 2100 km2, hàng ngày có 12 triệu người hiện diện thì không phù hợp, bởi nó mang tính chất hoàn toàn bị động, đối phó theo kiểu “ngập đâu, bâu đó” (tình trạng “ăn miếng nào biết miếng đó”) diễn ra ở hầu khắp các lĩnh vực khác như cấp thoát nước, viễn thông, điện, giáo dục, y tế).
Một đoạn đường bị ngập, cho nâng đường là hết ngập, một khu vực ngập làm cống hộp lớn hơn, một công sở ngập cho nâng nền là nhà hết ngập,…Nhưng khổ nỗi nước ngập chẳng đi đâu cả, chỉ chảy từ chỗ này sang chỗ khác.
Đường lộ nâng lên, hết ngập đường thì hẻm ngập, nâng hẻm hết ngập thì nhà dân ngập, nhà nhà nâng nền hết ngập (nhiều người phải chui ra, vào do nâng nền cao đến hết mức) thì đường lại tái ngập, tổ dân phố này hết ngập thì nước dồn sang khu phố khác.
Đó là một cuộc rượt đuổi không có hồi kết, một chu kỳ luẩn quẩn làm cho đời sống người dân xáo trộn, chính quyền lúng túng, thành phố ngày một xấu.
Bằng kỹ thuật GIS và viễn thám, bằng quan sát từ trên cao, các nhà khoa học nhận thấy cũng như các thành phố khác, TP.HCM có hình thái học khác nhau, nó được chia ra thành những vùng có cao độ khác nhau, chức năng khác nhau và tầm quan trọng về chính trị kinh tế khác nhau.
Do vậy, cần phải chia thành phố ra các vùng khác nhau để ứng xử cho thích hợp trong khi tiến hành điều tiết nước (mưa, thủy triều, nước xả từ hồ thủy điện).
Sẽ có những khu vực bằng mọi cách không để bị ngập như khu vực lõi của thành phố với diện tích 930 ha, nhưng vùng khác (có thể khu vực 720 km2 của 12 quận nội thành) phải chấp nhận bị ngập nhưng thời gian ngắn và nông, nhưng có những vùng không chống ngập nữa mà chủ động để cho ngập, khơi thông tất cả các dòng chảy chủ động chuyển nước về khu vực đó (có thể ở phía Nam thành phố), thậm chí hạ độ cao của các trục đường đang có (sau khi những con đường này được nâng lên trở thành các con đê ngăn nước thoát ra kênh, sông), chủ động cho nước chảy tràn trên bề mặt thành phố đổ dồn về vùng trũng, có thể bỏ một số nhà hoặc dãy nhà ở những điểm nghẽn tạo đường thoát nước từ lòng đường (các trục đường hiện nay là kênh trữ nước nhưng không thoát đi đâu do cống hộp quá nhỏ) lái về phía có định hướng.
Một số khu vực trước kia là hồ sen, hồ cỏ lác có thể phải khôi phục lại tình trạng ngập như trước những năm 1990 ở các quận 11, Bình Chánh, Nhà Bè, quận 7, Tân Bình (cũ).
Khi nước được gom về một, hai vùng trũng thì việc xử lý trở nên dễ dàng về kỹ thuật, chẳng hạn xây đê bao quanh cô lập vùng nước, sử dụng hệ thống bơm chuyền công suất lớn, lập hệ thống hồ điều tiết, hồ chứa nước tạm.
Như thế thành phố vừa có được một vùng chứa nước an toàn mà lại góp phần điều tiết khí hậu, chưa kể nơi đây nếu biết tận dụng sẽ trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn.
Cách “điều tiết nước có chủ động” khác với các giải pháp chống ngập tại chỗ là ở chỗ thay vì cả thành phố vật lộn với nước ngập ở khắp mọi nơi, mọi chỗ thì nay tập trung tài chính, kỹ thuật, nhân lực chỉ chống nước ngập ở một số điểm tập trung.
Nhìn rộng khắp sẽ thấy cả thành phố bị bê tông hóa bề mặt đến từng các ngõ ngách, các con đường trục, đường nhánh xương cá tôn cao chia cắt khối nước ra thành nhiều mảnh nhỏ, làm lệch chuyển dòng chảy, điều này khiến ta hình dung ra cả thành phố giống như giống như ruộng muối với các ô nước muối tự bốc hơi.
Cách phân vùng điều tiết nước này thực ra không mới, các nhà qui hoạch, các KTS Pháp đầu tiên của TP. Sài Gòn vào những năm 1862-1870 như Coffyn, Betraux đã đóng đinh chuyện này trong đề án qui hoạch của mình.
Ngoài việc phân vùng chứa nước ra còn có những hành động khác nữa đơn giản nhưng hiệu quả, như gia tăng bề mặt thấm trong nội thành, bỏ bớt càng nhiều càng tốt bê tông phủ mắt đất thay bằng thảm cỏ, cải tạo các khoảng trũng thành hồ điều tiết, phá bỏ tường gạch bao hàng chục nghìn các bồn cây làm khoảng trống chứa nước,…
Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi tư duy và phương cách hành động chống ngập cho dù là động chạm đến quyền lợi một số người, nhưng nếu làm theo cách như hiện nay thì tốn kém nhiều hơn, mất thời gian hơn và hiệu quả không cao, thậm chí rất có thể một kịch bản xấu nhất sẽ xảy ra là cả thành phố ai cũng loay hoay với nước ngập, không còn ai khô ráo đứng trên bờ để giúp cho người khác nữa.