|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nam Tân Uyên bỏ 80 tỉ đồng vốn vào một công ty ở Bình Dương, lợi nhuận 2018 lớn gấp hơn 3 lần năm trước

10:11 | 14/04/2019
Chia sẻ
Năm 2018, Nam Tân Uyên ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 470 tỉ đồng, lớn gấp 3,3 lần so với năm trước. Công ty đã chi 80 tỉ đồng đầu tư mới vào Công ty TNHH Công nghiệp và Đầu tư Nam Tân Uyên tại Bình Dương, hoạt động chính là đầu tư và quản lý khu dân cư.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đã kiểm toán của CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (mã: NTC) cho biết, doanh thu thuần 2018 đạt 532 tỉ đồng, gấp 3,6 lần so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 470 tỉ đồng, gấp 3,3 lần so với năm 2017 (chỉ đạt khoảng 142,5 tỉ đồng). Lãi cơ bản trên cổ phiếu là 29.035 đồng, trong khi con số tương ứng của năm 2017 là 8.639 đồng.

Nam Tân Uyên bỏ 80 tỉ đồng vốn vào một công ty ở Bình Dương, lợi nhuận 2018 lớn gấp hơn 3 lần năm trước - Ảnh 1.

Công ty Nam Tân Uyên có lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt gần 470 tỉ đồng, lớn gấp 3,3 lần so với năm trước.

Tại bảng cân đối kế toán, mục tiền và các khoản tương đương tiền ở thời điểm kết thúc năm tăng đột biến so với đầu năm, tăng từ 3 tỉ đồng lên mức 93 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là sự tăng mạnh tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và các khoản tương đương tiền (là tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng có giá trị đến gần 60,6 tỉ đồng được gửi tại các ngân hàng thương mại với lãi suất 5%/năm).

Trong thuyết minh các khoản đầu tư tài chính, Nam Tân Uyên có đầu tư vào hàng loạt công ty liên kết như CTCP Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, CTCP Khu công nghiệp Cao su Bình Long, CTCP Khu Công nghiệp Dầu Giây, CTCP Cao su Trường Phát…

Đặc biệt, tính đến ngày 31/12/2018, Nam Tân Uyên có khoản đầu tư mới vào Công ty TNHH Công nghiệp và Đầu tư Nam Tân Uyên với giá trị đầu tư lên đến 80 tỉ đồng. Đây là mức đầu tư lớn nhất vào một công ty liên kết của Nam Tân Uyên, cũng là sự thay đổi duy nhất trong hoạt động đầu tư vào công ty liên kết và đầu tư vào đơn vị khác của công ty trong năm qua. 

Công ty TNHH Công nghiệp và Đầu tư Nam Tân Uyên được thành lập tại Bình Dương trong đó Nam Tân Uyên góp 20% vốn. Công ty này hoạt động kinh doanh chính là đầu tư và quản lý khu dân cư, khác hẳn với các hoạt động trước đây mà các công ty liên kết khác của Nam Tân Uyên thực hiện là cho thuê đất, nhà xưởng khu công nghiệp hay chế biến gỗ cao su.

Khoản mục tài sản dở dang dài hạn tại thời điểm kết thúc năm 2018 là hơn 53 tỉ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm - giảm 9 tỉ đồng. Trong đó, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn giảm hơn một nửa, toàn bộ phần này đều là chi phí dự án khu dân cư Nam Tân Uyên mở rộng.

Còn chi phí xây dựng cơ bản dở dang chỉ giảm nhẹ, ghi nhận tại dự án khu công nghiệp Nam Tân Uyên hiện hữu; dự án khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng và dự án khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng – Giai đoạn 2.

Khoản mục phải trả người bán ngắn hạn tăng mạnh từ 439 triệu đồng vào đầu năm lên gần 1,6 tỉ đồng vào cuối năm. Nguyên nhân do xuất hiện phần phải trả mới cho Công ty TNHH Thiên Phương (gần 715 triệu đồng); CTCP Kỹ thuật Seen (368 triệu đồng) và phải trả thêm cho các đối tác khác.

Mục người mua trả tiền trước ngắn hạn cũng tăng từ 2,5 tỉ đồng lên 21,5 tỉ đồng. Do xuất hiện phần trả trước của Công ty TNHH Minh Phú (12,8 tỉ đồng) và Công ty TNHH Việt Danh Vina (5,3 tỉ đồng), số tiền trả trước của các đối tượng khác cũng tăng lên.

Trong khi đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cũng như dài hạn của công ty đều giảm. Trong đó, phần vay và nợ ngắn hạn giảm đến 98 tỉ đồng, chỉ còn khoảng 7 tỉ đồng. 

Còn phần nợ dài hạn ghi nhận mức tăng nhiều nhất là từ doanh thu chưa thực hiện, đây là doanh thu cho thuê hạ tầng khu công nghiệp của công ty, khoản này được phân bổ dần vào doanh thu hoạt động kinh doanh trong các năm tiếp theo căn cứ thời gian thuê đất còn lại mà khách hàng đã trả tiền trước.

Vốn chủ sở hữu của công ty tăng từ 379,5 tỉ đồng ở ngày 1/1/2018 lên gần 589 tỉ đồng ở ngày 31/12/2018, nhờ tăng phần giá trị từ quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Hiếu Quân