|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Năm 2020, ngành xi măng sẽ chững lại?

10:53 | 18/12/2019
Chia sẻ
Năm 2019, ước tính lượng xi măng, clanke xuất khẩu tương đương năm 2018 với khoảng 31 - 32 triệu tấn, tiếp tục là quốc gia xuất khẩu xi măng nhiều nhất trên thế giới.

Nhiều doanh nghiệp xi măng đang tăng giá bán

Hiện chỉ còn chưa đến 1 tháng nữa là kết thúc năm 2019, ngành xi măng dự báo tình hình xuất khẩu vẫn ổn định, không tăng hơn nhưng khả năng xuất khẩu vẫn đạt mục tiêu đề ra của toàn ngành.

Chia sẻ với người viết ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam nhận định: "Thị trường xi măng cuối năm 2019 tiếp tục duy trì mức tăng đều. Toàn ngành sẽ chạm mốc xuất khẩu khoảng 25 triệu tấn và tiêu thụ trong nước từ 69 - 70 triệu tấn xi măng như mục tiêu đề ra".

Trong đó, xi măng tiêu thị nội địa khoảng 67 triệu tấn, tăng 1%, xuất khẩu sản phẩm xi măng và clanhke khoảng 31 - 32 triệu tấn, tương đương năm ngoái, giá trị xuất khẩu ước đạt 1,27 tỉ USD.

Con số này giúp Việt Nam tiếp tục là quốc gia xuất khẩu xi măng nhiều nhất trên thế giới, chiếm trên 1/7 dưới 1/6 lượng xi măng, clanke của thế giới.

a28f7d759eb167ef3ea0

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.

Ông Cung cũng lưu ý vừa qua do chi phí nguyên vật liệu đầu vào như giá điện, giá than tăng cao, một loạt doanh nghiệp xi măng tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán xi măng nhằm giảm chi phí.

Đơn cử như xi măng Công Thanh đã có thông báo gửi các nhà phân phối khu vực miền Trung điều chỉnh tăng 30.000 đồng/tấn bao xi măng 50kg; Xi măng Long Sơn tăng 50.000 đồng/tấn đối với xi măng bao PCB 30, PCB 40, xi măng Hoàng Long tăng 20.000 đồng/tấn, xi măng The Vissai cũng điều chỉnh giá bán các loại xi măng bào tăng 50.000 đồng/tấn và xi măng rời tăng 20.000 đồng/tấn.

quoteximang_f

Thiết kế: Linh Phan

Nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2020 sẽ tương đương năm 2019, thậm chí có xu hướng tăng chậm lại

Để thực hiện tốt việc bình ổn, cân đối cung cầu và kiềm chế tốc độ tăng giá năm 2020, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công Thương, Tổ điều hành thị trường trong nước báo cao Chính phủ có chính sách hợp lí trong việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng trọng yếu như điện, than, xăng, dầu.

Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam có kế hoạch cung cấp đủ than theo nhu cầu sản xuất và đảm bảo chất lượng than cho các nhà máy xi măng, Tổng Công ty điện lực Việt nam cấp đủ điện cho sản xuất xi măng…

Bộ Xây dựng dự báo trong năm 2020, ước tính nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2020 sẽ đạt khoảng 101 - 103 triệu tấn, tăng 4 - 5% so với năm 2019, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 69 - 70 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 32 - 34 triệu tấn.

Về khả năng sản xuất, năm 2020 sẽ dự kiến có 2 dây chuyển sản xuất xi măng đi vào vận hành.

Cùng với 86 dây chuyền sản xuất xi măng hiện có của cả nước, tổng công suất đạt 105,84 triệu tấn, hoàn toàn có khả năng sản xuất xi măng, đáp ứng tiêu thụ năm 2020 gồm cả xi măng tiêu thụ nội địa và clanhke, xi măng xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Cung, thị trường liệu xây dựng (VLXD) năm 2020 vẫn sẽ tương đương năm 2019, thậm chí có xu hướng tăng chậm lại do qui luật của thị trường. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ và xuất khẩu xi măng của Việt Nam.

"Ở nhiều nước, khi đạt đến một ngưỡng phát triển nào đó, đồ thì tăng trưởng sẽ đi ngang và sau đó sẽ đi xuống khi nhu cầu ổn định hơn, do đó, trong khoảng một hai năm tới nếu có một ngành nào đó tăng chậm lại thì cũng không quá ngạc nhiên vì đó là qui luật", ông Cung lí giải.

Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội xi măng cho rằng: "Thời gian tới, một xu hướng mà doanh nghiệp ngành VLXD nói chung và xi măng nói riêng có thể hướng đến là giảm sản lượng, đổi mới công nghệ để tăng chất lượng bởi đã đến thời kì không còn coi trong doanh thu mà phải coi trọng lợi nhuận, chất lượng của sản phẩm".

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Tổ chức triển lãm quốc tế xây dựng Vietbuild, cho hay: "Theo dự báo của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, vào thời điểm cuối năm 2019 và trong năm 2020 tới, không có nhiều thay đổi từ cơ chế, chính sách, nguồn cung các dự án mới sẽ tiếp tục khan hiếm vào cuối năm và có chiều hướng sụt giảm so với quí III/2019. 

Đặc biệt là thiếu hẳn phân khúc nhà ở giá thấp. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là mặt hàng xi măng".

Vì vậy, các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao và có biện pháp bình ổn nếu cần thiết. Ngoài ra cũng cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, đáp ứng các sản phẩm có mẫu mã mới, sản phẩm xanh, công nghệ thông minh và chất lượng được nâng cao.

Cũng theo ông Hùng, Triển lãm quốc tế Vietbuild Home 2019 với chủ đề "Bất động sản – Trang trí nội ngoại thất và Đồ dùng gia đình" sẽ diễn từ ngày 19 - 23/12/2019 tại TP HCM.

Với 2.300 gian hàng của hơn 450 doanh nghiệp tham gia, triển lãm tập trung giới thiệu nhiều dòng sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến thuộc các ngành trang trí nội - ngoại thất và phục vụ trang trí nhà cửa, phục vụ đời sống gia đình sẽ tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu về xúc tiến thương mại và phát triển kinh tế của các doanh nghiệp.


Như Huỳnh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.