|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Năm 2019 kinh tế thế giới gồng mình trước những rủi ro

21:31 | 01/01/2020
Chia sẻ
Mặc dù kinh tế thế giới đã ghi nhận những tiến triển vào cuối năm, nhưng bất ổn vẫn đang hiện hữu, đe dọa đến triển vọng năm 2020.
Năm 2019 kinh tế thế giới gồng mình trước những rủi ro - Ảnh 1.

Điều chỉnh giá xăng dầu tại trạm xăng ở Karachi, Pakistan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế thế giới trong năm 2019 tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, không chỉ từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mà còn từ việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), được gọi là Brexit, và những căng thẳng địa chính trị.

Thương mại toàn cầu bị đình trệ, kéo theo hoạt động kinh tế tại hầu hết các nền kinh tế lớn đều chậm lại.

Mặc dù thế giới đã ghi nhận những tiến triển vào cuối năm, nhưng bất ổn vẫn đang hiện hữu, đe dọa đến triển vọng năm 2020.

Một năm nhiều bất ổn

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được xem là yếu tố gây bất ổn lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu. Cuộc chiến thương mại giữa hai nước đã bùng phát kể từ đầu năm 2018.

Chiến lược gia trưởng về kinh tế của S&P Ratings Paul Gruenwald nhận định sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc không phải là vấn đề chủ yếu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu mà chính là cuộc chiến thương mại giữa nước này với Mỹ.

Chuyên gia Gruenwald nhấn mạnh, mối quan hệ thương mại xấu đi giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu hơn là những tác động trực tiếp của các biện pháp thuế quan.

Ông nhấn mạnh rằng mọi sự bất ổn xung quanh mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang gây phương hại đến đầu tư và không thể dự đoán được hai nền kinh tế này sẽ đi về đâu và môi trường đầu tư sẽ ra sao.

Ngày 13/12, Mỹ và Trung Quốc thông báo đã đạt được thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1,” song các quan chức Trung Quốc cho biết họ không có kế hoạch ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ về thỏa thuận “Giai đoạn 2” trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020, một phần do Trung Quốc muốn chờ đợi xem Tổng thống Trump có tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai hay không.

Tổng thống Mỹ cũng từng nói đến khả năng thỏa thuận giữa hai nước phải chờ đến sau cuộc bầu cử.

Trung Quốc muốn rằng một số loại thuế của Mỹ phải được dỡ bỏ áp lên khoảng 375 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của nước này, trong khi Mỹ muốn Trung Quốc đưa ra cam kết về lượng tối thiểu nông sản sẽ mua của Mỹ, ngoài các nhượng bộ khác về quyền sở hữu trí tuệ, tiền tệ và tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính Trung Quốc.

Trong khi đó, sau nhiều ngày đàm phán, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhất trí các điều khoản trong thỏa thuận Brexit với EU và Hạ viện Anh đã tán thành Dự luật về Brexit trên nguyên tắc hồi tháng Mười.

Đảng Bảo thủ muốn các nghị sỹ thông qua thỏa thuận về Brexit trước thời hạn quy định Anh rời EU ngày 31/1/2020.

Sau khi rời EU, Anh sẽ bước vào thời kỳ chuyển tiếp kéo dài đến hết 31/12/2020.

Trong thời gian này, Anh sẽ tiếp tục tuân theo các quy định của EU và hai bên sẽ nỗ lực để đạt được một thỏa thuận thương mại dài hạn.

Trong cương lĩnh tranh cử của mình, đảng Bảo thủ cam kết sẽ không kéo dài thời kỳ chuyển tiếp sang năm 2021 và sẽ không có liên kết chính trị nào với EU.

Nhiều ý kiến cho rằng cho đến khi nào các điều khoản về mối quan hệ mới với EU được rõ ràng thì tình trạng bất ổn định trong kinh doanh tại Anh mới kết thúc.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết IMF ước tính GDP của Anh sẽ giảm 3,5-5% nếu Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào, trong khi kịch bản này sẽ khiến GDP của EU giảm 0,5%. Kể cả khi hai bên có một thỏa thuận thì GDP của Anh cũng được dự đoán sẽ giảm 2%.

Các nền kinh tế lớn đồng loạt giảm tốc

Bà Georgieva cảnh báo tranh chấp thương mại đang làm suy yếu kinh tế toàn cầu và mức tăng trưởng kinh tế có thể rơi xuống thấp nhất trong gần 10 năm qua.

Bà Georgieva cho biết nghiên cứu mới nhất của IMF cho thấy các cuộc chiến thương mại đang khiến kinh tế thế giới rơi vào tình trạng "giảm tốc đồng loạt,” với gần 90% các nước trên thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại trong năm 2019.

Trong quý 3/2019, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6%, mức thấp nhất kể từ năm 1992, trước sự sụt giảm nhu cầu trong nước và cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý 2/2019 tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018, cũng là mức thấp nhất trong gần ba thập niên, giảm so với mức 6,4% của quý 1.

Ngân hàng Nomura cho hay tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm tốc xuống còn 5,8% trong quý 4/2019.

Để thúc đẩy tăng trưởng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) đã cắt giảm lãi suất đối với các khoản vay trung hạn một năm trong tháng 11/2019 và là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2016.

Ngày 20/11, PBoC cũng đã hạ lãi suất cho vay cơ bản nhằm hỗ trợ đà tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong quý 3/2019 đã được điều chỉnh lên 2,1% so với cùng kỳ một năm 2018, vượt mức ước tính sơ bộ là 1,9%.

Lý do cho sự thay đổi này là vì các doanh nghiệp đã không cắt giảm chi tiêu đầu tư nhiều như ước tính ban đầu.

Về triển vọng trong quý 4/2019, nhiều nhà phân tích ước tính rằng tăng trưởng GDP của Mỹ đang suy yếu trong quý này và có thể giảm xuống còn 1,4%, thậm chí dưới 1%.

Ước tính cả năm 2019, các nhà kinh tế cho rằng GDP của Mỹ sẽ tăng 2,3%, giảm tương đối mạnh so với mức tăng 2,9% của năm 2018.

Trong năm 2019, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ba lần hạ lãi suất xuống còn 1,5-1,75% nhằm hỗ trợ nền kinh tế do tốc độ tăng trưởng chậm của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát dưới mục tiêu và những bất ổn do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế quý 3/2019 của Nhật Bản cao hơn so với ước tính ban đầu do nhu cầu tiêu dùng và đầu tư của doanh nghiệp tăng cao trước thời điểm thuế tiêu dùng tăng vào tháng 10/2019.

Cụ thể, nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 0,4%, cao hơn nhiều so với mức 0,1% theo số liệu sơ bộ, sau khi tăng 0,5% trong quý 2. Tuy nhiên, một số nhà phân tích dự báo tăng trưởng quý 4/2019 sẽ chậm lại do thuế tiêu dùng tăng.

Những số liệu yếu có thể làm tăng khả năng Chính phủ Nhật Bản tăng chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế trước những tác động từ đợt tăng thuế tiêu dùng.

Doanh số bán lẻ tại Nhật Bản trong tháng 10/2019 giảm 7,1%, mức giảm mạnh nhất trong hơn 4 năm rưỡi do việc tăng thuế tiêu dùng.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của nước này tháng 10/2019 giảm 9,8%, mức giảm mạnh nhất trong ba năm.

Tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tăng trưởng kinh tế trong quý 3/2019 vẫn ở mức yếu 0,2% trong quý thứ ba liên tiếp, với lạm phát giảm trong tháng 10/2019, cho thấy kinh tế khu vực này vẫn đang đối mặt với nguy cơ trì trệ. Các số liệu cho thấy kinh tế khu vực vẫn đứng trước nhiều khó khăn trong quý 4/2019.

Ngân hàng Trung ương châu Âu ngày 12/9 đã quyết định cắt giảm lãi suất tiền gửi từ -0,4% xuống mức thấp kỷ lục mới -0,5%, đồng thời khởi động lại chương trình mua trái phiếu với quy mô 20 tỷ euro/tháng kể từ tháng 11/2019 nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Eurozone và đẩy lạm phát lên.

Triển vọng không chắc chắn

IMF đã cảnh báo tăng trưởng kinh tế của toàn cầu được dự đoán sẽ tăng tốc trong năm tới, nhưng triển vọng này vô cùng bất ổn và khó tránh khỏi những nguy cơ ngày càng gia tăng, bao gồm căng thẳng thương mại, sự bất ổn về chính sách và các nguy cơ địa chính trị.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới trong năm 2019 công bố hồi tháng 10/2019, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 và năm 2020 lần lượt xuống còn 3% và 3,4%.

Theo IMF, kinh tế thế giới đang tăng trưởng với tốc độ yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, trong khi những xung đột thương mại gia tăng làm suy yếu lòng tin của giới đầu tư và kinh doanh.

IMF cũng hạ triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm 2019 xuống còn 2,4%. Mặc dù những căng thẳng thương mại tác đang động tiêu cực đến đầu tư, song IMF dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,1% năm 2020, vẫn cao hơn xu thế chung.

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2019 từ 6,2% xuống 6,1%.

Cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung và đà tăng chậm lại của kinh tế Trung Quốc cũng là những yếu tố khiến IMF hạ dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn khác tại châu Á, như Nhật Bản và Ấn Độ.

Theo nghiên cứu của IMF, những tác động tích tụ từ các cuộc xung đột thương mại có thể khiến kinh tế toàn cầu mất đi 700 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 0,8% GDP, cao hơn so với dự báo trước đó.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế công bố tháng 11/2019, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm 2020, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng Chín.

Hồi tháng Chín, OECD cảnh báo căng thẳng thương mại leo thang đang gây bất lợi tới triển vọng tăng trưởng toàn cầu, trong đó kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. OECD đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 từ mức 3,2% xuống 2,9%.

Bài viết có nhan đề “Nền kinh tế toàn cầu sẽ đi về đâu trong năm 2020?” trên trang mạng investing.com ngày 10/10 nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ đi theo xu hướng không chắc chắn do các vấn đề kinh tế và chính trị.

Năm 2019 kinh tế thế giới gồng mình trước những rủi ro - Ảnh 2.

Vận chuyển hàng hóa tại cảng Tangshan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngay cả khi tăng trưởng kinh tế được khôi phục vào năm 2020, những rạn nứt hiện nay có thể kéo theo chuỗi cung ứng bị gián đoạn, các khu vực thương mại trì trệ.

Nhà phân tích Patrick Armstrong, Giám đốc công nghệ thông tin thuộc nhóm đầu tư Plurimi Investment Managers, cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ “không thể giải quyết được.”

Ông dự đoán rằng thỏa thuận sơ bộ sẽ mang lại rất ít tác động kinh tế, khi không phải là thỏa thuận bao gồm tất cả những gì được hy vọng.

Ông nhấn mạnh rằng các nhà đầu tư mong muốn “hai mối bất ổn lớn nhất” là Brexit và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ sớm được giải quyết, và các thị trường đang bước vào năm 2020 với tâm thế vẫn chờ đợi những giải pháp.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Adrian Zuercher, người phụ trách việc phân bổ tài sản khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc bộ phận đầu tư của UBS Global Wealth Management, nhận định kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2020 do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung "hạ nhiệt" và chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương bắt đầu có hiệu lực./.


Lê Minh