|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xuất khẩu 2019: Vượt rào cản, duy trì kỉ lục

09:33 | 01/01/2020
Chia sẻ
Theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 12 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt hơn 10 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 15-12 đạt 251,66 tỉ USD. Dự báo cuối năm 2019 cả nước sẽ hoàn thành mục tiêu 264 tỉ USD tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 8% so với năm 2018, xuất siêu 10 tỉ USD.

Nhiều ngành hàng không cán đích

Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chúng ta vẫn duy trì các nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên, bao gồm điện thoại và linh kiện; sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện; dệt may; giày dép; máy móc thiết bị phụ tùng. 

Ngoài ra còn hàng chục nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Hiện Việt Nam là quốc gia có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

Tuy vậy, phía sau những con số ấn tượng trên, vẫn có những ngành hàng dù nỗ lực nhưng vẫn chưa thể cán đích theo kế hoạch. Là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong nhiều năm liền, nhưng năm 2019 dệt may vẫn còn thiếu 1 tỷ USD mới hoàn thành kế hoạch 40 tỷ USD.

Trao đổi với ĐTTC, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TPHCM, chia sẻ: “Trong năm 2019 có nhiều cái nhìn tưởng thuận lợi nhưng lại biến thành khó khăn. Như chiến tranh thương mại làm cho nhu cầu tiêu dùng giảm, đồng thời làm cho cạnh tranh giữa các nước trở nên gay gắt hơn. Hay việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng do dệt may chưa tự chủ được nguyên vật liệu, vẫn phải nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, nên chưa tận dụng được những cơ hội này”.

Xuất khẩu 2019: Vượt rào cản, duy trì kỉ lục - Ảnh 1.

Ngành dệt may tưởng thuận lợi trong xuất khẩu nhưng lại biến thành khó khăn. Ảnh: LONG THANH

Tương tự, ngành thủy sản cũng gặp không ít khó khăn khi giá bán của các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như tôm, cá tra giảm mạnh. 

Có thời điểm giá tôm giảm tới 25% so với cùng kỳ năm 2018. Điều này khiến xuất khẩu của ngành chỉ đạt khoảng 9 tỷ USD, thấp hơn 1 tỷ USD so với kỳ vọng. 

Ngoài ra, thủy sản trong năm 2019 cũng tiếp tục đối mặt với việc làm sao để gỡ được thẻ vàng IUU cũng như các vụ kiện chống bán phá giá liên tiếp... 

Trong khi đó, với ngành rau quả, ngay từ đầu năm 2019 khi Trung Quốc siết chặt chất lượng hàng nhập khẩu, chuyển từ nhập tiểu ngạch sang chính ngạch, xuất khẩu rau quả liên tục sụt giảm. Dự kiến năm nay ngành rau quả cũng không về đích.

Thấp thỏm gian lận thương mại

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bên cạnh việc mang đến những cơ hội cho một số ngành hàng của Việt Nam, cũng đồng thời khiến chúng ta phải đối mặt với việc bùng nổ gian lận thương mại và giả mạo xuất xứ hàng hóa. 

Do bị Mỹ đánh thuế cao, nhiều mặt hàng của Trung Quốc đã đội lốt hàng Việt Nam có mức thuế thấp hơn để xuất qua Mỹ.

Cụ thể, nhôm của Việt Nam xuất đi Mỹ chỉ chịu thuế 15%, trong khi nhôm Trung Quốc chịu thuế 374%. Trong tháng 10 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã phát hiện 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc (trị giá khoảng 4,3 tỷ USD) nhập về Việt Nam giả mạo xuất xứ nhằm xuất khẩu đi Mỹ. 

Hay sản phẩm gỗ của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá 183,36%, thuế chống trợ cấp 22,98-194,9%, trong khi với gỗ Việt Nam chỉ 8%. Vì thế ngành gỗ Việt Nam cũng đang đối mặt với gian lận thương mại và giả mạo xuất xứ hàng hóa.

Tại hội nghị đối thoại hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ và phòng vệ thương mại (PVTM) mới đây, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục PVTM, nhấn mạnh gian lận xuất xứ ngày càng gia tăng sẽ cản trở xuất khẩu của Việt Nam không chỉ với Mỹ hay EU mà ở nhiều thị trường khác bởi các rào cản PVTM. 

Theo thống kê của Bộ Công Thương, cho đến nay hàng xuất khẩu Việt Nam đã phải đối mặt với hơn 150 vụ việc PVTM do 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra, tập trung vào các vấn đề về chống bán phá giá, tự vệ, chống trợ cấp...

Thách thức 2020

Tính đến nay Việt Nam đã có 16 FTA song phương và đa phương, trong đó 12 FTA đã có hiệu lực, 1 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực là EVFTA, 3 FTA đang đàm phán. Song thực tế, chưa nói đến tỷ lệ tận dụng các FTA, ngay cả việc tìm hiểu về các FTA đến nay vẫn còn rất hạn chế. 

Thí dụ, FTA Việt Nam - EU (EVFTA) đang được nói đến rất nhiều vì EU vốn là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam nhiều năm qua. Nhưng khảo sát mới đây của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt nam (VCCI), cho thấy gần 80% DN lần đầu nghe nói về EVFTA.

Hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dù đã có hiệu lực gần cả năm nay nhưng vẫn còn khoảng 70% DN chưa biết về hiệp định này. Số DN ít ỏi còn lại biết về các FTA cũng chưa thể dễ dàng tận dụng lợi thế thuế quan vì phải đáp ứng nhiều yêu cầu về quy tắc xuất xứ cũng như các quy định khác từ nước nhập khẩu. 

Trong khi đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang tích cực đón đầu cơ hội này. Như vậy để tận dụng những cơ hội từ các FTA trong năm 2020, đòi hỏi phải tháo gỡ nhiều nút thắt trong chính nội tại chúng ta, với sự nỗ lực của cả DN và Nhà nước.

Nhằm hỗ trợ DN xuất khẩu tiếp cận thị trường trong giai đoạn mới, Bộ Công Thương khẳng định sẽ từng bước cải tiến hoạt động theo hướng gắn kết DN Việt kiều ở ngoài nước với DN trong nước, sử dụng mạng lưới kiều bào để hỗ trợ DN Việt Nam tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời thông qua lực lượng này để tuyên truyền về chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam, góp phần hỗ trợ thành công tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam trong các hệ thống siêu thị tại nước ngoài. 

Tuy nhiên muốn làm thành công bản thân DN Việt phải xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm và DN của mình, từng bước giảm xuất khẩu thô.

Mở rộng thị trường xuất khẩu để đảm bảo những mục tiêu tăng trưởng mới, đồng thời giải quyết những vấn đề còn tồn đọng như PVTM, chống gian lận xuất xứ hàng hóa, sẽ là những chủ đề nóng trong xuất khẩu 2020.

Thanh Lâm