|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Năm 2019 đi tìm 'sữa' cho ly cà phê 'đắng' của Việt Nam

08:00 | 18/12/2018
Chia sẻ
Niên vụ 2018 - 2019 được dự báo tiếp tục là giai đoạn khó khăn đối với ngành cà phê Việt Nam bởi giá thấp, trong khi sản lượng có thể giảm. Trước bối cảnh này, chế biến sâu được xem là nơi "trú ẩn" an toàn cho cơn bão giá cà phê thời gian tới.

Một năm "buồn" với ngành cà phê

2018 tiếp tục là một năm “buồn” đối với người dân trồng cà phê khi giá vẫn giữ ở mức thấp.

Tính đến ngày 15/12, giá cà phê chỉ còn 31.600 đồng/kg, giảm 13% so với hồi đầu năm. Nếu so với thời điểm thuận lợi hồi đầu năm 2017, giá cà phê giảm tới hơn 32% từ 47.000 đồng/kg.

Giá cà phê trong nước giảm do chịu ảnh hưởng bởi đà lao dốc giá cà phê thế giới, do nguồn cung vượt quá nhu cầu trên thế giới.

nam 2019 di tim sua cho ly ca phe dang cua viet nam
Đi tìm 'sữa' cho ly cà phê 'đắng' của Việt Nam

Theo Báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2017 - 2018 ước đạt 164,81 triệu bao tăng 5,7% so với niên vụ 2016 - 2017. Trong khi đó, tiêu thụ cà phê chỉ ở 162,23 triệu bao, tăng 1,8%. Các kho dự trữ cà phê xanh tại những quốc gia nhập khẩu, gồm cả cảng tự do, vẫn ở mức cao trong hai năm qua.

Như vậy, toàn niên vụ, thế giới dư thừa 2,58 triệu bao, gây áp lực lên giá cà phê.

Đỉnh điểm là hồi đầu tháng 9, giá cà phê chạm đáy 12 năm xuống còn 98,65 cent/pound. Thời điểm đó, giá cà phê trong nước ở mức thấp nhất 50 năm với khoảng 35.000 đồng/kg.

Khi sự kiên nhẫn không còn

Giá cà phê giảm thê thảm trong khi chi phí như nhân công, xăng dầu và các dịch vụ, phân bón, thuốc trừ sâu tăng, nhiều hộ nông dân không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục bám trụ với cây cà phê.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Xuân Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), cho biết đợt khủng hoảng giá cà phê trong năm vừa qua đã gây thiệt hại cho ngành khoảng 2.500 - 3.000 tỉ đồng. Chi phí sản xuất cho một kg cà phê là 35.000 đồng trong khi đó, giá bán có lúc giảm tới dưới mức 32.000 đồng/kg khiến người dân phải chịu lỗ.

Một hộ trồng cà phê tại xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết công thu hoạch đã tăng từ 850.000 đồng/tấn lên 1 triệu đồng/tấn.

“Công hái cao mà giá cà phê nhân xô thấp, sản lượng lại sụt giảm khoảng 1/3 so với niên vụ trước nên trừ công chăm sóc, tiền phân bón nữa là lỗ”, hộ này chia sẻ.

Theo VICOFA, một số diện tích tái canh lại chuyển sang trồng sầu riêng, bơ, chanh leo và cây khác có giá trị cao hơn, dẫn tới diện tích cà phê giảm.

Ông Hồ Sỹ Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Phước An, nhận định với mức giá như hiện nay, nông dân khó lòng trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Ông Trung cũng cho biết, lợi nhuận mà cây sầu riêng mang lại cao hơn 8 - 10 lần so với cà phê.

Ba yếu tố ảnh hưởng tới sản lượng cà phê trong năm tới

Ông Thắng cho rằng, việc người dân trồng đa cây trong vườn thay vì tập trung vào cây cà phê chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sản lượng trong niên vụ tới.

“Dự báo sản lượng cá phê niên vụ 2018 - 2019 giảm khoảng 20% xuống còn 1,2 triệu tấn”, ông Thắng thông tin.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VICOFA, phân tích có ba yếu tố chính tác động tới sản lượng cà phê trong niên vụ tới.

Đầu tiên, niên vụ 2017 - 2018 ghi nhận sản lượng cao hơn vụ trước đó. Đối với sinh lý cây cà phê thì năm ngoái được mùa năm nay sẽ mất mùa.

Thứ hai, đồng quan điểm với ông Thắng, ông Tự cho rằng việc người dân chuyển sang trồng các loại cây khác sẽ khiến diện tích cà phê giảm. Theo thống kê của Cục Trồng Trọt, diện tích bơ, sầu riêng lên 102.000 ha .

“Như vậy diện tích cà phê và số lượng cây trong các vườn cà phê đã giảm đáng kể dẫn đến giảm sản lượng trong vụ tới”, ông Tự nói.

Cuối cùng, năm nay mưa nhiều và mưa lớn kéo dài, nước đọng, nhiều vườn cà phê quả non rụng quá mức bình thường.

“Theo các chuyên gia nông nghiệp, có những vùng ở Gia Lai mức rụng quả lên đến 20%, các vùng khác trên 10%”, ông Tự thông tin.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo giá cà phê thời gian tới khó lòng phục hồi do áp lực nguồn cung lớn. Do vậy, niên vụ tới có thể tiếp tục khoảng thời gian khó khăn đối với người dân trồng cà phê.

Ông Thắng khuyến cáo trong thời điểm giá cà phê thấp như hiện nay, người dân không nên vội bán ra nhiều, tránh tình trạng khi giá lên nhưng không còn hàng để bán.

Chế biến sâu: Lối đi cho ngành cà phê thời gian tới

Nếu như năm vừa qua, ngành cà phê phải nếm trải vị "đắng" từ cuộc khủng hoảng giá thì có lẽ việc tập trung vào chế biến sâu, thay vì chỉ xuất khẩu cà phê thô sẽ là những "giọt sữa đặc" mà ngành đang cần để xoa dịu đi vị đắng.

Ông Thắng phân tích trong dài hạn, ngành cà phê phải tăng cường liên kết các nhà với nhau đó là nhà tiêu thụ, nhà chế biến sâu, và nhà sản xuất để có chất lượng cây cà phê ổn định.

"Chế biến sâu đóng vai trò rất quan trọng trong việc đẩy giá cà phê của người nông dân tăng lên", ông Thắng nhấn mạnh.

Nói về về tiềm năng thị trường cà phê tan, ông Thắng cho rằng đây cũng là một hướng đi tốt khi các nhà máy tập trung vào chế biến sâu song hành với việc xuất khẩu cà phê rang say.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đương Kiên, Phó phòng Đông Nam Á, Nam Á và Hợp tác khu vực - Vụ Châu Á, Châu Phi (Bộ Công Thương), chỉ tính riêng tại thị trường Thái Lan, mặt hàng cà phê tan có nhiều dư địa để phát triển. Trong khi thị phần cà phê thô Việt Nam chiếm tới 86% ở Thái Lan thì cà phê tan chỉ chiếm khoảng 10% và có duy nhất một thương hiệu là G7.

“Cà phê hòa tan đang được người Thái Lan yêu thích trong khi thị phần thô của chúng ta gần như bão hòa”, ông Kiên nhận xét.

Ở thị trường nội địa, xu hướng sử dụng cà phê tan cũng đang tăng lên. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng thích cà phê rang xay hơn cà phê hòa tan. Mặc dù tiêu thụ cà hòa tan ở mức thấp nhưng đang có chiều hướng gia tăng, do ngày càng nhiều người nước ngoài sinh sống ở các thành phố lớn.


Đức Quỳnh