Na Uy hưởng lợi từ chính sách đa dạng hóa nguồn cung của EU
Sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine hồi cuối tháng Hai, giá dầu Brent đã tăng vọt lên 100 USD/thùng và vẫn duy trì quanh mức đó trong vài tháng qua. Trong khi đó, nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung nhiên liệu và giảm sự phụ thuộc vào Nga của các nước châu đã thúc đẩy đà tăng giá năng lượng của Na Uy.
Công ty năng lượng khổng lồ Equinor (Na Uy), do nhà nước sở hữu phần lớn cổ phần, đã chứng kiến nguồn thu tăng gấp bốn lần trong quý I/2022.
Nhờ đó, Chính phủ Na Uy đã điều chỉnh nâng dự báo doanh thu từ các hoạt động dầu khí lên 933 tỷ kroner (97 tỷ USD) trong năm nay, gấp ba lần năm 2021. Phần lớn số tiền sẽ được chuyển vào quỹ đầu tư quốc gia (SWF) của Na Uy - SWF lớn nhất thế giới - để hỗ trợ quốc gia khi cạn kiệt dầu khí.
Nga đã ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Phần Lan, Ba Lan và Bulgaria khi các nước này từ chối đề nghị thanh toán bằng đồng ruble. Liên minh châu Âu (EU), gồm 27 quốc gia thành viên, đang đặt mục tiêu giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga vào cuối năm nay thông qua phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn cung thay thế.
Châu Âu đang kêu gọi Na Uy, cùng với các quốc gia như Qatar và Algeria, hỗ trợ để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhiên liệu. Na Uy cung cấp 20-25% nguồn cung khí đốt tự nhiên của châu Âu, thấp hơn so với mức 40% của Nga trước khi xảy ra xung đột với Ukraine.
Thứ trưởng Bộ Năng lượng Na Uy Amund Vik cho biết điều quan trọng đối với Na Uy là trở thành nhà cung cấp dầu và khí đốt lâu dài, ổn định cho thị trường châu Âu.
Đáp lại lời kêu gọi của châu Âu về việc cung cấp thêm khí đốt, Na Uy cấp thêm giấy phép cho các nhà khai thác để gia tăng sản xuất nhiều hơn trong năm nay.