Mỹ tụt hậu trong cuộc đua năng lượng sạch
Năm thứ hai liên tiếp, Mỹ tụt hạng trên bảng xếp hạng các chỉ số quan trọng, bao gồm an ninh năng lượng, sự bền vững của môi trường và mức sẵn sàng chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch.
Mỹ đứng thứ 32 trong số 115 quốc gia trong danh sách này, dưới các nước châu Âu như Thụy Điển, Pháp và Anh cũng như các nước Canada, Colombia và Costa Rica. Năm 2018, Mỹ xếp thứ 25 về chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch.
Lí do cho sự trượt dốc này là do chính quyền Washington đã xây dựng quan điểm chính trị không chú trọng tới năng lượng sạch và năng lượng hóa thạch.
Tổng thống Donald Trump đã cố gắng hồi sinh ngành công nghiệp than đá bằng cách cắt giảm các luật lệ môi trường và cử một người từng vận động hành lang ngành than lên lãnh đạo Cục bảo vệ môi trường Mỹ (EPA).
Đồng thời, ông phê phán các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu và tuyên bố sai lầm rằng cối xay gió gây ung thư.
David Victor, giáo sư tại Đại học California San Diego và là cố vấn trong hội đồng xếp hạng các quốc gia về quá trình chuyển đổi năng lượng, nhận định: ”Mỹ vẫn không thay đổi, trong khi các quốc gia khác đã phát triển".
Liệu đại dịch có cản trở cuộc cách mạng năng lượng sạch?
Các chuyên gia cảnh báo dịch COVID-19 đang gây ra nhiều điều đoán định cho tương lai ngành năng lượng sạch.
Cuộc khủng hoảng y tế đã làm đảo lộn các chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các công ty năng lượng mặt trời không thể mua được các tấm pin từ Trung Quốc như trước.
Doanh thu giảm mạnh ở các thành phố và tiểu bang và tại các công ty lớn có thể khiến việc tài trợ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trở nên khó khăn hơn.
Ông Victor nói thêm: “Trước đại dịch, thị trường khá chú trọng đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo, nhưng đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực lên các khoản đầu tư đó.
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng chỉ ra rằng các nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới như Mỹ, Australia, Trung Quốc và Nga đã không thể đặt được mục tiêu không khí thải (zero-emissions).
Các tiêu chuẩn khí thải ngày càng thấp của Mỹ đang dấy lên những lo ngại về việc các nền chính trị không ưu tiên chuyển đổi năng lượng sạch.
Tiêu thụ than xuống mức thấp nhất trong 43 năm
Điều này xảy ra khi các bang đã rất nỗ lực chuyển đổi năng lượng sạch.
Hơn 25 bang tại Mỹ đã thực hiện chính sách về tiêu chuẩn năng lượng mới, theo đó, một % nhất định lượng điện sử dụng phải được sản xuất từ năng lượng tái tạo. Một số bang như New Mexico hay Hawaii đặt mục tiêu không sử dụng năng lượng hóa thạch.
Ông Victor nói thêm: ”Vì chính phủ liên bang liên tục trì hoãn chuyển đổi năng lượng sạch, các tiểu bang cần phải tự hành động”.
Mặc cho lời lứa sẽ cứu ngành than của ông Trump, nước Mỹ vẫn đang chuyển đổi mạnh sang sử dụng các năng lượng sạch. Tiêu thụ than tại Mỹ đạt đỉnh vào năm 2011, nhưng liên tục giảm kể từ đó do các nhà máy chuyển sang sử dụng năng lượng sạch và khí ga thiên nhiên.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nhiệt điện than đã giảm 16% trong năm 2019 xuống mức yếu nhất kể từ năm 1976.
Trong khi đó, tỉ trọng của khí ga thiên nhiên và năng lượng gió đã đạt mức cao kỉ lục. EIA dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục, tiêu dùng năng lượng từ than sẽ giảm 25%, năng lượng tái tạo tăng 11% trong năm 2020.
Cần biện pháp kịp thời với khí metan
Lượng khí thải carbon cũng đang được kiểm soát tốt. EIA dự báo lượng khí thải CO2 do sử dụng năng lượng sẽ giảm 11% trong năm nay. Tuy nhiên lượng giảm này chủ yếu có nguyên nhân các biện pháp hạn chế đi lại vì dịch bệnh.
Nước Mỹ cũng tạo ra điện từ các nguồn năng lượng sạch nhiều hơn là từ than trong toàn bộ 30 ngày của tháng 4. Đây là thành tích rất đáng ghi nhận nều biết trong toàn bộ năm 2019, chỉ có 38 ngày họ đạt được thành tích này. Nhiều dự án năng lượng sạch khác cũng đang được triển khai
Hôm 11/5, chính quyền Trump đã thông qua dự án năng lượng mặt trời lớn nhất lịch sử nước Mỹ, có tên là Gemini Solar và sẽ được xây dựng tại Nevada, có thể cung cấp năng lượng
cho 260.000 hộ dân tại Las Vegan và nam California. Dự án trị giá 1 tỉ USD được tài trợ bởi đế chế Berkshire Hathaway của Warren Buffett.
Ngoài năng lượng tái tạo, ngành dầu đá phiến Mỹ cũng góp phần vào sự suy tàn của ngành than khi họ khai thác được lượng lớn khí ga và dầu dưới lòng đất.
Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ cùng ngành dầu đá phiến khiến cho lượng khí thải metan tăng lên nhanh chóng, khiến tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng đã chỉ ra tăng hơn một nửa lượng khí thải metan trên toàn cầu là do việc sản xuất dầu và khí ga tại Bắc Mỹ, Các chuyên gia cho rằng có biện pháp hạn chế lượng khí thải metan cần được nhanh chóng áp dụng.